Những hệ lụy từ việc “lạm phát” điểm 9, 10

18/01/2024 09:01
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các môn học chỉ có số điểm 10 khiêm tốn sẽ tôn vinh được các em giỏi thực sự và các em học giỏi cũng thấy tự hào về kết quả học tập của mình.

Tình trạng "lạm phát" điểm 10 mà một bộ phận giáo viên ở các nhà trường đang hào phóng cho học sinh, nhất là đối với học sinh cuối cấp Trung học cơ sở xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bắt đầu từ chỉ tiêu của nhà trường ấn định đầu năm; từ việc xét thi đua cuối năm cho giáo viên, tổ chuyên môn…

Tuy nhiên, mấu chốt nhất của việc "lạm phát" điểm 10, điểm 9 ở một số nhà trường hiện nay có một nguyên nhân không thể phủ nhận được đó là do một số giáo viên bộ môn đang dễ dãi trong việc cho điểm, đánh giá học lực của học trò.

Vì thế, nếu giáo viên bộ môn đánh giá đúng năng lực học tập của học trò sẽ góp phần hạn chế bệnh thành tích hiện nay. Học sinh sẽ biết mình đang đứng ở vị trí nào, năng lực thực sự ra sao. Phụ huynh cũng biết con em mình đang học tập ở nhà trường ở ngưỡng nào để có biện pháp giúp cho học sinh tiến bộ bằng chính năng lực của mình.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế một số trường học hiện nay, việc chấm điểm như "cho" không phải hiếm. Từ đây, học sinh cũng không biết mình dở ở chỗ nào, hoặc biết cũng không cần cố gắng vì đã có thầy cô lo. Cuối năm, nhà trường phát thưởng nhiều, tất nhiên lại vận động phụ huynh đóng góp, hỗ trợ.

Ảnh minh họa: N.N

Ảnh minh họa: N.N

Không hiếm học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi nhưng rớt tuyển sinh vào lớp 10

Nhiều năm qua, bản thân người viết - là giáo viên Trung học cơ sở - chứng kiến không ít học sinh giỏi nhưng khi thi tuyển sinh 10 lại rớt. Thậm chí, có trường hợp thi vào lớp 10 chuyên, môn chuyên được 0 điểm, các môn còn lại cũng chỉ đạt điểm kém.

Thực tế cho thấy, ở nhiều trường học, có một số môn học có tỉ lệ học sinh giỏi vượt 90%. Cá biệt, có những môn lên đến gần 100 % loại giỏi. Vì thế, những môn học này rất hiếm học sinh đạt điểm trung bình.

Trong khi, học sinh lớp 9 hiện nay đang thực hiện đánh giá, xếp loại học lực theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 nên để đạt được học lực giỏi hoặc khá không khó.

Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ (Đạt).

Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

Trong khi, một số môn học rất hiếm học sinh xếp loại khá chứ chưa nói loại trung bình nên về cơ bản học sinh chỉ cần đạt của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 là được xếp loại học lực giỏi; hoặc đạt 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên là được xếp loại học lực khá.

Cũng vì thế, không hiếm học sinh xếp loại học lực giỏi, được khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi nhưng khi thi tuyển sinh 10 vào các trường công lập thì rớt tất cả các nguyện vọng và phải vào trường ngoài công lập.

Vậy nên, sau khi có kết quả tuyển sinh 10, không hiếm phụ huynh, học sinh oán trách thầy cô giáo và nhận ra điểm ảo, danh hiệu học tập ảo chỉ tạo ra niềm vui nhất thời nhưng để lại hệ lụy rất lớn về sau.

Dễ dãi trong việc cho điểm học trò

Những năm gần đây, khi mà công nghệ thông tin phát triển mạnh, việc số hóa cũng được ứng dụng trong các nhà trường.

Vì thế, để có số liệu thống kê, so sánh giữa giáo viên này với giáo viên khác; giữa môn học này với môn học khác; giữa trường này với trường khác không khó - nếu giáo viên muốn biết, muốn xem.

Trong trường, sau mỗi học kỳ, tổ chuyên môn, nhà trường đều thống kê và gửi lên mail cá nhân của giáo viên trong đơn vị; trên zalo của các lớp giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn. Phòng, Sở cũng thống kê từ các trường và gửi về các đơn vị theo từng môn học. Khi thi tuyển sinh 10 cũng thống kê từng môn của từng trường và gửi đến các trường học trên địa bàn.

Ngoài ra, trên phần mềm điểm điện tử có mục thống kê chất lượng điểm kiểm tra, điểm trung bình môn từng giáo viên, từng khối, từng tổ chuyên môn nên rất thuận lợi cho giáo viên so sánh giữa môn, lớp mình dạy với các môn khác, với các lớp khác. Vì thế, những điểm số về cơ bản đang được công khai trong nội bộ.

Giáo viên có thể tham khảo được điểm số của nhiều môn, nhiều trường học trong huyện, trong tỉnh. Bên cạnh một số môn học vẫn cho điểm ở ngưỡng chấp nhận được thì có những môn học có điểm giỏi chiếm chủ yếu. Chỉ lác đác vài phần trăm loại khá và trung bình.

Nhớ lại thời chúng tôi đi học

Ngày chúng tôi còn học phổ thông, rất ít học sinh đạt điểm trung bình môn trên 9,0 điểm- cho dù là môn học nào. Thỉnh thoảng được điểm 8, điểm 9 kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra học kỳ được 8-9 điểm là mừng rơn. Nhiều khi, học sinh nào đạt được 8,0 điểm môn Ngữ văn sẽ thường được thầy cô đọc cho cả lớp cùng nghe.

Dù biết sự so sánh nào cũng khá khập khiễng, nhất là thời chúng tôi đi học phổ thông là những năm đất nước mới bước vào thời kỳ đổi, còn khó khăn, chuyện cái ăn, cái mặc là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình.

Lúc bấy giờ, hiếm lắm mới có học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” bởi học sinh xếp loại học lực khá lúc đó cũng ít, đa số là loại trung bình và cũng có không ít học sinh phải ở lại lớp nhưng lúc đó thấy rất bình thường.

Lúc đó, trong lớp thường chỉ có vài học sinh của lớp đạt danh hiệu “Học sinh tiên tiến” (học lực khá), một số bạn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng môn học đó cũng ít khi thầy cô bộ môn tổng kết điểm cuối năm quá 8,5 điểm.

Bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi kể cho học trò nghe về chuyện học hành lúc trước, các em cứ khúc khích cười vì những học sinh giỏi bây giờ nhiều em có điểm trung bình tất cả các môn học lên đến 9,8, thậm chí có em lên đến 9,9.

Nếu với mức điểm của những học sinh có điểm cao nhất lớp thời chúng tôi đi học thì bây giờ có lẽ chỉ có nước nằm ở tốp cuối của lớp và không bao giờ có cơ hội được trao thưởng vào ngày tổng kết năm học.

Những hệ lụy từ điểm ảo, bệnh thành tích

Thực ra, học sinh ngày nay có nhiều em rất giỏi, đó là điều mà chúng tôi không phủ nhận. Nhiều em thông minh, toàn tâm, toàn ý cho việc học và được đầu tư từ nhỏ. Vì thế, những em học sinh như vậy được điểm 10, điểm 9 là điều đương nhiên.

Nếu các môn học chỉ có số điểm 10 khiêm tốn sẽ tôn vinh được các em giỏi thực sự và các em học giỏi cũng thấy tự hào. Nhưng, bây giờ có những môn học điểm tuyệt đối gần hết lớp, thành ra không biết em nào giỏi thật, em nào giỏi ảo.

Điểm ảo nhiều sẽ tạo nên tính dối trá cho cả thầy và trò. Thầy cô dạy có nhiều học sinh giỏi thì đương nhiên là vui, học sinh giỏi cũng được khen thưởng vào cuối năm. Những bản báo cáo thành tích của nhà trường luôn được tán dương, vỗ tay rần rần.

Sang năm sau, chỉ tiêu học sinh giỏi lại phải “bằng hoặc cao hơn năm trước” nên tỉ lệ học sinh giỏi lại được nhà trường giao cho các tổ chuyên môn cao hơn. Nhưng, có những tổ chuyên môn tỉ lệ học sinh giỏi lên đến 95-96% rồi thì mấy năm nữa là “đụng trần”?

Học sinh giỏi nhiều, khiến cho nhà trường rất khó tư vấn, hướng nghiệp cho học trò. Cuối năm, rất khó “động viên” phụ huynh có con đạt học lực khá không thi tuyển sinh 10 để chuyển sang học nghề. Từ đó, áp lực thi tuyển 10 lại được đẩy lên cao. Phụ huynh tốn kém tiền ôn thi, thi cử. Ngân sách địa phương tốn tiền bố trí thêm phòng thi, giám thị, giám khảo.

Một số trường trung học phổ thông không thi tuyển, áp dụng hình thức xét tuyển thì không biết đâu mà lần vì điểm học bạ của học trò ở nhiều trường đẹp quá, long lanh quá.

Một số học sinh tham gia thi tuyển 10 khi nhận kết quả thì “ngã ngửa” vì điểm thi tuyển sinh 10 và điểm học trên lớp lại khác nhau nhiều đến vậy. Vì thế, không ít danh hiệu học tập, những tờ giấy khen của học trò bỗng mất đi ý nghĩa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG