Có giáo viên cho đề cương ôn tập ra sao đề kiểm tra tương tự vậy

20/10/2024 08:04
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, kiểm tra định kì với học sinh trung học có hai bài kiểm tra: kiểm tra giữa học kì, kiểm tra cuối học kì.

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trung học đã và đang lên kế hoạch kiểm tra giữa học kì I năm học 2024-2025.

Kế hoạch kiểm tra giữa học kì I năm học 2024-2025 của các cơ sở phần lớn đều có nội dung yêu cầu giáo viên soạn đề cương ôn tập cho học sinh trước thời gian kiểm tra ít nhất 01 tuần.

Đề cương là “sợi chỉ đỏ”, kiến thức cơ bản nhất của chương trình học sinh đã và sẽ học. Thực tế, khi soạn đề cương cho học sinh, giáo viên bộ môn thường ra các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, bài tập cụ thể để học sinh làm.

Học sinh có thể tự giải đề cương của giáo viên cung cấp, hay trong các tiết ôn tập giáo viên sẽ cho học sinh giải đề cương mà mình đã chuẩn bị.

Với các môn mang tính lý thuyết như Lịch sử, Địa lý, Sinh học … phần lớn học sinh “cử” lớp phó học tập hay học sinh giỏi trong lớp soạn, sau đó các thành viên trong lớp photocopy để học thuộc hoặc làm … tài liệu quay cóp.

gdvn-de-cuong-369.jpg
Ảnh minh họa.

Không ít giáo viên ra đề kiểm tra thường sử dụng lại câu hỏi trong đề cương hoặc ra câu có nội dung tương tự nội dung đề cương học sinh đã học.

Vì vậy, đề cương vô cùng quan trọng với học sinh và là “giải pháp” nâng cao chất lượng của nhà trường, nên trước kiểm tra định kì, nhà trường yêu cầu giáo viên làm đề cương cho học sinh.

Biện minh cho việc ra đề kiểm tra giống đề cương, một số giáo viên cho rằng trong thời gian ngắn, học sinh phải ôn tập, kiểm tra nhiều môn, làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy giúp giảm áp lực học tập cho học sinh.

Làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy, trước mắt có thể thấy kết quả của kiểm tra “đẹp”, học sinh vui, giáo viên vui, phụ huynh vui, nhà trường vui, thế nhưng nó để lại hậu quả vô cùng tai hại cho học sinh.

Thứ nhất, gây hại cho quá trình phát triển tư duy của học sinh.

Khi học sinh chỉ cần học thuộc hoặc làm lại những bài tập đã được đưa ra trong đề cương, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của các em bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thay vì tư duy linh hoạt, sáng tạo để đạt kết quả tốt, học sinh chỉ cần cố gắng ghi nhớ máy móc các dạng bài, câu hỏi trong đề cương, không cần hiểu sâu về kiến thức cốt lõi, không cần tự logic khái quát hóa kiến thức đã học.

Vì thế, có không ít học sinh đi thi gặp đề ra không trùng với dạng bài mình đã học chỉ còn “ôm mặt khóc” dù đã từng được đánh giá là học sinh giỏi nhất lớp, nhất trường.

Thứ hai, tạo tâm lý lười biếng và phụ thuộc cho học sinh.

Việc giáo viên ra đề kiểm tra tương tự như đề cương sẽ tạo cho học sinh tâm lý ỷ lại, học tủ, học vẹt, chỉ tập trung ôn luyện những bài, những câu, những nội dung giáo viên đã cho trước.

Làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy làm mất đi tác dụng của kiểm tra đánh giá, mất đi ý nghĩa của việc học tập, khiến học sinh thiếu chủ động trong việc nghiên cứu và khám phá kiến thức mới, vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề để khắc sâu kiến thức.

Thứ ba, giáo viên vô hình chung đang tự hạ thấp chất lượng giáo dục.

Giáo viên có trách nhiệm phát hiện, phát triển phẩm chất học sinh thông qua quá trình truyền đạt kiến thức và giúp học sinh phát triển toàn diện.

Kiểm tra đánh giá cũng là một trong những biện pháp giáo dục và tự giáo dục cho học sinh. Việc làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy chỉ ở mức độ tái hiện kiến thức, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh chỉ đạt kết quả cao trên giấy tờ nhưng không thực sự có đủ phẩm chất, kỹ năng và kiến thức cần thiết để áp dụng vào thực tế.

Nói cách khác, làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy là phản giáo dục, đáng lên án.

Thứ tư, thiếu công bằng trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh.

Những học sinh có phẩm chất, năng lực vượt trội cũng có thể có kết quả kiểm tra đánh giá như những học sinh học tủ, học vẹt, học thuộc đề cương.

Chính sự đánh giá không công bằng vô tình làm nản lòng, làm thui chột phẩm chất, năng lực của học sinh.

Thứ năm, đi ngược lại mục tiêu chương trình 2018.

Chương trình 2018 hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, việc cung cấp đề cương dưới dạng câu hỏi, bài tập chẳng khác nào dọn cỗ sẵn cho học sinh, đồng phục hóa phẩm chất, năng lực của học sinh.

Việc sử dụng lại câu hỏi, bài tập trong đề cương hay câu hỏi bài tập tương tự lại càng phản khoa học sư phạm, chẳng khác nào giáo viên đang đơn giản hóa quá trình dạy học, quá trình phát triển phẩm chất năng lực, tư duy của học sinh; tạo nên "trần" nhận thức cho học sinh.

Một phần nguyên nhân của việc giáo viên chọn cách làm đề cương tương tự đề kiểm tra là do áp lực từ kết quả thi cử, thành tích của lớp, của trường, của chính giáo viên.

Giáo viên lo ngại học sinh đạt kết quả không tốt sẽ không đạt chỉ tiêu đầu năm, sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chí thi đua khen thưởng cuối năm.

Bên cạnh đó, còn có thể xuất phát từ sự thiếu năng lực, phẩm chất và tâm lý muốn đơn giản hóa quá trình dạy học, dạy học chỉ để … ăn lương của chính giáo viên.

Từ thực tế, người viết có đôi điều đề xuất:

Nhà trường cần khuyến khích, động viên giáo viên sử dụng phương pháp, kỷ thuật dạy học tích cực, giúp học sinh tự học, tự phát hiện và lĩnh hội kiến thức, hiểu sâu vấn đề và phát triển tư duy sáng tạo.

Giáo viên làm đề cương ôn tập cần bao gồm nhiều dạng bài tập khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, nhằm kiểm tra toàn diện kiến thức và kỹ năng của học sinh; chú trọng vào các bài tập ứng dụng thực tiễn để học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của kiến thức trong cuộc sống.

Đề kiểm tra cần đa dạng, nội dung đề tránh, giảm các câu hỏi, bài tập học thuộc lòng; tăng cường kiểm tra việc sử dụng kiến thức, kĩ năng vào vận dụng giải quyết các tình huống thực tế để kiểm tra được phẩm chất, kĩ năng của học sinh.

Tuyệt đối không được làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy. Nhà trường cần đối sánh nội dung đề cương và đề kiểm tra, có kỉ luật nghiêm khắc đối với giáo viên có hành vi sử dụng câu hỏi, bài tập trong đề cương làm đề kiểm tra.

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc việc làm đề cương như thế nào ra đề kiểm tra như vậy, cần hướng đến giáo dục thật, dạy thật, kiểm tra đánh giá thật. Nội dung đề cương chỉ là “sợi chỉ đỏ” của chương trình, của nội dung kiểm tra, không có câu hỏi, bài tập cụ thể nào.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường