PGS.TS Cao Cự Giác chia sẻ về hành trình thầm lặng của đội ngũ biên soạn SGK

12/05/2025 07:32
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên, Hóa học, cùng đội ngũ biên soạn vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành sách giáo khoa đúng tiến độ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Cao Cự Giác - Phó Trưởng khoa, Khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên (lớp 6, 7, 8, 9) và sách giáo khoa Hóa học (lớp 10,11, 12) bộ sách Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Thầy và các cộng sự đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thiện những cuốn sách giáo khoa đúng tiến độ với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học phổ thông.

Biên soạn sách giáo khoa giữa “tâm dịch” ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hành trình đầy gian nan, thử thách trong công tác biên soạn sách giáo khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác cho biết, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cả nước bước vào cuộc chiến chống dịch căng thẳng. Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đặt trung tâm biên soạn sách giáo khoa cũng bị cách ly xã hội nghiêm ngặt. Từ một đô thị sôi động, thành phố trở nên vắng lặng, chỉ còn tiếng còi xe cứu thương suốt ngày đêm.

Mặc dù tình hình khó khăn, nhưng gần 100 thành viên của nhóm biên soạn sách, bao gồm tác giả, biên tập viên, họa sĩ, thiết kế và kỹ thuật chế bản, vẫn miệt mài làm việc tại số 231 đường Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm này, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Song song với việc tổ chức tập huấn giáo viên trên toàn quốc, nhóm biên soạn buộc phải bắt tay ngay vào việc hoàn thiện nội dung cho sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 7 và Hóa học lớp 10, hai đầu sách cần hoàn thành để chuẩn bị cho năm học tiếp theo.

anh-4.png
Tổ chức tập huấn online cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa Khoa học tự nhiên và Hoá học (bộ sách Chân trời sáng tạo – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

“Chúng tôi như một “công xưởng” khẩn cấp vận hành liên tục để kịp tiến độ, nhưng khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, một giai đoạn đầy thách thức và khó khăn lại đến. Việc chuyển sang làm việc trực tuyến đòi hỏi phải có sự tương tác và tập trung cao độ. Đây cũng được coi là phép thử cho tinh thần bền bỉ và lòng tận tâm với nghề của đội ngũ làm sách giáo khoa”, thầy Giác chia sẻ.

Không chỉ vậy, thầy Giác còn gặp khó khăn khi bị "kẹt" lại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong lúc trực tiếp điều phối hoạt động biên soạn sách giáo khoa trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19. Khi thành phố bắt đầu siết chặt giãn cách, thầy may mắn kịp trở về Nghệ An, nhưng ngay khi đặt chân xuống máy bay, thầy lại nhận được kết quả dương tính với Covid-19.

Dù phải cách ly tại nhà, thầy Giác vẫn không ngừng chỉ đạo công việc, sử dụng phòng làm việc của mình như một "trung tâm chỉ huy". Màn hình máy tính sáng xuyên đêm, các cuộc họp online liên tiếp và những bản thảo phải hoàn tất đúng hạn, khiến quá trình biên tập sách trở nên căng thẳng và áp lực.

ff462f1890f223ac7ae3.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Cao Cự Giác - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên (lớp 6, 7, 8 ,9 ) và sách giáo khoa Hóa học (lớp 10, 11, 12), bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên và sách giáo khoa Hóa học, bộ sách Chân trời sáng tạo chia sẻ thêm: “Kỷ niệm in đậm trong tâm tâm trí tôi như một dấu mốc không thể quên là nhóm biên soạn phải làm việc cả ngày lẫn đêm với tinh thần cống hiến không mệt mỏi. Một số tác giả dù đang điều trị Covid-19 vẫn tham gia họp trực tuyến từ bệnh viện, nhiều biên tập viên, họa sĩ thức trắng đêm để chỉnh sửa bản thảo và hình vẽ.

Có những đêm, cả nhóm phải làm việc liên tục để hoàn tất bản thảo và gửi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đúng hạn vào sáng ngày hôm sau”.

Trong cao điểm dịch bệnh, thầy Giác và đội ngũ biên soạn vừa phải tự bảo vệ sức khỏe, vừa phải chạy đua với thời gian để hoàn thiện sách giáo khoa, đảm bảo đến tay học sinh đúng tiến độ. Gần một thập kỷ gắn bó với công việc biên soạn sách giáo khoa là hành trình nhiều thách thức nhưng cũng đầy tự hào với Phó Trưởng khoa, Khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh.

"Đó là kết quả của tinh thần bền bỉ và cống hiến không ngừng nghỉ của cả tập thể, từ tác giả, biên tập viên đến họa sĩ và thiết kế - những người đã âm thầm đồng hành suốt chặng đường dài phía sau mỗi trang sách”, thầy Giác xúc động nói.

Thầy nhấn mạnh, quá trình làm sách giáo khoa không những đòi hỏi chuyên môn vững vàng mà cần có lòng nhiệt huyết và kỷ luật cao. Từng số liệu, thí nghiệm, hình vẽ phải được kiểm tra kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm, trải qua nhiều lần chỉnh sửa đến khi hoàn thiện.

Bên cạnh đó, đội ngũ biên tập viên, họa sĩ đã “thổi hồn” vào những khái niệm khô khan, biến chúng thành trang sách sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho học sinh. Việc quy tụ được một tập thể giàu kinh nghiệm, tận tâm và làm việc nghiêm túc là yếu tố then chốt giúp mỗi bản thảo sách giáo khoa đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn và kỳ vọng đổi mới.

anh-1.jpg
Niềm vui của của thầy Giác (bên phải) và cộng sự khi được phê duyệt sách. Ảnh: NVCC

Nhớ lại hành trình biên soạn ấy, thầy Giác cũng không quên những đêm thức trắng để tranh luận về một chi tiết minh họa hay những khoảnh khắc chỉnh sửa từng dấu chấm, dấu phẩy.

“Điều tôi luôn trân quý là tinh thần tập thể – nguồn sức mạnh giúp cả nhóm kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi giới hạn. Mỗi khi một cuốn sách được Hội đồng thẩm định thông qua là một cột mốc xúc động đối với cả nhóm. Nước mắt, nụ cười và niềm hạnh phúc vỡ òa là cảm xúc của chúng tôi sau hành trình dài nỗ lực không ngừng”, thầy Giác chia sẻ.

Trong gần một thập kỷ miệt mài làm việc, nhóm biên soạn đã hoàn thành 7 cuốn sách giáo khoa, bao gồm môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, 7, 8, 9) và môn Hóa học (lớp 10, 11, 12).

Hành trình ấy được viết bằng sự bền bỉ, kỷ luật và niềm tin vào giá trị của tri thức. Những người làm sách tin rằng, trong hàng triệu lớp học sinh trên cả nước, các em đang chờ đón những trang sách này để khám phá thế giới tự nhiên. Mỗi cuốn sách là một lời hứa rằng tri thức sẽ đến với học sinh một cách trọn vẹn và sống động nhất.

Xanh ngọc lam và Trắng Bảng minh họa Ảnh ghép.jpg
Thầy Cao Cự Giác là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên (lớp 6–9). Ảnh: KH.

Yêu cầu về chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, áp lực đối với đội ngũ làm sách giáo khoa là điều không thể tránh khỏi. Yêu cầu về chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, từng con số, câu chữ, hình ảnh đều phải đạt độ chính xác tuyệt đối để vượt qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt của Hội đồng thẩm định. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cả quá trình phải làm lại từ đầu.

Ngoài ra, thời gian cũng là một yếu tố gây áp lực lớn trong quá trình biên soạn. Quy trình làm việc theo kiểu “cuốn chiếu” yêu cầu nhóm biên soạn phải bắt tay vào cuốn sách mới khi cuốn sách trước vẫn chưa hoàn tất. Đồng thời, các hoạt động dạy thử nghiệm, chuẩn bị tập huấn và lên kế hoạch in ấn phải hoàn thành trước năm học. Nếu chậm trễ một ngày, có thể ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh trên cả nước.

“Với vai trò điều phối toàn bộ dự án, tôi luôn nhận thức rõ sức nặng trách nhiệm của bản thân mình. Mỗi bản thảo được rà soát soát kỹ lưỡng qua nhiều vòng, có khi sửa đi sửa lại đến hàng chục lần. Ngay cả khi sách đã được phát hành, tôi và cả nhóm vẫn tiếp tục theo dõi và nhận phản hồi từ dư luận, truyền thông. Nguyên tắc của tôi khi làm việc là khẩn trương nhưng không vội vàng. Thách thức lớn nhất là phải giữ được nhịp độ gấp rút nhưng vẫn không đánh mất tinh thần của sách và có thể truyền cảm hứng cho học sinh”, Phó Trưởng khoa, Khoa Hóa học, Trường Đại học Vinh chia sẻ.

anh-3.jpg
Thầy Giác (áo trắng) trong một buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa tại Tiền Giang. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Cao Cự Giác cho rằng, việc biên soạn sách giáo khoa như dàn dựng một bản giao hưởng phức tạp, đòi hỏi quy trình chặt chẽ và sự phối hợp giữa nhiều bộ phận. Nhóm tác giả trước hết phải xây dựng đề cương, minh chứng năng lực chuyên môn để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phê duyệt. Bản mẫu được soạn thảo trong khoảng hai năm, trải qua hai vòng dạy thử nghiệm trước khi gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cuối cùng chuyển đến Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.

Tại vòng thẩm định, các chuyên gia có khoảng một tháng để nghiên cứu và phản biện kỹ lưỡng. Nếu bản mẫu được thông qua, sách tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ giáo viên và các cơ sở đào tạo sư phạm. Sau nhiều vòng chỉnh sửa, bản thảo được hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Chia sẻ thêm về nội dung của sách giáo khoa, thầy Giác cho biết: “Chúng tôi ưu tiên những ví dụ gắn liền với thực tế từng vùng miền của Việt Nam, làm cho khoa học trở nên gần gũi nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc như: thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc; nghề làm muối ven biển, sản xuất đường thốt nốt ở miền Tây; tác động môi trường từ việc đốt rơm rạ ở làng quê đến việc xả thải chất thải nhà máy ở thành phố. Những chi tiết ấy không chỉ truyền tải kiến thức, mà còn giúp học sinh thêm gắn bó và tự hào về nơi mình sinh sống.

Khó khăn lớn nhất của tác giả là tạo ra bản thảo đầu tiên đạt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp cận xu hướng biên soạn sách giáo khoa hiện đại của các nước phát triển trên thế giới. Việc cân bằng giữa tính chính xác của khoa học và cách thể hiện gần gũi, dễ tiếp cận với học sinh là một thử thách kép của nhóm biên soạn sách”.

anh-5.png
Một số tác giả tham gia dự giờ dạy thực nghiệm sách giáo khoa Khoa học tự nhiên (lớp 6, 7, 8, 9) bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Để đảm bảo tính thực tiễn và khả năng tiếp nhận, mỗi bài học đều được dạy thử nghiệm trong lớp học thực tế. Nhóm biên soạn quan sát trực tiếp các lớp dạy thực nghiệm, phân tích phản ứng của học sinh, tiếp thu ý kiến giáo viên và điều chỉnh nội dung qua hai vòng kiểm nghiệm nghiêm ngặt.

Sau khi được thông qua, Nhà xuất bản sẽ phối hợp với các địa phương để giới thiệu sách, tổ chức tập huấn giáo viên và triển khai phân phối.

Sách giáo khoa là linh hồn của chương trình giáo dục phổ thông 2018, biến những định hướng lớn thành bài học cụ thể. Với giáo viên, sách là “kim chỉ nam” để thiết kế những giờ học sáng tạo, từ dự án STEM, thí nghiệm thực hành đến trải nghiệm ngoài lớp học.

Với học sinh, sách là người bạn đồng hành, hướng dẫn cách tự học và khám phá. Hơn cả, sách giáo khoa giúp định hình tư duy, khơi dậy năng lực và nuôi dưỡng phẩm chất để các em trở thành những công dân toàn cầu với bản lĩnh tự tin, sáng tạo.

Khánh Hòa