Sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp học sinh có trải nghiệm khó quên

22/04/2024 06:42
KHÁNH VĂN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học ở nhiều trường đang thực hiện bước đầu đã và đang tạo được sự thích thú của nhiều học trò.

Theo Công văn số 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học cơ sở; Trung học phổ thông cần xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức Tiếng Việt, Văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

Cùng với đó, việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Chính vì thế, việc dạy và học Ngữ văn hiện nay ở các nhà trường không đơn thuần là thầy giảng- trò nghe như trước đây mà đã đa dạng với cách thức thực hiện. Đặc biệt, những tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học cũng được nhiều nhà trường chú trọng và được nhiều học sinh hưởng ứng, thích thú.

GDVN_K.V.jpg
Cô giáo chủ nhiệm và các em tham gia tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học.

Ấn tượng tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học của trường Trung học cơ sở An Châu

Song hành với các hoạt động chính khóa ở trên lớp thì những hoạt động ngoại khóa ở các trường Trung học cơ sở có một vai trò quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng và phát triển nhân cách cho học trò và thông thường những hoạt động đã thu hút được đông đảo học trò tham gia.

Đặc biệt, trong buổi giao lưu cùng diễn giả tại Ngày sách Việt Nam, Trường trung học cơ sở An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mời thầy Trương Chí Hùng- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến chia sẻ về sách và văn hóa đọc.

Tại buổi giao lưu, học sinh lớp 9A3 của nhà trường đã thực hiện tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học và đã gây được sự chú ý của những thầy cô và học trò tham dự. Các em học sinh đã lựa chọn truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng- một tác phẩm tiêu biểu viết về tình phụ tử trong chiến tranh của người dân Nam Bộ để dàn dựng.

Mặc dù là những “diễn viên” không chuyên và mới bước vào lứa tuổi 14,15 nhưng các em học sinh đã hóa thân vào những nhân vật, như: anh Sáu; anh Ba; ngoại; vợ anh Sáu và… những người thân trong buổi tiễn đưa anh Sáu trở lại chiến trường khá thành công.

Các em đã hóa thân về ngoại hình, về giọng nói, tác phong và không ngại ngần khi diễn cảnh bé Thu lao vào ôm cha mình lúc chia tay; hoặc lúc bé Thu gặp lại bác Ba giữa Đồng Tháp Mười.

Nhân vật bé Thu đã gây được ấn tượng mạnh cho thầy cô và các em học sinh trong nhà trường khi thể hiện sự ương bướng, ngang ngạnh và có những hành động ngúng nguẩy chối từ người cha của mình rất đáng yêu.

Chính từ sự thể hiện thành công các vai trong tác phẩm nên những tiểu cảnh của vở kịch đã được các bạn học sinh ở dưới cổ vũ nhiệt tình. Rất nhiều học sinh đã thể hiện sự thích thú khi các bạn của mình đã hóa thân thành những người lính, người dân Nam Bộ trong bối cảnh 70 năm về trước.

Một số hình ảnh trong tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học

GDVN_K.V.jpg
GDVN_K.V.jpg
GDVN_K.V.jpg
GDVN_K.V.jpg
GDVN_K.V.jpg

Hạnh phúc khi thấy học trò thích thú với tác phẩm văn học

Em Nguyễn Hữu Anh Đức - học sinh đóng vai anh Sáu chia sẻ: “Em rất thích tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng bởi tác phẩm đã thể hiện được chiều sâu của tình phụ tử trong chiến tranh.

Vì thế, khi đóng vai ông Sáu em đã cố gắng hóa thân vào nhân vật. Đặc biệt là lúc chia tay bé Thu phải ôm con gái của mình - lúc đầu tập cũng hơi ngại nhưng sau mấy lần tập chúng em cũng quen dần vì nghĩ đó là cảnh cảm động nhất, điểm nhấn sâu đậm nhất về tình phụ tử”.

Em Nguyễn Thị Mỹ Tâm - học sinh đóng vai bé Thu bộc bạch: "Em thích nhân vật bé Thu và cảm nhận được những thua thiệt của nhân vật trong thời chiến khi xa cha đằng đẳng nhiều năm trời. Chính vì thế, lúc đến cảnh chia tay cha, em đã chạy lại ôm chặt bạn diễn. Những mắc cỡ ban đầu cũng tan biến hết vì lúc đó em chỉ nghĩ đến tình cha con trong tác phẩm văn học mà thôi".

Mỗi “diễn viên” có một mảnh đất riêng để thể hiện được tình cảm của mình với nhân vật văn học. Dù có em có nhiều cảnh diễn; có em chỉ 1 vài cảnh; thậm chí chỉ có 1 lời thoại, hoặc chỉ vào vai quần chúng nhưng các em đã hóa thân vào nhân vật một cách chân thật và vô cùng đáng yêu.

GDVN_K.V.jpg
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên trong trường.

Chính vì thế, cô Bùi Thị Phương Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 và cũng là giáo viên phụ trách môn Ngữ văn chia sẻ: “Khi các em tham gia dàn dựng tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học có nhiều điều mà bản thân tôi không ngờ được.

Nhiều em còn nhỏ tuổi nhưng có những suy nghĩ, ý tưởng khá sáng tạo và có chiều sâu. Đặc biệt, thông qua tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học này, tôi thấy tình yêu văn chương của học sinh hiện nay không phải là điều thầy cô đáng lo ngại.

Điều quan trọng là giáo viên biết khơi gợi và phát huy được khả năng của học trò để các em thể hiện và biết trân quý tình yêu văn học để sống đẹp hơn, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”.

Việc đổi mới phương pháp, cách thức trong dạy và học Ngữ văn ở các nhà trường đã được khởi xướng từ nhiều năm qua và nhiều thầy cô, nhiều trường học đang làm tốt công việc này. Trong bối cảnh học sinh có nhiều kênh giải trí khác nhau và cũng có nhiều cám dỗ khác nhau thì việc hướng các em tới tình yêu văn chương, yêu hơn những tác phẩm văn học là điều đáng trân quý.

Việc đa dạng các hoạt động dạy và học Ngữ văn hiện nay đã khác trước rất nhiều theo hướng dẫn của Bộ, nhất là khi toàn ngành đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc dàn dựng những tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học ở nhiều trường đang thực hiện bước đầu đã và đang tạo được sự thích thú của nhiều học trò.

KHÁNH VĂN