Chiều 8/5, Lễ ra mắt Hội đồng Viện Công nghệ Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được tổ chức.
Đến dự sự kiện có GS, TS Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS Đặng Trần Thọ - Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup; Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cùng lãnh đạo 6 Trường, lãnh đạo Viện Công nghệ Năng lượng, ban, đơn vị trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, Viện Công nghệ Năng lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện một trong bốn lĩnh vực ưu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập các trường để thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực cơ bản, liên ngành hẹp, còn các Viện nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành cũng như hợp tác với các đối tác ngoài đại học.

"Hôm nay, tôi rất vinh dự và vui mừng khi Viện Công nghệ Nhiệt - Lạnh (tiền thân của Viện Công nghệ Năng lượng) - nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm, cũng như bao gồm hiệu trưởng của các trường để hỗ trợ cho việc nghiên cứu của Viện - ra mắt Hội đồng Viện. Qua đó, thể hiện tính đa dạng, tập trung trí tuệ của Viện.
Tôi hi vọng trong thời gian tới, Hội đồng Viện Công nghệ Năng lượng sẽ tư vấn chiến lược cho Viện trưởng, cũng như lãnh đạo để đưa ra các định hướng phát triển nghiên cứu. Đồng thời cũng thực hiện tốt vai trò nghiên cứu, đào tạo sau đại học được Đại học Bách khoa Hà Nội giao", GS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.


Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng - PGS. TS Đặng Trần Thọ đã nêu định hướng công nghệ chiến lược của Viện gồm 3 nội dung: Công nghệ năng lượng; Công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm sản; Công nghệ thiết bị tự hành dưới nước.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ ấn tượng với sự ra mắt Hội đồng Viện Công nghệ Năng lượng, với đông đảo khách mời, qua đó thể hiện sự ảnh hưởng của các thành viên trong Hội đồng.
"Giai đoạn hiện nay khoa học công nghệ và phát triển kinh tế tư nhân có nhiều chính sách đột phá được ban hành. Viện Công nghệ Năng lượng là đơn vị nghiên cứu song song với giảng dạy, chúng ta sẽ kết hợp được với các đơn vị trong và ngoài nước, khai thác hết các tiềm năng. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ phát huy trí tuệ của Đại học Bách khoa Hà Nội, làm thế nào để nghiên cứu của chúng ta đóng góp vào trong sự phát triển của đất nước, thông qua các sản phẩm hữu hình, không phải là các bài báo khoa học.
Hội đồng Viện Công nghệ Năng lượng đã có 5 thầy hiệu trưởng và 1 thầy hiệu phó của các trường, tập trung được đông đảo đội ngũ trí thức trong Đại học Bách khoa Hà Nội", PGS.TS Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho hay, nếu như Viện Công nghệ Năng lượng có những nghiên cứu sản phẩm làm thay đổi môi trường, tạo ra năng lượng, thì VinGroup sẵn sàng tham gia đầu tư.
"Định hướng công nghệ năng lượng về công nghệ Hydrogen, tôi rất tán thành. Tôi cũng rất quan tâm công nghệ nhiệt phân, khí hóa trong mục tiêu của Viện, chúng ta có thể làm mô hình này và có thể nhân rộng.
Nếu như Viện có thể làm được việc xử lý hóa nhựa, cao su sinh ra điện năng, VinGroup sẽ tham gia ngay, bởi làm việc này vừa tạo ra năng lượng, vừa xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường từ loại rác thải này", ông Lê Khắc Hiệp nhận định.
Viện Công nghệ Năng lượng là đơn vị trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội (Tiền thân là Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh). Viện được thành lập ngày 10/10/2000 theo Quyết định số 4166/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Nghị quyết số 08/NQ-ĐHBK của Hội đồng Đại học Bách khoa, từ ngày 15/2/2024, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt Lạnh đổi tên thành Viện Công nghệ Năng lượng.
Viện là tổ chức Khoa học và Công nghệ hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-180 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Viện Công nghệ Năng lượng là đơn vị sự nghiệp có thu… Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng" (Trích QĐ 4166/QĐ-BGD&ĐT).
Gần 25 năm hình thành và phát triển, Viện đã đào tạo được hàng ngàn Kỹ sư, Thạc sỹ, Tiến sĩ ngành Công nghệ Nhiệt – Lạnh và Năng lượng.
Các cựu sinh viên của Viện đã, đang phục vụ trên mọi miền đất nước, trong đó không ít cựu sinh viên là lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, các quản lý chuyên môn tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp.
Về khoa học và công nghệ, Viện đã chủ trì thực hiện và chuyển giao hơn 1000 dự án khoa học và công nghệ cho các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước.
Cụ thể có thể kể đến việc thiết kế, chuyển giao công nghệ các nhà máy Bia, Rượu, Cồn, Nước giải khát... trên khắp cả nước, các hệ thống lò xử lý rác thải, các hệ thống chế biến nông lâm thủy sản... Các ý kiến tư vấn chuyên môn từ các thầy giáo, chuyên gia của Viện, Ngành đã tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm triệu USD (tư vấn thực hiện nhà máy nhiệt điện Phả lại, Uông bí...)
Theo Điều 9, Quy chế Tổ chức hoạt động của Viện Công nghệ năng lượng do Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội ban hành, Hội đồng Viện được thành lập để:
Hội đồng Viện được thành lập để: Tư vấn cho Viện trưởng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Viện; Tư vấn phản biện, hoàn thiện các chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Viện; Tư vấn, cập nhật những nhu cầu, yêu cầu, những vấn đề về khoa học công nghệ từ thực tiễn xã hội, doanh nghiệp... đặt ra nhiệm vụ khoa học công nghệ cho Viện;Tư vấn trong lĩnh vực truyền thông, kết nối, phản biện xã hội... đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện vào thực tiễn sản xuất- Hội đồng Viện được thành lập và hoạt động theo pháp luật và các quy định, Quy chế của Đại học Bách khoa Hà Nội, của Viện Công nghệ Năng lượng...