Phiên tòa giả định - Nơi khẳng định bản lĩnh của SV khoa Luật Trường ĐH Hòa Bình

19/09/2023 07:25
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đây là mô hình học tập kết hợp trải nghiệm và thực hành mang đặc thù đào tạo của ngành Luật tại Trường Đại học Hòa Bình.

Ngày 15/09/2023, Câu lạc bộ Diễn án thuộc đoàn Trường Đại học Hòa Bình đã tổ chức diễn án phiên tòa giả định “xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua, bán trái phép chất ma túy”.

Đây là mô hình học tập kết hợp trải nghiệm và thực hành mang đặc thù đào tạo của ngành Luật tại Trường Đại học Hòa Bình nói riêng cũng như các cơ sở đào tạo ngành luật nói chung. Đồng thời, đây còn là sân chơi học thuật bổ ích, là cơ hội để sinh viên Khoa Luật học hỏi từ vụ việc thực tiễn, hoàn thiện các kỹ năng cần có cho sự nghiệp thực thi pháp luật sau này.

Đến tham dự buổi diễn án Phiên tòa giả định do Câu lạc bộ Diễn án thuộc Đoàn Trường Đại học Hòa Bình tổ chức gồm có: Thạc sĩ Phùng Văn Thiệp – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyền – Phó phòng Hành chính Tổng hợp, Thạc sĩ Dương Đông Giang – Phòng Quản lý sinh viên, cùng thầy cô thuộc các Khoa, Phòng chức năng và sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.

Phiên tòa giả định “xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua, bán trái phép chất ma túy” của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình

Phiên tòa giả định “xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua, bán trái phép chất ma túy” của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình

Phiên tòa giả định là mô hình học tập phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là sinh viên ngành Luật. Đây là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp sinh viên tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là cơ hội để sinh viên ngành Luật trực tiếp tham gia nghiên cứu những vụ việc thực tế của ngành học, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm…

Trước khi bắt đầu phiên tòa giả định, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Phát - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình phát biểu khai mạc rằng: “Trong bất kỳ một lĩnh vực học tập nào cũng vậy, học luôn phải đi đôi với hành. Bên cạnh những kiến thức về lý thuyết mà các thầy cô đã giảng trên lớp, các em cần phải được thực hành ít nhiều trên thực tế. Ngành luật là một ngành học đặc thù, đòi hỏi sự thực hành cũng khác biệt. Và phiên tòa giả định là một sân chơi như vậy, giúp em các em thực hành nghề nghiệp thông qua hóa thân thành các chức danh như thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên…”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Phát – Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình phát biểu

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Phát – Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình phát biểu

Phiên tòa giả định được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử do các sinh viên đang theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật tái hiện như một phiên tòa thật.

Tại Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, thầy, cô sẽ chỉ đứng phía sau hỗ trợ, định hướng với vai trò là người cố vấn. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được hướng dẫn tận tình từ những luật sư đến từ những văn phòng, công ty Luật đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, Tiến sĩ Trần Thanh Phương – Nguyên Trưởng Khoa đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp hiện đang là giảng viên của Khoa, người cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các phiên tòa giả định đã hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong việc lựa chọn kịch bản. Sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình sẽ chính là những người tự mình xây dựng kế hoạch, tổ chức và phân công nhiệm vụ, liên hệ các đơn vị phối hợp để xây dựng nên một phiên toà giả định thành công.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng Luật sư Minh bạch quốc tế đang chuẩn bị cho sinh viên lên diễn

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng Luật sư Minh bạch quốc tế đang chuẩn bị cho sinh viên lên diễn

Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, luật sư, sinh viên không chỉ “diễn” lại một phiên xét xử mà hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản; phân công người tham gia và phối hợp tổ chức dàn dựng để diễn ra một phiên toà thực sự mang diễn biến thực tế.

Buổi diễn án phiên tòa giả định đã kết thúc tốt đẹp trong sự nghiêm túc của các diễn viên tham gia. Chia sẻ sau buổi diễn, bạn Nguyễn Thanh Viên – sinh viên lớp 519LKT trong vai thẩm phán đã nói lên suy nghĩ của mình: “Tại phiên toà giả định hôm nay giúp em có một trải nghiệm hữu ích và cơ hội rèn luyện để phát triển bản thân về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, nâng cao và hiểu sâu sắc hơn các quy định pháp luật cũng như việc áp dụng quy định pháp luật vào tình huống thực tế.

Em thấy hoạt động diễn án là hoạt động cực kỳ có ý nghĩa trong việc giúp các sinh viên luật định hướng mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai và áp dụng lý thuyết vào thực hành.

Điều em muốn nhắn nhủ tới các em sinh viên đang theo học tại Trường là các công việc trong nghề luật nói chung đòi hỏi kiến thức luật vững chắc và quan trọng hơn là tư duy linh hoạt, khả năng áp dụng các quy định pháp luật giải quyết các tình huống thực tế. Do đó, khi còn theo học tại trường, các em nên tích cực tham gia hoạt động của câu lạc bộ diễn án để có cơ hội rèn luyện các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các công việc liên quan đến luật.”.

Sinh viên Nguyễn Thanh Viên trong vai Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa

Sinh viên Nguyễn Thanh Viên trong vai Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa

Bạn Đỗ Thị Quỳnh Trang trong vai Kiểm sát viên đã rất phấn khởi sau khi hoàn thành vai diễn của mình: “Em thấy buổi diễn án hôm nay thật tuyệt vời, thành công ngoài mong đợi của chúng em. Mặc dù lúc đầu chúng em có hơi run và căng thẳng, nhưng nhìn thầy cô ở dưới dõi theo cổ vũ như tạo thêm sức mạnh cho chúng em, khiến em tự tin hơn.

Em thực sự cảm ơn và biết ơn các thầy cô Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình đã giúp chúng em từ rụt rè, thiếu tự tin trở nên bản lĩnh, tự tin như ngày hôm nay.

Em mong rằng hoạt động diễn án sẽ tiếp tục trở thành sân chơi chủ động cho các bạn sinh viên. Em cũng rất mong mô hình Câu lạc bộ diễn án của sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình được lan tỏa đến tất cả các cơ sở đào tạo có ngành luật trên cả nước. Đồng thời, các câu lạc bộ từ các trường có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng dạy-học ngành Luật”.

Sinh viên Đỗ Thị Quỳnh Trang (bên phải) trong vai Kiểm sát viên

Sinh viên Đỗ Thị Quỳnh Trang (bên phải) trong vai Kiểm sát viên

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức hoạt động cho Câu lạc bộ Diễn án cũng như tạo sự hứng khởi đối với các em sinh viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên – Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Điều quan trọng nhất tạo nên sự thành công cho Phiên tòa giả định của Câu lạc bộ Diễn án nói riêng và các hoạt động dành cho sinh viên Khoa Luật nói chung là tạo sự chủ động, sáng tạo cho sinh viên. Khi các em nhận thức đây là sân chơi của mình, vì mình, do mình làm chủ thì tính trách nhiệm sẽ càng cao. Tại sân chơi của mình, các em sinh viên được quyền tranh luận với các thầy, cô quan điểm của mình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.

Bên cạnh đó, phiên tòa giả định không chỉ là sân chơi bổ ích cho riêng sinh viên ngành Luật, mà còn là kênh giáo dục có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối với tất cả các đối tượng được phổ biến. Kết hợp với những buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Trường tổ chức, thì phiên tòa giả định cũng gián tiếp tuyên truyền ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật tới các cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.

Dưới đây là một hình ảnh tại Phiên tòa giả định:

Toàn cảnh phiên tòa giả định

Toàn cảnh phiên tòa giả định

Sinh viên đóng vai bị cáo trong phiên tòa

Sinh viên đóng vai bị cáo trong phiên tòa

Kết thúc phiên tòa giả định, sinh viên cùng các thầy cô giáo chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc phiên tòa giả định, sinh viên cùng các thầy cô giáo chụp ảnh lưu niệm

Bắc Sơn