Những tiết dự giờ được chuẩn bị quá kỹ, vậy có nên tiếp tục duy trì?

07/02/2024 06:47
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Tiết dự giờ trở nên hoàn hảo nhưng vì quá hoàn hảo nên thầy cô khác cũng khó học tập được nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho mình.

Dự giờ là hoạt động giảng dạy trong đó các giáo viên đồng nghiệp và cán bộ lãnh đạo tham gia để góp ý và đánh giá chất lượng tiết dạy của giáo viên. Đồng thời, giúp giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến của mình để cùng nhau nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, việc dự giờ còn giúp các nhà quản lý nhận biết được những khó khăn, thách thức mà các giáo viên đang gặp phải, từ đó hỗ trợ và định hướng để thầy cô hoạt động hiệu quả hơn trong công tác giảng dạy và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Ý nghĩa tích cực của hoạt động dự giờ là vậy. Tuy nhiên, ở không ít trường học, việc dự giờ trở nên áp lực không chỉ cho giáo viên mà cả học sinh.

dư gio.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhiều tiết dự giờ đã trở thành “sàn đấu” khi một người dạy, có tới mấy chục người dự và có đến vài chục góp ý nhận xét khiến cho người dạy thấy rối và cảm thấy mệt mỏi.

Vì thế, để chuẩn bị một tiết dự giờ tránh tình trạng bị soi xét, giáo viên thường bỏ thời gian công sức để chuẩn bị nên các tiết dự giờ trở thành những tiết dạy “diễn”.

Quy định nào về việc dự giờ của giáo viên tiểu học?

Cho tới thời điểm hiện tại, trong ngành giáo dục vẫn không có bất kỳ văn bản nào quy định về các hoạt động dự giờ của giáo viên, chuyên môn nhà trường về các tiết thao giảng, hội giảng như trước đây.

Hiện tại, cũng không có quy định về hoạt động dự giờ. Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học chỉ còn quy định loại sổ sách giáo viên cần phải có trong đó có sổ dự giờ đối với giáo viên tiểu học.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 21, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định về hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên tiểu học gồm: Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Trong hồ sơ sổ sách giáo viên vẫn còn sổ dự giờ, nên ai cũng hiểu hoạt động dự giờ của giáo viên tiểu học vẫn còn duy trì.

Giáo viên tiểu học sử dụng sổ dự giờ khi nào?

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 29, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định về quyền của giáo viên, nhân viên nêu rõ: “Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.”

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm ở bậc tiểu học có quyền được tham gia dự giờ với lớp mà mình làm công tác chủ nhiệm.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, không ít địa phương trong năm học liên tục tổ chức các hoạt động dự giờ từ cấp tổ đến cấp trường, rồi cấp cụm trường đến cấp huyện, thị xã, thành phố. Điều này đã tạo đã nhiều áp lực cho người dạy và cho chính trường học sẽ đăng cai các tiết dạy hội giảng.

Vừa qua, một số giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: cụm chuyên môn 4 (gồm các trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập có bậc học cao nhất là trung học phổ thông ở tại quận 6,11, Bình Tân và Bình Chánh) vẫn tồn tại việc dự giờ, thăm lớp đối với giáo viên.

Giáo viên trường này đến trường kia dự giờ, đi xa hàng chục km. Có khi giáo viên dự giờ xong, trở về đến nhà thì đã trưa, không ai nấu cơm cho con cái ăn đi học. Giáo viên cũng không kịp đến trường.[1]

Cũng theo phản ánh của giáo viên nơi đây: việc dự giờ thăm lớp này là ít hiệu quả, do giáo viên và học sinh phần lớn đều đã được chuẩn bị bài từ trước. "Nói thẳng ra là giáo viên và học sinh biểu diễn cho đồng nghiệp trường bạn xem.

Sau tiết dạy này thì giáo viên trong cụm họp rút kinh nghiệm, đa số là đều khen nhau rồi ai về trường người ấy. [2]

Thực tế, một số địa phương cũng đang duy trì việc tổ chức thao giảng, hội giảng giữa các cụm trường (gồm nhiều trường học được xếp chung cùng nhóm), hội giảng cấp huyện, thị xã (tất cả các trường trong huyện, thị).

Có những đợt giáo viên phải di chuyển đến vài chục cây số chỉ để dự giờ xong một tiết rồi về. Thực tế, đa số giáo viên để chuẩn bị cho những tiết dạy dự giờ đã phải tốn khá nhiều thời gian, công sức cho khâu chuẩn bị.

Chúng tôi hay gọi đó là những tiết dạy được chuẩn bị từ “chân đến răng”. Vì được chuẩn bị quá kỹ nên cũng không có nhiều vấn đề để trao đổi, thảo luận và rút kinh nghiệm sau tiết dạy này. Một số đồng nghiệp của người viết cũng thành thực chia sẻ, góp ý chủ yếu là khen nhau, khen học sinh năng động, tự tin, học tốt và đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, đồng nghiệp, các nhà quản lý khen giáo viên áp dụng phương pháp phù hợp, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh.

Tiết dự giờ trở nên hoàn hảo nhưng vì quá hoàn hảo nên thầy cô khác cũng khó học tập được nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho mình. Bởi, tiết dạy trong thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Nếu giáo viên cứ bê nguyên si khuôn mẫu tiết dạy dự giờ vào giảng dạy thực tế thì hiệu quả hay cách thức tổ chức khó có thể triển khai được.

Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo người viết, có lẽ đến lúc cần tính toán đến việc có nên duy trì các tiết dự giờ như cách thức hiện nay đang làm?

Tài liệu tham khảo:

[1], [2] https://giaoduc.net.vn/tphcm-cum-4-to-chuc-du-gio-giua-cac-truong-gv-than-phien-cum-truong-noi-gi-post240579.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết