Nữ sinh chia sẻ bí quyết giành học bổng toàn phần Mỹ sau 1 năm tạm nghỉ học

05/04/2025 08:24
Thanh Thuý
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Do tình hình tài chính gia đình không đủ khả năng, Gia Bảo chọn 'gap year' (tạm dừng một năm) để toàn tâm chuẩn bị hồ sơ, mục tiêu là giành học bổng toàn phần.

Hoàng Lê Gia Bảo, cựu học sinh chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa đã giành học bổng ngành Kinh tế tại Berea College. Theo US News, trường xếp hạng 30 đại học khai phóng tốt nhất Mỹ với các khoản phí hơn 62.000 USD (1,6 tỷ đồng) mỗi năm.

Giành học bổng toàn phần Mỹ sau 1 năm gap year

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hoàng Lê Gia Bảo chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bảo đã dành một năm nghỉ học, để tập trung vào việc chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Do hoàn cảnh tài chính gia đình không đủ mạnh, gần như ở mức “chạm đáy”. Vì vậy, Bảo nhận thức rõ rằng chỉ có học bổng toàn phần mới có thể giúp mình thực hiện giấc mơ du học.

Từ đó, nữ sinh đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội học bổng trên khắp thế giới, ghi chép lại và lưu trữ thông tin về các quốc gia cũng như trường học cung cấp học bổng toàn phần. Trong số đó, Berea College là một cái tên nổi bật bởi trường nổi tiếng với việc chỉ nhận một đến hai sinh viên quốc tế mỗi năm, đồng thời trường cũng có những suất học bổng toàn phần cho tất cả sinh viên quốc tế.

Mặc dù trường không quá cạnh tranh về yếu tố học thuật nhưng lại rất chú trọng vào các bài luận và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, điều này đã khiến bản thân Bảo cảm thấy mình là người phù hợp với giá trị của trường, từ đó nữ sinh đã quyết định thử sức với học bổng này.

IMG_8156.JPG
Hoàng Lê Gia Bảo, cựu học sinh chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

Trong khoảng thời gian trước đó, Gia Bảo đã nhận được học bổng và thư mời nhập học từ một trường đại học khác, chỉ còn phải đóng 9.000 USD (hơn 227 triệu đồng) mỗi năm nhưng do tình hình tài chính gia đình không đủ khả năng, Bảo chọn "gap year" (tạm nghỉ học) để toàn tâm chuẩn bị hồ sơ, mục tiêu là giành học bổng toàn phần.

Lúc Bảo quyết định "gap year" đã là tháng 5/2023, tức còn khoảng 5 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh sớm của đại học Mỹ. Nữ sinh xác định điểm trung bình học tập (GPA) của mình là 8,9 sẽ không thể thay đổi, chỉ còn cách cải thiện điểm SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở Mỹ) và bài luận.

Trong suốt thời gian đó, Bảo đã dành thời gian học SAT, dù bận rộn với bài luận và học SAT nhưng Bảo đã bắt đầu công việc gia sư tiếng Anh vì muốn kiếm thêm thu nhập và tránh trì trệ cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời nữ sinh cũng liên tục nộp đơn xin học bổng ở các trường đại học khác.

"Khi đó, em không nhập học ở bất kỳ trường đại học nào tại Việt Nam, cũng không tới sống tại thành phố lớn như những bạn sinh viên nhập học tại các trường đại học khác. Vì vậy, khoảng thời gian này cuộc sống của em khá tẻ nhạt và đôi khi thiếu động lực, mặc dù hành trình xin học bổng cần yêu cầu sự tự giác rất cao.

Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng và nỗ lực trong suốt thời gian đó cùng với sự ủng hộ lớn từ gia đình. Mặc dù có những lúc bản thân cảm thấy khá mông lung và hỗn loạn nhưng em rất trân trọng vì có cơ hội dành nhiều thời gian bên gia đình hơn.

Điều khó khăn nhất có lẽ là thử thách về mặt tinh thần. Trong suốt cả năm, em luôn lo lắng rằng sẽ "trắng tay" khi liên tục nhận được thư từ chối khi đã nộp đơn vào 40 trường và chỉ đỗ 7 trường.

Bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc bỏ ra trong hơn 1 năm luôn ám ảnh em mặc dù đã có kế hoạch dự phòng nhưng em vẫn không thể không lo sợ rằng sẽ đối mặt với thất bại hoàn toàn.

Muốn xin học bổng toàn phần, điểm SAT cần thật cao. Em đăng ký khóa luyện thi SAT trên mạng, mua sách và tìm thêm tài liệu để học. Lớp học diễn ra 2 buổi/tuần nhưng khoảng chục ngày trước ngày thi, em học 1-2 buổi/ngày", Bảo cho biết.

Quản trị bằng mục tiêu

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Bảo cho biết, bản thân là một người học khá tùy hứng. Vì vậy, có một cách làm mà em rất hay áp dụng, đó là quản trị bằng mục tiêu.

Thay vì học và làm việc theo thời gian, Gia Bảo đặt mục tiêu cụ thể như số câu phải giải, số bài phải làm, số luận phải viết, nhứng việc phải làm trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, tự sắp xếp và tính toán công việc để luôn đảm bảo phải hoàn thành đúng hạn. Đôi khi, nữ sinh sẽ cần chạy nước rút nhưng Bảo vẫn luôn cố gắng duy trì kỷ luật trong công việc.

Về kinh nghiệm săn học bổng, Gia Bảo chia sẻ, đừng ngại dành thời gian nghiên cứu. Bởi nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng, Bảo đã tìm được hơn 60 học bổng toàn phần chỉ riêng ở Mỹ. Khi viết luận, ứng viên nên tận dụng sự hỗ trợ của AI để tham khảo ý tưởng, việc này rất hữu ích bởi giống như trò chuyện với một người bạn và nhờ họ góp ý cho bài luận của mình.

Vì nộp hồ sơ vào 40 trường, Bảo phải viết 70 bài luận. Các bài không quá dài, tầm 300 từ và chủ đề lặp lại như hỏi về ngành học, hoạt động ngoại khóa và giá trị cốt lõi. Do đó, Bảo không mất công tìm ý tưởng nhiều, chỉ thay đổi cách viết cho phù hợp với từng trường. Nữ sinh không gặp khó còn bởi có vốn tiếng Anh tốt, thường xem phim, nghe nhạc và đọc báo nước ngoài.

Riêng ở trường Berea, Bảo phải viết một bài luận phụ dài 2-5 trang (1.000 từ trở lên). Trường yêu cầu ứng viên kể câu chuyện khiến họ thay đổi cuộc đời.

Từ kinh nghiệm của mình, Bảo nhắn nhủ tới các bạn đang có ý định đi du học: “Em nghĩ thứ đã giúp mình luôn giữ động lực dù cô đơn, mệt mỏi, tương lai mờ mịt là nhờ đam mê.

Em đã có niềm yêu thích, ước mơ được đi du học khi còn nhỏ, vì vậy, em đã luôn tìm cơ hội từ những năm còn học lớp 6. Em nhận ra rằng, khi yêu thích một điều gì đó đủ lớn, không gì có thể cản trở mình theo đuổi nó. Ngược lại, nếu hành trình đó chỉ toàn những khoảnh khắc chán nản, có lẽ nó không thực sự dành cho mình.

Mỗi người đều có một con đường riêng, và mình đã chọn đi theo hướng khác biệt, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Mình tin tưởng vào bản thân và cả những duyên phận đã định sẵn”.

Thanh Thuý