LTS: Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích câu chuyện Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh - ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, để chia sẻ một góc nhìn riêng.
Thầy Bình cho rằng, vẫn biết ý kiến tác giả sẽ khác nhiều người, nhưng thấy cần thiết có cái nhìn và tranh luận đa chiều về một vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm, nên xin được nêu ra để cùng trao đổi.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài viết, văn phong và nội dung thể hiện quan điểm của tác giả.
Những ngày qua, xung quanh lá đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy đa phần các ý kiến đều thể hiện sự “nể phục”, “ngưỡng mộ”, “tiếc nuối”... cho ông Đoàn Ngọc Hải.
Lý do theo nhiều người thì ông Hải là người “dũng cảm”, “người tài”, “người tốt”, “người tử tế” nhưng “đơn độc” trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè mà ông đã phát động gần một năm trước...
Thậm chí có vị đại biểu Quốc hội còn cho rằng việc ông Hải xin từ chức là “một bi kịch” của xã hội...
Có thật như thế không? Tôn trọng quyền suy nghĩ và phát biểu của mọi người tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ khác.
Tôi cho rằng việc ông Hải từ chức là hợp lý và cần thiết.
1. Đâu là bản chất của vấn đề? Ông Hải có phải là “người tài” không?
Trước hết, cần khẳng định rằng trong bối cảnh xã hội và đất nước ta hiện nay việc những quan chức, lãnh đạo mà biết giữ lời hứa nếu không làm được việc thì “cởi áo về vườn” như ông Hải là rất hiếm (chứ không phải không có).
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần xuống đường dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Hữu Khoa / Báo Tuổi Trẻ Online. |
Thế nên, dù muốn dù không công luận cũng nên khen ngợi lá đơn xin từ chức của ông. Vì đây là hành vi và cách ứng xử cho thấy sự tự trọng của một cá nhân trong vai trò và vị trí của một quan chức.
Đó là vấn đề mà lâu nay nhiều người thường hay nói ở Việt Nam ta không/chưa có “văn hóa từ chức”.
Tuy nhiên, điều này nói cho cùng cũng là chuyện hết sức bình thường, thiết nghĩ mọi người cũng không nên vì sự “rất hiếm” kia mà quên đi một sự thật hiển nhiên trong vụ việc này.
Nói khác đi, chúng ta phải thật bình tĩnh không nên để cho cảm xúc, tình cảm nhất thời dẫn dắt, để rồi vô tình quên đi một sự thật đó là ông Hải đã không hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên ông giao phó.
Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là hiệu quả công việc.
Thế nhưng trên thực tế, qua tất cả những gì đã diễn ra đến thời điểm này có thể kết luận rằng công cuộc lập lại trật tự đô thị nhất là “cuộc chiến” giành lại vỉa hè trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do ông Hải trực tiếp phụ trách đã hoàn toàn thất bại.
Chúng ta (trong đó có tôi) không ai phủ nhận ông Hải là một công chức có trách nhiệm, là một người năng động, nhiệt huyết.
Nhưng rất tiếc phải nói rằng ông làm việc không hiệu quả.
Từ đây, theo tôi trước khi bàn sang những vấn đề khác có liên quan thiết nghĩ chúng ta cần phải thừa nhận và tôn trọng sự thật này.
Nhất định phải phân biệt và không nên đánh đồng hay nhầm lẫn giữa hai vấn đề: sự năng nổ nhiệt tình của ông Hải với hiệu quả trong công việc mà ông đã được phân công.
Phó giáo sư Bùi Hiền nên dừng lại |
Tóm lại, trong chuyện này ông Hải tuy có thừa sự nhiệt huyết, sự tận tụy và trách nhiệm trong công việc.
Nhưng trên thực tế trong vai trò của một công chức và với trách nhiệm của một lãnh đạo ông đã không hoàn thành được nhiệm vụ của cấp trên giao phó.
Dù muốn dù không đây vẫn là một sự thật không thể chối cãi và cần được tôn trọng.
Chỉ điều này thôi cũng có lẽ cũng đủ để cho chúng ta phải suy nghĩ lại về ý kiến cho rằng ông Hải một công chức “có tài” hay không?
Tôi không biết quan niệm của mọi người như thế nào về sự tài năng của một công chức Nhà nước, nhưng tôi nghĩ rằng một người không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì trước trước hết hãy tự biết xấu hổ về bản thân mình.
Mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tự giác xin nghỉ việc âu cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, đó còn là chuyện phải thực hiện lời mà mình đã hứa trước công luận.
2. Ông Hải có “đơn độc” trong “cuộc chiến giành lại vỉa hè” không? Vì sao ông Hải thất bại trong “cuộc chiến” này?
Nhiều ý kiến cho rằng ông Hải là “người tốt”, “người tử tế” nhưng lại “đơn độc” trong công cuộc lập lại trật tự đô thị thời gian qua để lý giải nguyên nhân không hoàn thành nhiệm vụ của ông Hải.
Theo tôi đây là nhận định cảm tính, không khách quan và đương nhiên cũng rất phiến diện, không thuyết phục.
Trước hết, về vấn đề ông Hải có phải là “người tốt”, “người tử tế” hay không cá nhân tôi xin không dám bàn và cũng không muốn bàn vì đây không phải là vấn đề tôi quan tâm trong vụ việc này.
Hơn nữa đến thời điểm này không có “cơ sở dữ liệu” nào để chúng ta – những người ở xa, chưa một lần tiếp xúc với ông Hải – khẳng định điều ấy.
Tất cả những gì chúng ta biết được thời gian qua đều là những chuyện liên quan đến công tác dọn dẹp vỉa hè mà ông Hải đã đảm nhiệm thông qua sự phản ánh và cung cấp của các phương tiện truyền thông.
Vậy nên, việc đánh giá ông Hải có phải là “người tốt”, “người tử tế” hay không có lẽ nên để cấp trên, cấp dưới cùng bạn bè, người thân - những người từng làm việc và cộng tác cận kề với ông Hải phát biểu có lẽ sẽ khách quan hơn chăng?
Tuy vậy, nói ông Hải “đơn độc” trong việc dọn dẹp vỉa hè theo tôi là hoàn toàn không đúng với bản chất của vụ việc.
Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ diễn biến câu chuyện này thời gian qua sẽ thấy từ đầu tới cuối ông Hải luôn được sự ủng hộ của không những cấp trên ông mà còn của đại bộ phận dân chúng.
Thậm chí ngay lúc này đây, không phải sau khi ông Hải nộp đơn xin từ chức thì đa phần mọi người vẫn ủng hộ và hết lời khen ngợi ông đó sao?
Nói khác đi, theo tôi trước sau trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè lúc nào ông Hải cũng được “tiền hô hậu ủng”, đặc biệt là về mục tiêu và chủ trương.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần xuống đường dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Phan / Báo Tuổi Trẻ Online. |
Vậy thì tại sao được đa phần mọi người ủng hộ nhưng ông Hải lại thất bại? Rất đơn giản, câu trả lời là do ông Hải đã phạm phải sai lầm trong cách thức, phương thức thực hiện.
Hay nói cách khác, ở đây nếu nói ông “đơn độc” thì thật ra ông Hải đơn độc trong việc đề ra giải pháp; đơn độc trong nhận thức lẫn phương cách tiến hành công tác dọn dẹp vỉa hè chứ hoàn toàn không đơn độc về mặt chủ trương.
Nếu không tin mọi người có thể tìm đọc lại những bài báo ghi lại phát biểu của ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – là cấp trên của ông Hải sẽ rõ.
Và nhất là hãy xem lại những bài viết, video clip phản ánh và ghi lại những thời điểm ông Hải xuống đường dọn dẹp vỉa hè sẽ thấy:
Nếu ông Hải “đơn độc” thì một mình ông có thể cẩu những chiếc xe vi phạm hay đập phá những hạng mục, công trình của các cơ quan, hàng quán mà theo ông là đã vi phạm hay không?
Và không phải tìm đâu xa, trong lá đơn xin từ chức dài hai trang giấy của mình ông Hải cũng đã vô tình thừa nhận chuyện này.
Thứ nhất, về mặt khách quan ông có trình bày rằng:
"…Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền...và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó".
Thứ hai, về mặt chủ quan ông viết:
Giáo dục “lạc đường”, văn hóa “lạc trôi” vì đâu nên nỗi? |
“Khi trở lại là một người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc này.”
Như vậy là đã rõ, ông Hải thất bại trong công cuộc giành lại vỉa hè trước hết là do bản thân ông.
Nghĩa là nếu ông đã ý thức được chuyện “lợi ích nhóm” trong “kinh doanh vỉa hè” thì càng phải cẩn trọng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và “căn cơ” chứ không nên nóng vội xuống đường để rồi chỉ một thời gian sau đó mọi chuyện lại như cũ.
Bên cạnh đó, như chính ông cũng đã thừa nhận những giải pháp của ông đề ra là không “nhân văn”, “làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo”.
Chính những điều trên mà có không ít lần chúng ta thấy ông Hải đã bị một số người phản ứng do sự máy móc và cứng nhắc trong cách xử lý.
Cho dù như thế nào thì vẫn là rất khó coi khi phải chứng kiến cảnh ông trong tư cách một quan chức, lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhưng hết lần này đến lần khác đứng chỉ trỏ và “cãi tay đôi” với người dân, thậm chí là du khách nước ngoài giữa phố xá đông người qua lại.
3. Ông Hải có đang “giận dỗi”?
Trong đơn xin từ chức của mình ông Hải viết khá dài nhưng tôi đặc biệt chú đến đến đoạn văn sau:
"Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Vì vậy, tôi xin từ chức."
Đây là quan điểm cá nhân của ông Hải và được nhiều người hết lời ca ngợi tung hô và cảm thấy “tiếc nuối”.
Tôi tôn trọng quan điểm và suy nghĩ riêng của mọi người.
Tuy vậy, cá nhân nhân tôi thấy hơi thất vọng về câu nói trên của ông Hải. Ông xin từ chức chỉ vì phải giữ lời hứa trước nhân dân và các “đồng chí lão thành cách mạng” thôi ư?
Vậy còn các đồng chí đang đương chức và là cấp trên cao nhất của ông như ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thì sao?
Khi tranh luận lạc đường |
Hay các đồng chí là thuộc cấp – những người đã sát cánh cùng ông trong chiến dịch dọn dẹp một thời – vốn cũng chịu rất nhiều áp lực nữa?
Chi tiết trên cũng là một trong nhiều lý do mà tôi thấy không thể đồng cảm với một số ý kiến cho rằng “cán bộ tốt như ông Hải hiện nay rất hiếm...”.
Có thật vậy không, nói như vậy có khi nào đã vô tình coi thường và xúc phạm những công chức cần mẫn khác?
Tôi không tin cả thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn thế kia lại hiếm cán bộ đến nỗi không thể tìm người thay thế vị trí hiện tại của ông Hải.
Bởi như tôi đã phân tích, cho đến nay ông Hải đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến giành lại vỉa hè do ông phát động. Đây là sự thật.
Và nguyên nhân của sự thất bại này là do bản thân ông ấy đã nóng vội nên dẫn đến sai lầm về giải pháp, phương pháp thực hiện.
Một vấn đề khác, tại sao chúng ta không nghĩ rằng, bản thân chuyện xin nghỉ việc của ông Hải cũng là một giải pháp cần thiết và tích cực trước hết là với cá nhân ông ấy?
Sau nữa, đây còn là một bài học kinh nghiệm để qua đó lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nhìn và đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện và thấu đáo mọi vấn đề có liên quan.
Đặc biệt là việc đề ra những giải pháp tổng thể và đồng bộ; hay lựa chọn cán bộ có thực sự năng lực để thực thi và hoàn thành chủ trương lập lại trật tự đô thị mà thành phố đã đề ra.
Trong khi hoàn thành bài viết này, tôi được một người bạn vong niên “nhắc nhở”, có khi nào lá đơn xin từ chức của ông Hải chỉ là một “động tác giả” vì ông ấy đang “giận dỗi” ai đó không?!
Thật lòng bản thân tôi không nghĩ và cũng không muốn tin những gì bạn tôi nói là thật. Vì nếu như thế thì bẽ bàng quá!
Tuy nhiên, tôi nghĩ giá như trong đơn từ chức của mình ông Hải nên viết gọn lại, ông nên thừa nhận bản thân không hoàn thành nhiệm vụ nên từ chức (chứ không chỉ đơn thuần là “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân”);
Và nhất là ông nên thêm vào đó một “lời cảm ơn” gửi đến các đồng chí cấp trên và cấp dưới đã ủng hộ ông thời gian qua thì hay biết mấy.
4. Thay lời kết
Qua tất cả những gì đã xảy ra trên thực tế, nếu phải nói về sự “tiếc nuối” trong câu chuyện này bản thân tôi hoàn toàn không tiếc nuối về việc ông Hải xin từ chức mà là tiếc nuối về một chủ trương đúng đắn nhưng đã không hoàn thành.
Và theo thiển ý của tôi (có lẽ khác với đa phần mọi người), nếu ông Hải thật sự muốn nghỉ việc và đã suy nghĩ thấu đáo về chuyện này thì lãnh đạo thành phố hãy nên tôn trọng quyết định của ông ấy.
Vì trước hết đó là nguyện vọng của ông ấy, nếu lãnh đạo thành phố không cho ông ấy nghỉ rất có thể sẽ gây ra sự hiểu lầm về sự “giận dỗi” của ông như tôi phân tích ở trên.
Ngoài ra, trong tư cách của một lãnh đạo, một công chức ông Hải tuy năng nổ nhiệt tình nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn giữ lại thì đó mới thực sự là bi kịch của xã hội.
Không phải mọi người đang khuyến khích quan chức làm không được việc thì hãy mạnh dạn từ chức để nhường lại cho người khác hay sao?
Tại sao khi thì bảo rằng xã hội ta không thiếu người tốt người tài khi thì bảo rằng người như ông Hải rất hiếm?
Lòng thương cảm và trắc ẩn là cần thiết nhưng phải đặt đúng chỗ.
Tại sao không suy nghĩ tích cực rằng sau khi ông Hải nghỉ sẽ có người khác lên thay và làm tốt hơn ông bây giờ?
Nói tóm lại, tôi cho rằng, với riêng trường hợp này chúng ta hoàn toàn có thể lấy câu ca dao mà cha ông ta đã đúc kết để suy nghĩ và chiêm nghiệm:
“Không cô thì chợ vẫn đông
Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui!”
Nguồn tham khảo: