Một trong các mục tiêu được đặt ra đến năm 2030 tại Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn - Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về trí tuệ nhân tạo ứng dụng, Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có một số chia sẻ xoay quanh mục tiêu trên.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội, thách thức như thế nào để từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số? Cần làm gì để tận dụng thời cơ và tháo gỡ những “điểm nghẽn” đó, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn: Trong giai đoạn gần đây (2024-2025), Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi về AI và công nghệ số trong các quốc gia ASEAN nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ thông qua nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nhiều chính sách quan trọng đã được đưa ra, trong đó mục tiêu phổ quát là tập trung nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi về AI, bán dẫn và chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ khu vực vào năm 2030.
Vị trí chiến lược của Việt Nam là một lợi thế lớn. Nằm giữa các trung tâm công nghệ lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng. Việc được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA, cho phép tiếp cận ưu đãi với các thị trường quốc tế, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ toàn cầu.

Một lợi thế khác là lực lượng lao động trẻ của Việt Nam. Với hơn 70% dân số dưới 35 tuổi, Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ ngày càng tăng. Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng tập trung vào AI và công nghệ số, trang bị cho sinh viên tốt nghiệp các kỹ năng cần thiết cho các công ty công nghệ toàn cầu. Nguồn lao động và hiệu quả về chi phí của Việt Nam tạo lực hấp dẫn cho các hoạt động sản xuất và R&D về công nghệ cao trong tương quan với các nước như Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Việt Nam cũng đang nhanh chóng xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi với các chính sách ưu đãi về thuế, luật bảo vệ đầu tư và các sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp… Các chính sách này kết hợp với việc hỗ trợ đầu tư nước ngoài vào các hệ sinh thái đổi mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để thành lập trụ sở khu vực, trung tâm R&D và nhà máy sản xuất.
Trong năm 2025, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như Qualcom, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... báo hiệu xu hướng chuyển dịch đầu tư thuận lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, để tận dụng những thời cơ này, thách thức lớn nhất chính là tình trạng thiếu hụt nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, công nghệ bán dẫn và công nghệ số tiên tiến. Mặc dù hằng năm, Việt Nam đào tạo ra nhiều kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học và học viện về ICT nhưng một sinh viên mới ra trường, ước tính để trở thành kỹ sư AI thành thạo, mất khoảng từ 5-10 năm với các kỹ năng nghề bắt buộc phải có. Trong khi các khóa đào tạo chuyên ngành về kỹ năng nghề chuyên sâu và cơ hội thực tập tại các tập đoàn lớn, các công ty khởi nghiệp, trung tâm, viện nghiên cứu công nghệ cao lại tương đối hạn hẹp với sinh viên.
Chính vì thế, sinh viên có xu hướng sau tốt nghiệp, chọn những hướng “mỳ ăn liền” như làm gia công phần mềm (outsourcing) tại các công ty do yêu cầu kỹ năng thấp hơn và có kinh tế. Về lâu dài, việc chuyển mình từ công xưởng gia công thế giới sang trung tâm đổi mới sáng tạo đòi hỏi nhân lực công nghệ số phải thay đổi bản thân để thích nghi. Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay có không quá 15% nhân lực sẵn sàng cho việc chuyển đổi như vậy.
Một vấn đề quan trọng khác là thiếu mối liên kết giữa công nghiệp và trường đại học với các hiệp hội nghề nghiệp, dẫn đến sự không phù hợp về kỹ năng. Nhiều trường đại học thường tập trung vào lý thuyết hơn ứng dụng thực tế. Một lý do cơ bản là thiếu môi trường thực hành cần thiết cho sinh viên, mô hình tại các nhà trường có thể phục vụ đào tạo nhưng khi chuyển sang công nghiệp lại gặp khó khăn...
Do đó, doanh nghiệp có xu hướng dùng các giải pháp có sẵn của nước ngoài và mang về Việt Nam gia công lại; như vậy, công nghệ lõi vẫn do nước ngoài làm chủ và Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần giảng viên sẵn sàng thay đổi để cập nhật công nghệ mới hằng năm. Nhu cầu đào tạo giảng viên nguồn cần thiết phải được quan tâm hàng đầu, do đây là “máy cái” để đào tạo nhân lực công nghệ cao trong các trường đại học. Việc đào tạo cần thực hiện qua mô hình sandbox - đưa giảng viên đến đào tạo tại các tập đoàn hoặc trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nơi có hạ tầng số, dữ liệu chuyên dụng để giảng viên có môi trường thực hành và hiểu bài toán doanh nghiệp. Có như vậy, khoảng cách giữa doanh nghiệp và giới học thuật mới được thu hẹp.

Giải pháp cho các “điểm nghẽn” này trước tiên là từ nhận thức của chính cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu; trong đó ưu tiên đề ra những chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện, coi các hoạt động đổi mới sáng tạo là trọng tâm trong phát triển đại học với tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động này chiếm tỉ trọng lớn trên tổng nguồn thu hằng năm, tiến tới vượt qua nguồn thu từ học phí. Cụ thể:
Thứ nhất, Chính phủ và các trường đại học nên ưu tiên thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu tập trung vào ngành công nghiệp trọng điểm, để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và lực lượng lao động. Hợp tác với các viện nghiên cứu quốc tế, liên kết với chương trình của đại học lớn trên thế giới để cập nhật những xu hướng công nghệ toàn cầu mới nổi sẽ hữu ích.
Thứ hai, các đại học và viện nghiên cứu cần phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI và các lĩnh vực liên quan thông qua quan hệ đối tác trong ngành với tập đoàn toàn cầu như Google, Samsung và NVIDIA là những đơn vị đang cung cấp các hoạt động R&D và tham gia vào chương trình giảng dạy tại một số đại học riêng lẻ hiện nay. Lưu ý rằng, đào tạo chuyên sâu cũng có phân tầng, trong đó đi từ các khóa cơ bản như phổ cập kiến thức hay hướng dẫn sử dụng AI trong công việc chuyên môn (“Bình dân học vụ AI”), cho đến các khóa lập trình AI và thành thạo quy trình AI chuyên sâu với các công nghệ về DataOps/MLoops cho từng ứng dụng trong thị giác máy tính (Computer Vision hay Visual AI), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), các mô hình học máy đa mô thức (Multi-modal Machine Learning).
Việc hợp tác giữa học thuật và ngành công nghiệp là “chìa khóa”, chẳng hạn qua chương trình thực tập sinh, chương trình đồng nghiên cứu và phòng thí nghiệm AI chung, để đảm bảo sinh viên có được sự tiếp xúc thực tế. Việc cập nhật, hiện đại hóa chương trình giảng dạy nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu và tích hợp các trải nghiệm thực tế, thực hành.
Hơn nữa, các trường nên tăng cường mạng lưới toàn cầu để thu hút chuyên gia quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như học máy, khoa học dữ liệu và robot.
Qua đó, hình thành mạng lưới 100 nhà khoa học xuất sắc về AI của Việt Nam để có thể trở thành các “máy cái” tham gia vào quá trình đào tạo, kết nối với các chuyên gia quốc tế và hấp thu các công nghệ mới nổi. Kiến trúc sư trưởng cho cả tiến trình cũng sẽ tìm ra trong mạng lưới 100 nhà khoa học xuất sắc về AI này.
Thứ ba, việc phát triển nhân tài là rất quan trọng. Các đại học nên liên kết với các tập đoàn toàn cầu, nhằm tạo ra những chương trình học bổng đào tạo chuyên sâu và đào tạo sau đại học về AI để bồi dưỡng nhân tài. Các sáng kiến như học bổng AI của Google và các chương trình tiến sĩ về AI là những ví dụ điển hình, giúp Việt Nam dần thu hẹp khoảng cách nhân tài và thiết lập lợi thế cạnh tranh trong AI và các công nghệ chiến lược khác… Việc liên kết với các doanh nghiệp trong xây dựng các giải thưởng đổi mới sáng tạo uy tín (Better Choice Awards, VinFuture Prize,..) sẽ tạo động lực thu hút các nhà khoa học xuất sắc thế giới về Việt Nam làm việc. Từ đó, thay đổi cán cân trong thu hút nhân tài công nghệ về Việt Nam.
Cuối cùng, Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ, quy định về AI và quản trị dữ liệu. Bằng cách thắt chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ và thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho phát triển AI, Việt Nam sẽ tăng sức hấp dẫn đối với các công ty công nghệ toàn cầu đang tìm cách thâm nhập vào Đông Nam Á.
Phát triển kinh tế tư nhân là “đòn bẩy” cho một Việt Nam thịnh vượng như lời Tổng Bí Thư Tô Lâm đã phát biểu. Việc phát triển này cần dựa trên nhân tài Việt Nam và công nghệ Việt Nam - “make in Vietnam”!

Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam hiện có những lợi thế cạnh tranh nào để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở và đầu tư nghiên cứu, sản xuất?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn: Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực bằng cách tập trung vào sự kết hợp giữa chi phí nhân công đa dạng, lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh.
Trong khi các quốc gia như Singapore và Ấn Độ đã khẳng định mình là trung tâm khu vực, thì thị trường mới nổi của Việt Nam cung cấp chi phí hoạt động thấp hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng nhân tài công nghệ. Bằng cách hợp lý hóa môi trường pháp lý, cung cấp các ưu đãi tùy chỉnh cho các nhà đầu tư nước ngoài và tạo ra các cụm nghiên cứu quốc tế, Việt Nam có thể tạo sự khác biệt so với các quốc gia khác.
Một lý do cơ bản là Việt Nam hiện đang trong quá trình cải cách thể chế mạnh mẽ với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ: Việt Nam đã xóa bỏ mô hình quản lý cấp huyện/quận và giảm các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc này giúp Đảng và Chính phủ gần với nhân dân hơn thông qua đại diện là các chính quyền cấp xã, tiến tới Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân.
Đây là lộ trình phát triển đã được đề ra từ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, cụ thể hóa qua Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cải cách thể chế tạo sự tin cậy cho các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Ngoài ra, năng suất lao động là “bài toán sống còn” cho cá nhân, doanh nghiệp, tỉnh thành hay quốc gia. Việc cải cách này cũng sẽ giúp thúc đẩy năng suất lao động quốc gia.
Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng 5G, phòng thí nghiệm AI và thành phố thông minh, sẽ biến Việt Nam thành điểm đến thân thiện với công nghệ cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu...

Việt Nam cũng có thể thu hút các “gã khổng lồ” công nghệ bằng cách thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thiết lập các không gian đổi mới sáng tạo với các đại học lớn trên thế giới như Đại học RMIT (Úc), Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng như nhiều đại học và các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới (Meta, NVIDIA,…).
Tại các không gian đổi mới sáng tạo này, các đại học và tập đoàn công nghệ cung cấp môi trường, hạ tầng phát triển ứng dụng AI, từ đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới nhất.
Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định phát triển AI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với 3 trụ cột về hạ tầng số; dữ liệu chuyên ngành; ứng dụng trong y tế, giáo dục và chuyển đổi nghiệp vụ số.
Bằng cách cung cấp các chương trình kết nối nhu cầu của ngành, Việt Nam sẽ đảm bảo hệ sinh thái đổi mới bền vững đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong một số lĩnh vực như AI, robot và công nghệ bán dẫn.
Phóng viên: Phục vụ mục tiêu trên, cơ sở giáo dục đại học/viện nghiên cứu cần đào tạo nguồn nhân lực ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn: Các đại học nên chuyển sang chương trình giảng dạy theo ngành, định hướng vấn đề (problem-solving) thay vì theo khung chương trình giảng dạy (course work), tập trung vào các công nghệ thực tế, có nhu cầu cao như AI, khoa học dữ liệu và robot. Nên tích hợp nghiên cứu các tình huống thực tế, thực tập và đào tạo thực hành vào các chương trình học, đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc ngay từ ngày đầu tiên.
Việc thay đổi này có nghĩa là các kiến thức nền chỉ nên đào tạo trong tối đa 2 năm đầu, còn lại trong 2 năm cuối sinh viên cần được trao cơ hội thực tập tại các trung tâm đổi mới sáng tạo và các tập đoàn công nghệ, đảm bảo đủ kinh nghiệm khi ra trường sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Cần xác định lại trọng tâm, phương pháp đào tạo công nghệ thông tin; trong đó, nên chuyển đổi chương trình giảng dạy theo ngành và định hướng vấn đề.
Hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để đào tạo nguồn lực và thực tập trong ngành sẽ mang đến cho sinh viên kinh nghiệm cần thiết để thành công trên thị trường toàn cầu. Các nhà trường nên mở rộng các chương trình sau đại học trong các lĩnh vực chuyên biệt như nghiên cứu AI, điện toán đám mây và công nghệ bán dẫn. Việc cung cấp các chương trình cấp bằng kép với các đại học quốc tế và xây dựng mạng lưới trao đổi toàn cầu sẽ giúp phát triển tài năng với góc nhìn toàn cầu.
Các chương trình tiến sĩ quốc tế chuyên ngành, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến, sẽ giúp thu hút được các nghiên cứu sinh quốc tế chất lượng cao đến xây dựng các lab nghiên cứu quốc tế xuất sắc và nuôi dưỡng chuyên môn trong các lĩnh vực mà các công ty công nghệ lớn yêu cầu đối với các trung tâm R&D.
Chính phủ trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các trường đại học về chuyên môn để thúc đẩy giải phóng nguồn lực về con người, trong đó, có quyền mở thí điểm các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, giảm bớt các khâu trong kiểm định đào tạo và giao quyền bổ nhiệm các chức danh học thuật như giáo sư, phó giáo sư cho các đại học.
Cuối cùng, đào tạo tinh thần khởi nghiệp và ươm tạo đổi mới phải trở thành một phần chính của giáo dục đại học. Bằng cách nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, các trường đại học không chỉ có thể đào tạo ra các chuyên gia lành nghề, mà còn bồi dưỡng văn hóa khởi nghiệp công nghệ thu hút đầu tư và xây dựng giá trị kinh tế lâu dài.


Phóng viên: Theo ông, trong tiến trình thực hiện mục tiêu trên, cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước như thế nào để tạo thêm nhiều thuận lợi?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn: Chính phủ cần cung cấp nguồn tài chính vững chắc cho các sáng kiến R&D trong các công nghệ chiến lược như AI và chất bán dẫn qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, có tính dài hạn (5-10 năm). Tài trợ cho các dự án nghiên cứu từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, ưu đãi thuế cho các công ty công nghệ và trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, việc thành lập câu lạc bộ các trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao và thành phố khoa học với các chính sách thuận lợi có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến R&D cho các nhà đầu tư thế giới.
Xây dựng hạ tầng dùng chung, dữ liệu dùng chung quy mô quốc gia là một yêu cầu cấp thiết hiện nay dưới góc độ Chính phủ. Không thể phát triển các ứng dụng AI, nếu thiếu hạ tầng số và dữ liệu chuyên ngành.
Để tránh lãng phí trong đầu tư, Chính phủ cần tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu, hạ tầng số (“National Infrastructure and Data Center” - NIDC); ưu tiên đầu tư mua sắm thiết bị và máy chủ cũng như tập trung các dữ liệu chuyên ngành tại các trung tâm đó. Việc thực thi vận hành các NIDC có thể do tập đoàn lớn như Viettel, VNPT đảm nhận. Việc khai thác sẽ giao cho các trung tâm đổi mới sáng tạo cùng các đại học và viện nghiên cứu. Như vậy, vấn đề cơ bản của phát triển công nghệ cao sẽ được giải quyết.

Một vấn đề quan trọng khác là phát triển chính sách xung quanh AI có trách nhiệm tập trung bảo vệ chủ quyền dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ. Khung pháp lý rõ ràng, minh bạch sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy an toàn khi chuyển giao công nghệ và tri thức cho Việt Nam. Cung cấp các ưu đãi đầu tư dài hạn như giảm thuế cho R&D hoặc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích các tập đoàn toàn cầu thành lập trung tâm R&D khu vực tại Việt Nam.
Cuối cùng, Chính phủ hỗ trợ phát triển nhân tài bằng cách khuyến khích các trường đại học tập trung vào lĩnh vực công nghệ mới nổi. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tài trợ cho các chương trình chuyên biệt, cung cấp học bổng và khuyến khích quan hệ đối tác giữa các đại học và tập đoàn công nghệ toàn cầu, để đảm bảo lực lượng lao động luôn phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Phóng viên: Để phát triển và từng bước làm chủ công nghệ số, rất cần có sự đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài. Vậy, làm sao để Việt Nam thu hút chuyên gia trong lĩnh vực này, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn: Để thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt Nam nên đưa ra mức lương cạnh tranh, miễn thuế và hỗ trợ tái định cư cho các chuyên gia lành nghề.
Việc tạo ra một hệ thống thị thực thân thiện với công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh dễ dàng và lưu trú lâu dài của các tài năng nước ngoài là rất quan trọng.
Các ưu đãi đặc biệt dành cho nhà nghiên cứu nước ngoài để hợp tác trong các liên doanh, dự án R&D giữa trường đại học và ngành công nghiệp cũng sẽ giúp thu hút nhiều chuyên gia toàn cầu.

Chính phủ cũng nên tập trung vào việc tạo ra một môi trường thân thiện với nghiên cứu, với sự bảo vệ mạnh mẽ về sở hữu trí tuệ và quyền tự chủ trong nghiên cứu cho chuyên gia nước ngoài. Các đại học, viện nghiên cứu nên xây dựng mối quan hệ hợp tác R&D quốc tế với các đại học hàng đầu và công ty toàn cầu để tăng khả năng hiển thị, đồng thời thu hút chuyên gia tìm kiếm cơ hội nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Cuối cùng, chất lượng cuộc sống là điều cần thiết. Đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, trường đại học quốc tế và môi trường an toàn, thoải mái cho các chuyên gia nước ngoài cùng gia đình của họ, sẽ biến Việt Nam trở thành một nơi hấp dẫn hơn để sống và làm việc. Cung cấp hỗ trợ ngôn ngữ và văn hóa sẽ giúp các chuyên gia nước ngoài hòa nhập vào xã hội Việt Nam, khuyến khích họ ở lại lâu dài.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!