Sáp nhập trường phổ thông: Đội ngũ GV cốt cán - cánh tay nối dài của hiệu trưởng

15/02/2025 08:27
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "Việc xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của nhà trường, giống như là cánh tay nối dài của hiệu trưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ khối tiểu học".

Đề án sáp nhập các trường mầm non, phổ thông được triển khai tại nhiều địa phương từ năm 2016. Để hiểu thêm về công tác quản lý học sinh, chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy của giáo viên khi thực hiện sáp nhập, phóng viên đã ghi nhận ý kiến từ đơn vị triển khai.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Xuân Tầm (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), khi thầy còn làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đông An (huyện Văn Yên), nhà trường được sáp nhập từ hai cấp học vào ngày 1/11/2016 theo Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020. [1]

Theo đó, nhà trường được sáp nhập từ trường tiểu học, trường trung học cơ sở đóng trên địa bàn xã Đông An. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông An khi mới sáp nhập có hơn 1.000 học sinh, 52 cán bộ quản lý - giáo viên. Nhà trường thuộc khu vực 1, nơi có đông dân cư, kinh tế - xã hội phát triển.

Thầy Tuấn cho biết, ưu điểm của việc tinh gọn là giảm được nhân viên kế toán, văn thư, các bộ phận hỗ trợ giáo dục.

"Cơ sở vật chất của hai cấp được đầu tư trọng điểm, trọng tâm hơn. Theo đó, học sinh tại những điểm trường lẻ được đưa về trường chính để học tập, các em được thừa hưởng môi trường giáo dục tốt hơn như, học tập ở trường chính có phòng tin học..", thầy Tuấn nói.

truong-tieu-hoc-va-trung-hoc-co-so-dong-an2.JPG
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông An (Ảnh: FB nhà trường)

Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đông An cho biết, đối với công việc làm quản lý, thầy tăng cường năng lực quản lý, chuyên môn bậc tiểu học bằng việc tự học, tự đọc các thông tư, văn bản.

Đối với việc quản lý học sinh, khi quy mô học sinh tăng, công tác quản lý của hiệu trưởng có thể bị giảm sự sát sao. Để khắc phục tình trạng này, thầy Tuấn đã xây dựng đội ngũ cốt cán gồm các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán để giúp hiệu trưởng nắm thông tin, qua đó vận hành bộ máy hiệu quả hơn.

"Việc xây dựng đội ngũ cốt cán của nhà trường là rất quan trọng. Đây giống như là cánh tay nối dài của hiệu trưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ khối tiểu học", thầy Tuấn nói.

Có ý kiến lo lắng, một số hiệu trưởng trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở có thể coi nhẹ các hoạt động khối tiểu học, bởi khi sáp nhập hiệu trưởng thường là lãnh đạo trường trung học cơ sở, cùng với đó kiến thức học sinh tiểu học có phần nhẹ hơn. Về băn khoăn này, thầy Tuấn nhấn mạnh, hai cấp học sáp nhập vào thành một trường liên cấp, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đều là học sinh của nhà trường. Đồng thời, thầy Tuấn cũng xác định lãnh đạo nhà trường và các giáo viên đều cùng là một sợi dây gắn kết trong một tập thể nhà trường. Hiệu trưởng làm được điều này sẽ không tạo khoảng cách giữa các chủ trương, quan tâm ưu ái cho riêng bậc học nào.

Chia sẻ về những khó khăn khi mới sáp nhập trường, thầy Tuấn nói, ban đầu có những sự bỡ ngỡ về quản lý trong chuyên môn bậc tiểu học, cùng các hoạt động khác của bậc học này. Tuy nhiên là quản lý, thầy phải nhanh chóng nắm bắt, tự học để giải quyết vấn đề quản lý trong khoảng một đến hai tháng.

Về cơ cấu Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đông An, thầy Tuấn chia sẻ, nhà trường có hai tổ đảng, mỗi tổ đảng gắn liền với một cấp học. Nhà trường có một hiệu trưởng và hai phó hiệu trưởng (một người phụ trách tiểu học, người còn lại phụ trách trung học cơ sở).

Về tổ chuyên môn được chia ra làm bốn tổ gồm, tổ khoa học tự nhiên, tổ khoa học xã hội của bậc trung học cơ sở, tổ chuyên môn 1-2-3 và tổ chuyên môn 4-5. Đối với bộ phận nhân viên văn phòng có số lượng ít người nên được ghép vào tổ khoa học xã hội và được gọi là tổ khoa học xã hội - văn phòng, nhằm giảm quy mô tổ trưởng.

Sáp nhập giúp đầu tư cơ sở vật chất trường lớp tập trung hơn

Chia sẻ về việc triển khai sáp nhập, thầy Trần Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) cho hay, nhà trường tiền thân là trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở sở Cao Phong (thành lập từ năm 2002) trực thuộc huyện quản lý. Sau đó đến khoảng năm 2016, đơn vị thêm bậc trung học phổ thông, từ đó đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Hiện nay nhà trường có 290 học sinh theo chỉ tiêu của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo giao.

"Nếu như thêm một trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông nữa sẽ rất cồng kềnh về đội ngũ ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên", thầy Tuấn nói.

Theo vị hiệu trưởng, hiện nay cơ cấu của nhà trường là một hiệu trưởng và hai hiệu phó (quản lý hai bậc học).

Trước khi về công tác tại nhà trường, thầy Tuấn công tác tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Khi về làm lãnh đạo một trường nội trú liên cấp, thầy Tuấn cho hay, việc xây dựng kế hoạch của bậc trung học cơ sở cũng tương đương như trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo thầy nên có thêm một hiệu phó bậc trung học cơ sở có chuyên môn để quản lý học sinh bậc học này. Hiện tại, việc hoạt động của trường đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, để tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh thì gặp khó khăn do thiếu kinh phí.

Cô Nguyễn Thị Giang Hậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho hay, trước đây, nhà trường có trường chính và hai điểm trường, sau đó được sáp nhập về điểm trường chính. Phụ huynh có con em ở điểm trường phàn nàn về việc phải đưa đón con đi học xa, tuy nhiên khi các con về trường chính được thụ hưởng cơ sở vật chất đầy đủ, phụ huynh lại ủng hộ việc này.

Về quy mô, tổ chức hoạt động của nhà trường, cô Hậu cho hay, đơn vị hiện có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó. Tổng sĩ số học sinh trong đơn vị là 130 em.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sen cho hay, với số lượng học sinh của nhà trường hiện nay còn ít, cô cho rằng nên sáp nhập cả Trường Mầm non xã Bản Sen. Bởi lẽ, đơn vị này có số học sinh chỉ hơn 40 cháu và tổng cán bộ - giáo viên - nhân viên chỉ có 9 người.

"Tôi được biết, không có chính sách sáp nhập trường mầm non vào khối trường phổ thông. Tuy nhiên, nếu được, sẽ rất phù hợp với địa bàn xã Bản Sen vì trường mầm non có quá ít học sinh", cô Hậu nói.

Link bài viết tham khảo:

[1] https://baoyenbai.com.vn/45/202403/De-an-sap-xep-quy-mo-mang-luoi-truong-lop-Xay-dung-moi-truong-giao-duc-toan-dien.aspx

Mạnh Đoàn