Sinh viên nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh cho lợn con bằng thảo dược

10/01/2025 10:40
Ly Hà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án “ECO-NOSY” tạo ra giải pháp đột phá giúp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa cho lợn con bằng thảo dược, hướng đến chăn nuôi an toàn bền vững.

Cuộc thi “Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa” do Trường Đại học Phenikaa tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi cho sinh viên trong việc phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực, hướng tới tạo ra ý tưởng tiềm năng trong việc khởi nghiệp.

Năm 2024, cuộc thi thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên trong và ngoài nhà trường. Vượt qua 3 vòng thi gay cấn và nhiều ý tưởng đột phá khác trong đêm chung kết, nhóm sinh viên bao gồm Nguyễn Thị Mỹ Lan, Đào Nguyễn Huyền Diệu (K14 - Khoa Dược), Nguyễn Thị Thùy Dương (K15 - Khoa Dược), Lê Trà Giang, Nguyễn Thị Thùy Ngân (K15 Khoa Kinh tế - Kinh doanh), Trường Đại học Phenikaa đã xuất sắc giành giải Quý quân chung cuộc với dự án ECO-NOSY - Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa cho lợn con.

Sản phẩm của dự án có thành phần thảo dược 100%, mang đến giải pháp chăn nuôi an toàn bền vững, đảm bảo sức khỏe lợn con, không ra gây tác dụng phụ, tránh lượng thuốc tồn dư trong sản phẩm thịt.

z6189644660194_0c34b420c22229c978567de5a9e69726.jpg
Sản phẩm ECO-NOSY - Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa cho lợn con. (Ảnh NVCC)

Dự án “xanh” khởi nguồn từ đời sống

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn Nguyễn Thị Mỹ Lan, trưởng nhóm dự án chia sẻ: “Ý tưởng về dự án ECO-NOSY của nhóm được hình thành từ đầu năm 2022 khi vấn đề bệnh về tiêu hóa của lợn con trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở lợn con, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra, trước đó, nhiều lô hàng thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thêm vào đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan và thiếu kiểm soát trong chăn nuôi không chỉ gây lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng mà còn đặt ra thách thức lớn đối với việc xây dựng chuỗi thực phẩm sạch và an toàn.

Đồng thời, thị trường hiện nay đang thiếu hụt các sản phẩm phòng và điều trị bệnh đường tiêu hóa cho gia súc. Giá thành cao của các sản phẩm này cũng khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Từ thực trạng trên, nhóm đã quyết tâm triển khai dự án ECO-NOSY với kỳ vọng mang đến giải pháp hiệu quả, an toàn và phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành chăn nuôi Việt Nam”.

Theo Mỹ Lan, quá trình thực hiện dự án, khâu khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu của nhóm là tìm ra thành phần phù hợp và xác định tỷ lệ phối trộn hợp lý. Việt Nam sở hữu nguồn dược liệu phong phú, mỗi loại lại có công dụng riêng biệt. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ phối trộn không chính xác, sản phẩm có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Xuất phát từ thực tiễn đời sống và các nghiên cứu khoa học, nhóm đã tìm hiểu và lựa chọn những dược liệu quen thuộc để sản xuất sản phẩm. Trong dân gian, nghệ thường được sử dụng để chữa bệnh dạ dày và giảm đau bụng. Qua quá trình học tập, nhóm cũng được thầy cô giới thiệu về một số dược liệu tốt cho đường tiêu hóa như cây vàng đắng, nguyên liệu dùng để chiết xuất berberin, có tác dụng điều trị tiêu chảy do vi khuẩn.

Bên cạnh đó, nhóm ECO-NOSY còn lựa chọn các dược liệu có khả năng kháng khuẩn mạnh như xuyên tâm liên và diệp hạ châu để tăng hiệu quả điều trị. Đối với việc hỗ trợ tiêu hóa, nhóm đã tìm hiểu thêm các tài liệu khoa học và phát hiện atiso không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn dễ tìm, dễ sử dụng. Vì vậy, atiso đã được đưa vào bảng thành phần của sản phẩm.

Dựa trên những nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ giảng viên hướng dẫn, nhóm đã xây dựng công thức phối trộn với tỷ lệ hợp lý, đảm bảo sản phẩm đạt hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

“Chúng em luôn tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng, ECO-NOSY sẽ vượt qua mọi thách thức và mang đến những sản phẩm chất lượng cho người chăn nuôi”, nữ sinh viên chia sẻ.

z6189647368511_9bc6e76e077013b9768bab113d5ef2be.jpg
Các thành phần tự nhiên được nghiên cứu sử dụng trong dự án ECO-NOSY. (Ảnh NVCC)

Nguyên liệu tự nhiên hướng tới mô hình chăn nuôi bền vững

Điểm khác biệt của ECO-NOSY so với các sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa cho lợn con khác là sự kết hợp giữa tính an toàn, thân thiện với môi trường, khả năng thay thế kháng sinh và cam kết giá trị bền vững.

Trước hết, sản phẩm ECO-NOSY có nguồn gốc 100% chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, an toàn cho vật nuôi, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe của người tiêu dùng và được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, sản phẩm còn thể hiện tính bền vững khi sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo ra giải pháp lâu dài cho ngành chăn nuôi nước ta. Đặc biệt, ECO-NOSY đáp ứng khoảng trống thuốc điều trị cho vật nuôi trên thị trường khi cung cấp sản phẩm thay thế kháng sinh với giá thành hợp lý, dễ tiếp cận, phù hợp với điều kiện kinh tế của người chăn nuôi.

Ngoài ra, ECO-NOSY còn cung cấp các giải pháp đi kèm, không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm mà còn mang đến dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, giúp người chăn nuôi sử dụng sản phẩm hiệu quả, đồng thời xây dựng lòng tin và mối quan hệ bền vững với khách hàng.

“Hiện nay, người chăn nuôi thường lựa chọn các sản phẩm kháng sinh để điều trị cho vật nuôi. Vì thế, trong tương lai khi đưa sản phẩm ECO-NOSY vào sử dụng, nhóm chúng em có thể đối mặt với nhiều thách thức.

Thói quen lâu dài sử dụng kháng sinh cho vật nuôi khiến người chăn nuôi ngại thay đổi, ưu tiên giải pháp nhanh chóng, ngắn hạn mà ít quan tâm đến tác động lâu dài. Đồng thời, người chăn nuôi có thể lo ngại về giá thành cao và hiệu quả chậm của thảo dược. Hơn nữa, hệ thống phân phối và tư vấn kỹ thuật của người chăn nuôi còn yếu sẽ khiến việc áp dụng sản phẩm thay thế kháng sinh gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức từ thói quen tiêu dùng trong ngành chăn nuôi, nhóm ECO-NOSY đã xây dựng chiến lược cụ thể nhằm thuyết phục khách hàng tin tưởng vào sản phẩm.

Dự án hướng đến các trang trại nuôi hữu cơ, cơ sở đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các hộ chăn nuôi từng gặp khó khăn do sản phẩm xuất khẩu bị trả về vì dư lượng kháng sinh. Những mô hình này sẽ là minh chứng thực tế, tạo cơ sở thuyết phục, giúp ECO-NOSY khẳng định chất lượng và hiệu quả.

Để người chăn nuôi có thể trải nghiệm sản phẩm, nhóm dự tính cung cấp sản phẩm với giá ưu đãi, thậm chí miễn phí cho các trang trại nhỏ để kiểm chứng chất lượng. Đồng thời, nhóm sẽ hợp tác với các bác sĩ thú y, chuyên gia kỹ thuật và hợp tác xã để đưa sản phẩm đến gần hơn với người chăn nuôi. Ngoài ra, dự án cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức khuyến nông và chính sách phát triển chăn nuôi bền vững nhằm mở rộng quy mô ứng dụng.

Nhóm ECO-NOSY chú trọng hoạt động truyền thông bằng việc tổ chức hội thảo, tham gia hội chợ nông nghiệp và phát động chiến dịch “Tương lai chăn nuôi không kháng sinh”. Sản phẩm cũng sẽ được giới thiệu qua các nền tảng trực tuyến với những nội dung trực quan như video thử nghiệm, chứng minh khoa học và câu chuyện thành công từ thực tế”, Mỹ Lan cho biết kế hoạch của nhóm khi đưa sản phẩm ra thị trường.

z6189646886370_242da97c7b0b711bbe195121d450654e.jpg
Dự án hướng tới trong tương lai phát triển chăn nuôi không kháng sinh. (Ảnh NVCC)

Sinh viên từng bước tự tin, trưởng thành hơn qua cuộc thi khởi nghiệp

Theo Mỹ Lan, hành trình khởi nghiệp của nhóm ECO-NOSY tại cuộc thi "Sáng tạo - khởi nghiệp sinh viên Phenikaa" 2024 là một quá trình học hỏi, sáng tạo và thử thách không ngừng.

“Giải Quý quân tại cuộc thi "Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa" mang lại ý nghĩa lớn đối với chúng em. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực, ý tưởng và quyết tâm của cả nhóm và là bước đệm quan trọng khẳng định giá trị và tiềm năng sản phẩm ECO-NOSY - Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa cho lợn con. Giải thưởng đã tiếp thêm động lực, mở ra cơ hội để chúng em kết nối với các nhà đầu tư và cố vấn, đồng thời giúp nhóm tự tin hơn khi bước ra thị trường và đối mặt với những thách thức phía trước.

Cuộc thi đã mang đến cho mỗi thí sinh những trải nghiệm quý báu, giúp chúng em trau dồi kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là trong quãng thời gian sinh viên. Trước hết, chúng em nhận ra rằng mình có thể làm được nhiều điều hơn những gì đã nghĩ, nhưng cũng nhận thấy cần phải cải thiện liên tục các kỹ năng như quản lý thời gian, cảm xúc và khả năng đối diện với áp lực.

Về mặt đồng đội, em hiểu rằng sự thấu hiểu, tin tưởng và đoàn kết là yếu tố then chốt để vượt qua từng vòng thi. Bên cạnh thành công, chúng em cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, chính những thử thách đó đã giúp chúng em học cách nhìn nhận sai lầm như cơ hội để trưởng thành, rèn luyện sự kiên nhẫn và quyết tâm không bỏ cuộc", nữ sinh chia sẻ.

z6189644332064_4e6ee0c32feea0dc79e4e5e079310313.jpg
Đại diện dự án ECO-NOSY thuyết trình tại cuộc thi "Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa 2024". (Ảnh NVCC)

Bên cạnh đó, Mỹ Lan cho hay, sự hỗ trợ từ các giảng viên và Trường Đại học Phenikaa đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên. Các thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn luôn đồng hành, định hướng và động viên sinh viên vượt qua những khó khăn, cũng như khắc phục những thất bại trong quá trình phát triển sản phẩm.

"Nhà trường đã tạo ra một môi trường học tập năng động, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất và các chương trình hỗ trợ thiết thực. Những cuộc thi, các hoạt động kết nối với doanh nghiệp không chỉ mang lại cơ hội cho chúng em thực hiện ý tưởng mà còn giúp chúng em tiếp cận nguồn lực cần thiết. Nhờ sự hỗ trợ tận tâm này, chúng em đã có thể tự tin hơn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực và hướng tới phát triển bền vững”, trưởng nhóm dự án ECO-NOSY bày tỏ.

Ly Hà