PGS TS Phạm Thị Ngọc Mai: "Thế mạnh lớn nhất của tôi chính là sự lạc quan"

PGS TS Phạm Thị Ngọc Mai: "Thế mạnh lớn nhất của tôi chính là sự lạc quan"

10/03/2024 07:42
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-“Khi làm nghiên cứu, xác định thất bại sẽ nhiều hơn thành công. Bởi vậy, thế mạnh lớn nhất của tôi chính là sự lạc quan” - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Mai chia sẻ .

Nếu chưa có ai nhận làm, thì mình nhận - tôi thầm nghĩ như vậy khi quyết định trở thành trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Mai (Trưởng Bộ môn Hóa học phân tích, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, khi bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

GDVN_nv.png

sao tôi chọn nghề nhà giáo?

Nữ phó giáo sư sinh năm 1977 vốn là một thiếu nữ Hà thành, từng là cựu học sinh lớp chuyên tiếng Nga tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đến năm học lớp 11, cô nhận ra rằng Hóa học có nhiều điểm thú vị gắn với cuộc sống, nên dần chuyển định hướng. Mặc dù ở trên lớp vẫn học chuyên ngữ cùng các bạn, nhưng đến lúc thi đại học, cô lại chọn cả khối D và khối A.

Năm 1992, cô nữ sinh đã lựa chọn và trở thành sinh viên ngành Hóa học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy, rồi cứ thế học tiếp lên thạc sĩ. Thêm một dấu mốc quan trọng nữa đối với cô chính là học bổng nghiên cứu sinh ở Hà Lan, đã mở ra cánh cửa đến với lựa chọn trở thành giảng viên Khoa Hóa học như bây giờ.

“Trong thời gian hơn 10 năm gắn bó với giảng đường rồi với phòng thí nghiệm, tôi bắt đầu có mong muốn làm giảng viên tại ở chính ngôi trường đại học đã đào tạo ra mình. Sau khi hoàn thành nghiên cứu ở Hà Lan, tôi đã được nhận về công tác tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đúng Bộ môn Hóa học Phân tích, nơi mà mình từng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp hồi đại học.

Đến nay vẫn thỉnh thoảng có người hỏi vì sao tôi chọn nghề nhà giáo? Đó cũng có thể coi là một phần “truyền thống gia đình” - vì gia đình tôi có nhiều người theo nghề này, từ ông bà, đến các bác và bố mẹ tôi, đều là những người giáo viên và giảng viên, đã phần nào truyền cảm hứng cho tôi. Thêm nữa, trong thời gian làm tốt nghiệp ở các bậc đại học và sau đại học, sự gắn kết giữa các thành viên nhóm nghiên cứu và sự nhiệt tình của các thầy cô giáo hướng dẫn đã góp phần tạo thêm động lực cho quyết định theo đuổi nghề.

Trở về Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ năm 2006, tính ra đến nay đã bước sang năm thứ 18 tôi gắn bó ở đây, mọi thứ đến rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Ngẫm lại, âu cũng là một cái duyên” - nữ giảng viên tâm sự.

Là một người có năng lượng tích cực, khi nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi luôn thấy sự lạc quan và những kỷ niệm vui nhiều hơn.

“Như khi một mình đến một đất nước xa lạ làm nghiên cứu sinh, khó khăn về sinh hoạt, bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, không phải trở ngại quá lớn, khi tôi có thể bắt nhịp trong vài tháng đầu. Về nghiên cứu, tuy cũng có nhiều lúc, không đi theo đúng những gì mình mong đợi, nhưng tôi cũng chỉ cảm thấy mệt mỏi một chút, rồi lại tập trung hơn để vượt qua...” - nữ phó giáo sư nhớ lại.

GDVN_hh.png

Hướng dẫn sinh viên, không có nghĩa là mình đã biết tất cả

Phó Giáo sư Phạm Thị Ngọc Mai chia sẻ: “Giảng viên trẻ khi mới đi dạy chỉ lớn hơn sinh viên vài tuổi, tuy có nhiều lúc phải hơi “gồng lên” một chút, nhưng bù lại, khoảng cách nhỏ này thì lại dễ dàng gắn kết với sinh viên, cô trò thường xuyên nói chuyện, trao đổi với nhau thân thiết”.

Theo cô Mai, trở thành giảng viên cũng là thêm một lần cô được đồng hành và trải nghiệm cùng các thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.

“Đối với những học trò mà tôi hướng dẫn nghiên cứu, tôi luôn tâm niệm là mình không chỉ là giảng viên, mà còn là một “người bạn” cùng khám phá thêm về những điều chưa biết. Bởi, khi mình hướng dẫn, không có nghĩa là mình đã biết tất cả, mà vấn đề đó vẫn đang mở ra phía trước với những kiến thức vô tận. Tức là tôi chỉ biết hơn các trò một chút, dùng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình để hướng dẫn cho các bạn làm tốt hơn, chứ bản thân tôi cũng không thể biết trước các kết quả nghiên cứu sẽ như thế nào.

Thế nên, hướng dẫn sinh viên cũng mang lại cho tôi cảm giác hồi hộp y như bản thân làm nghiên cứu vậy. Có những lúc cả cô và trò đều thất vọng vì chưa có kết quả..., nhưng trong vai người thầy, tôi nhanh chóng động viên học trò để kiên trì đi đến thành công.

Tôi cũng lấy câu chuyện từ chính mình để chia sẻ với các em: Khi làm nghiên cứu, xác định thất bại sẽ nhiều hơn thành công. Nhất là đối với những vấn đề càng mới, thì nghiên cứu càng gian nan, càng phải dày công theo đuổi ...” - cô tâm sự.

GDVN_123.png

Theo chia sẻ của nữ phó giáo sư, những giai đoạn hướng dẫn học trò hoàn thành khóa luận, luận văn và luận án tốt nghiệp thì công việc trở nên bận rộn hơn thường lệ. Sau những giờ trao đổi trực tiếp ở trường, cô trò thường xuyên phải trao đổi online đến đêm khuya, hay tranh thủ vào những ngày nghỉ cuối tuần.

“Đối với phụ nữ làm nghiên cứu, người ta thường so sánh là thiệt thòi hơn về mặt thời gian so với nam giới. Thực ra cũng đúng phần nào, vì chúng tôi không thể lúc nào cũng chỉ tập trung vào khoa học, phải phân bổ được thời gian cho gia đình để cân bằng cuộc sống. Các thầy thường thuận lợi hơn trong khoản này, chứ tôi thì không thể cả ngày cặm cụi ở phòng lab.

So với công việc văn phòng, thì giảng viên cũng có những lúc vất vả hơn, như dành hầu hết thời gian buổi tối để đọc tài liệu và chuẩn bị bài giảng hay kế hoạch nghiên cứu, bởi làm giảng viên đại học mà không học hỏi sẽ bị “cùn” mất” - cô Mai hóm hỉnh ví von.

GDVN_ảnh nói.png

Nữ trưởng nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên của trường

Năm 2023, Phó Giáo sư Phạm Thị Ngọc Mai là nữ trưởng nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong một lần chia sẻ về chủ đề Phụ nữ và kỹ năng mềm trong nghiên cứu khoa học, cô Mai từng nói: “Phụ nữ được mệnh danh là phái đẹp, nên phần lớn đều hướng tới Marylin Monroe. Phụ nữ còn được gắn mác là phái yếu, nên phần lớn đều muốn tránh xa những công việc khó khăn nặng nhọc như làm khoa học. Vậy phụ nữ có thể làm khoa học giỏi, và có thể trở thành một trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được không ?

Câu trả lời cổ điển tất nhiên là có thể, nếu như bạn làm việc thật chăm chỉ. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện nay, nếu như vậy sẽ là chưa đủ. Người phụ nữ, đặc trưng với tính chất mềm mại uyển chuyển của nước, cũng nên sử dụng thêm một số kỹ năng mềm trong nghiên cứu khoa học như tạo dựng mạng lưới làm việc, gắn kết các thành viên, khích lệ người học say mê nghiên cứu,…”.

GDVN_ảnh hs.jpg

Nhắc đến động lực để đảm nhận vị trí của một trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, nữ phó giáo sư nói: “Chỉ đơn giản là thấy chưa có ai nhận làm, nên tôi nhận. Tôi cũng muốn thử sức mình trong việc tập hợp các nhà khoa học có cùng định hướng chuyên môn để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học đạt hiệu quả tốt. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi có 6 thành viên, đều là những thầy cô giảng viên có thành tích công bố khoa học nổi trội, đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước.

Trong quá trình chuẩn bị để hình thành nhóm nghiên cứu, tôi gặp một số khó khăn trong việc gia đình, nhưng nhờ việc sắp xếp kế hoạch hợp lý và sự chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên nhóm nên mọi việc đều suôn sẻ. Nhờ vậy, chúng tôi càng thêm tự tin với nhóm nghiên cứu của mình”.

Nữ phó giáo sư cũng tự nhận mình là một người có rất nhiều sự lạc quan: “Đó có thể là thế mạnh lớn nhất của tôi. Vì khi nhận thấy cuộc sống có những trở ngại, thì việc luôn hướng về phía trước để mỗi buổi sáng thức dậy với năng lượng tích cực, chúng ta sẽ không bị những khó khăn giữ mình lại mà luôn luôn cố gắng vượt qua và vươn lên”.

GDVN_co.png

Những món quà độc đáo của sinh viên

Theo chân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Mai đi dọc hành lang Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mới thấy cô thực sự gần gũi với sinh viên như thế nào. Không có khoảng cách quá lớn, các bạn sinh viên thoải mái nói chuyện với cô như một “người chị lớn” trong nhà.

Trên chiếc bàn nằm ngay sát cửa ra vào của cô Mai, là vô số những tấm thiệp, những món quà handmade của các thế hệ sinh viên. Cô nói: “Ở chỉ là một phần nhỏ những sự đáng yêu của các bạn sinh viên thôi, khá nhiều món tôi phải trưng ở nhà... Mỗi bạn có một ấn tượng riêng về cô giáo nên quà tặng cũng đầu tư tâm sức nhiều lắm, để ghi dấu ấn riêng tặng cô. Mỗi tấm thiệp tự tay làm lại ghi những lời chúc rất đáng yêu, ngộ nghĩnh, có bạn còn kỳ công vẽ những hình ảnh liên quan đến chuyên ngành hóa học của cô... nhân các dịp kỷ niệm: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay sinh nhật.

Mà nhớ nhất, có lẽ là một món quà ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vô cùng độc đáo, tôi chưa được nhận bao giờ. Đó là đúng ngày lễ, các bạn nam trong lớp xếp hàng trên bục giảng để hát tặng cô”.

GDVN_ảnh.png
Mộc Trà