PGS.TS Vũ Hải Quân: Cần cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi

04/04/2024 06:20
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân đề nghị cần có cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi, vì nếu không có thầy giỏi thì rất khó mà có trò giỏi.

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm của Việt Nam”.

Đến tham dự buổi tọa đàm có Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, một số trường đại học đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những lý do cần thiết để xây dựng Luật Nhà giáo tại Việt Nam là để nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như quy định rõ trách nhiệm của nhà giáo.

VUHAIQUAN.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: VNUHCM)

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: “Cần có cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi. Nếu không có thầy giỏi thì rất khó có được trò giỏi”.

Theo Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra Pháp chế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những lý do cần thiết để xây dựng Luật Nhà giáo là do các văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa có tính hệ thống.

Ví dụ: Nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập thì có sự điều chỉnh của Luật viên chức, còn nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài vào giảng dạy ở Việt Nam thì chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động, như là những người lao động bình thường.

Cũng theo Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, nghề giáo có tính chất đặc thù và riêng biệt, với những áp lực từ phía xã hội. Thế nhưng, quyền lợi và phúc lợi của họ nhận được vẫn chưa tương xứng với những gì công sức mà họ đã bỏ ra. Với mức thu nhập như hiện nay, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung đưa ra nhận định rằng, khó có thể đòi hỏi quá mức ở nhà giáo.

VUHAIQUANc.jpg
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung phát biểu tại tọa đàm (ảnh: VNUHCM)

Do vậy, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung nêu quan điểm là cần phải có Luật Nhà giáo để có được những chính sách đồng bộ và toàn diện hơn.

Dự kiến, Bình Dương sẽ đưa ra chế độ thu hút lao động có trình độ cao

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh Bình Dương có 730 trường, trung tâm, trong đó tỷ lệ các đơn vị công lập chiếm gần 54%.

Tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành giáo dục của tỉnh là 19.878 người, trong đó có 14.883 người là giáo viên, 1.048 người là cán bộ quản lý.

Cách đây hơn 4 năm, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành nghị quyết, quy định chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cho đến nay, nghị quyết này đã góp phần duy trì sự ổn định đội ngũ công chức, viên chức.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, để các chế độ, chính sách được đầy đủ hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND, để nhằm thu hút và giữ chân được nhà giáo.

Cụ thể, dự kiến là tỉnh Bình Dương sẽ thu hút giáo viên ở bậc mầm non, giáo viên bộ môn và viên chức phụ trách thư viện bậc tiểu học, giáo viên môn giáo dục thể chất ở bậc trung học cơ sở, giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên môn tiếng Anh các bậc học, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Dự kiến, Bình Dương sẽ đưa ra một chế độ, chính sách thu hút lao động có trình độ đến làm việc tại địa phương, trong đó tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, thạc sĩ hỗ trợ 150 triệu đồng, đại học hỗ trợ 100 triệu đồng cao đẳng và trung cấp cùng ở mức 50 triệu đồng.

Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương còn đề nghị Sở Nội vụ tỉnh xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thuê nhà đối với giáo viên về công tác trong ngành giáo dục của tỉnh Bình Dương.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, hiện chính sách thu hút này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh thông qua, dự kiến sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh trong kỳ họp giữa năm.

Xây dựng Luật Nhà giáo cần sự chung sức của 5 “nhà”

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay, việc xây dựng Luật Nhà giáo cần sự chung sức của 5 “nhà”, đó là: Nhà quản lý (Cơ quan quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách), Nhà khoa học, Nhà sản xuất (giáo viên, giảng viên), Nhà sử dụng (hiệu trưởng), Nhà thụ hưởng (người học).

VUHAIQUANb.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng (ảnh: VNUHCM)

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, những quan điểm cốt lõi trong việc xây dựng Luật Nhà giáo, đó là: Bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, học tập kinh nghiệm của quốc tế, vận dụng sáng tạo và phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Nhà giáo không phải là đặt ra quy định để quản lý nhà giáo, mà quan trọng là phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là thu hút người có năng lực, phẩm chất làm nhà giáo, phát huy tâm huyết và trí tuệ trong quá trình làm việc và cống hiến.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho ý kiến trong việc xây dựng Luật Nhà giáo liên quan đến đội ngũ giảng viên, như là quyền lợi, trách nhiệm, thu hút nhân tài.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, ngoài các chế độ đãi ngộ, thu nhập thì yếu tố môi trường làm việc, danh dự, uy tín của nhà giáo cũng là yếu tố rất quan trọng, cần được thảo luận.

Việt Dũng