Ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh nhiều cơ sở bán trú vệ tinh trên đường HT31 (phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) có dạy thêm tiểu học, nhiều người dân cư ngụ trên địa bàn phường cũng đã phản ánh, nhiều cơ sở bán trú vệ tinh trên đường Nguyễn Thị Kiểu, phường Hiệp Thành có rất nhiều vi phạm, nhưng vẫn thoải mái hoạt động.
Chiều ngày 3/8, qua khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, do nằm đối diện với Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, học 1 buổi), nên đoạn đường này cũng có rất nhiều cơ sở tổ chức bán trú, giữ trẻ ngoài giờ.
Đặc biệt, 2 cơ sở bán trú Ngôi Sao, Uy Vũ hoàn toàn không treo bảng hiệu bên ngoài, nhưng vẫn thoải mái hoạt động, giữ và cho trẻ ăn uống ở bên trong.
Cơ sở bán trú Ngôi Sao hoàn toàn không có trưng bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động (ảnh: P.L) |
Vào vai là phụ huynh cần tìm chỗ giữ trẻ cho con trong năm học mới, phóng viên được anh Tuấn, xưng là chủ cơ sở bán trú Ngôi Sao nói: Nếu muốn gửi trẻ từ thứ 2 đến thứ 7 thì tiền trọn gói (cả bán trú, học phí) là 1 triệu đồng, còn từ thứ 2 đến thứ 6 thì là 900.000 đồng trọn gói.
Nếu học sinh học buổi chiều ở trường Lê Văn Thọ, thì sáng sớm, phụ huynh đưa con đến cơ sở học với giáo viên theo báo bài chương trình học ở trường, đến 10h30 ăn trưa rồi ngủ và khoảng 12h15 trưa có nhân viên đưa qua trường học.
Bảng giá học phí của cơ sở bán trú "2 không" Ngôi Sao ở đường Nguyễn Thị Kiểu (ảnh: P.L) |
Cũng tương tư như vậy, nếu học sinh học buổi sáng thì trưa sẽ có nhân viên đón về cơ sở ăn trưa, ngủ và chiều học bài, rồi phụ huynh sẽ đón con tại đây.
6 cơ sở dạy thêm tiểu học trái phép ở phường Hiệp Thành bị xử phạt |
Hình thức cũng giống như cơ sở Ngôi Sao, đại diện cơ sở Uy Vũ cho phóng viên biết, trọn gói ở cơ sở này là 1,290 triệu đồng, còn nếu học sinh có nhu cầu ăn sáng thì cộng thêm 260.000 đồng.
Đại diện cơ sở Uy Vũ cũng cho biết thêm, giáo viên dạy ở những cơ sở bán trú tư nhân này hầu hết là những người có hộ khẩu ở tỉnh, có bằng Đại học Sư phạm chính quy, hoặc một số nơi thuê sinh viên dạy.
Đây cũng là điều đã được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 – ông Khưu Mạnh Hùng xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong 1 lần làm việc về các cơ sở bán trú tư nhân rằng, giáo viên dạy tại những cơ sở này hầu hết là từ bên ngoài, chứ không phải là giáo viên của quận dạy.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, hình thức trông giữ, chăm sóc trẻ tại những cơ sở bán trú tư nhân như vậy hiện nay vẫn chưa được các cấp lãnh đạo của thành phố cấp giấy phép cho bất cứ cơ sở nào, vì chưa có cơ chế cấp phép.
Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế là rất lớn, thành phố vẫn cho phép loại hình này tồn tại, nhưng đã có văn bản giao cho các địa phương cần nắm rõ, quản lý thật chặt chẽ loại hình kinh doanh này.
Đại diện cho lãnh đạo Uỷ ban nhân dân phường Hiệp Thành, quận 12 – bà Nguyễn Thị Thùy Trang thừa nhận, ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về tình trạng các cơ sở bán trú tư nhân có dạy thêm tiểu học trên địa bàn, phường đã đi kiểm tra, xử phạt và yêu cầu gỡ bảng hiệu hàng loạt cơ sở.
Đối với các cơ sở trên đường Nguyễn Thị Kiểu, cơ sở Uy Vũ không có bảng hiệu là do quận 12 yêu cầu gỡ vì có nhiều vi phạm trong khi kiểm tra.
Thế nhưng, một điều đáng nói là dù đã bị yêu cầu gỡ bảng hiệu, các cơ sở này vẫn thoải mái hoạt động, hàng ngày vô tư đón nhận hàng chục học sinh tiểu học đến ăn, học tại đây, và trở thành những cơ sở bán trú tư nhân “hai không” (không bảng hiệu, không giấy phép hoạt động).
Như vậy, nói đến đây, dư luận sẽ không khỏi băn khoăn, thắc mắc: Nếu vậy, xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng, liên quan đến học sinh thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước phụ huynh?