Những câu chuyện cảm động về thầy cô trong chương trình Thay lời tri ân 2022

19/11/2022 07:01
Mai Huệ - Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tối ngày 18/11, chương trình Thay lời tri ân năm 2022 với chủ đề “Cây đời trăm năm” đã có hơn 400 giáo viên cả nước tham dự. 

Tối ngày 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình Thay lời tri ân năm 2022 với chủ đề “Cây đời trăm năm”.

Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; cùng các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng hơn 400 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,3 triệu giáo viên trong cả nước.

Năm 2022 là kỷ niệm tròn 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, nhiều năm nay, chương trình “Thay lời tri ân” được tổ chức phát sóng nhân dịp 20/11 hàng năm. Chương trình được nhân dân và các nhà giáo đánh giá cao. Qua chương trình, khán giả biết đến nhiều hơn những cống hiến, hy sinh, những việc cao đẹp, những tấm lòng, sự sáng tạo và trí tuệ của các nhà giáo. Qua đó, xã hội cảm thông, chia sẻ, tôn trọng và yêu quý các nhà giáo nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong chương trình. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong chương trình. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Bộ trưởng, những tấm gương các nhà giáo được chương trình nói tới chắc chắn mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến, những việc làm tốt của các thầy, các cô trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Thông qua chương trình, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn bày tỏ sự ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, cống hiến của tất cả nhà giáo, những người đã được xã hội biết, ngợi ca và cả những người luôn hy sinh thầm lặng chưa được nhiều người biết tới.

“Chúc tất cả các cô, các thầy luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn, luôn hạnh phúc với cuộc sống, học trò; sống vinh quang và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tại chương trình, với chủ đề “Cây đời trăm năm”, thông qua những hình ảnh, câu chuyện dạy học xúc động, đáng khâm phục về những thầy cô hết lòng vì học trò thân yêu, chương trình như một lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo dịp 20/11.

Tiết mục "Bụi phấn" trong chương trình Thay lời tri ân

Tiết mục "Bụi phấn" trong chương trình Thay lời tri ân

Trong đó, câu chuyện "nuôi em" của cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Giót (Điện Biên) đã chạm đến trái tim của khán giả, đặc biệt là những người làm trong công tác giáo dục.

Trong quá trình làm công tác tuyển sinh ở vùng sâu, vùng xa, cô Hà đã chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn mà có lẽ nếu không có sự hỗ trợ thì cuộc đời của các em sẽ rẽ sang ngả đường khác. Vì vậy, cô Hà đã bắt đầu hành trình “nuôi em” hàng tháng.

Chia sẻ trong chương trình, cô Hà cho biết, cô cảm thấy an vui và hạnh phúc sau mỗi lần giúp đỡ được các em. Điều này đã trở thành động lực thôi thúc cô tiếp tục nối dài hành trình “nuôi em”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà chia sẻ về câu chuyện của mình tại chương trình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà chia sẻ về câu chuyện của mình tại chương trình.

Cũng tại chương trình, câu chuyện của cô giáo Đỗ Thùy Quyên, Trường Mầm non xã Suối Giàng (Yên Bái) đã gợi mở phương pháp dạy học sáng tạo bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin.

Nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trong quá trình dạy học, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới giáo dục, cô Quyên đã chủ động ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”. Nhờ đó, cô đã kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài. Phương pháp dạy học này giúp trẻ em vùng cao trở nên tự tin hơn.

Đặc biệt, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành “người mẹ thứ 2” của những đứa trẻ người Mông.

Câu chuyện về thầy giáo Chu Quang Đức, giáo viên Trường Trung học phổ thông Mê Linh (Hà Nội) để lại nhiều cảm xúc sâu lắng. Do ảnh hưởng bởi chất độc da cam, thầy giáo Chu Quang Đức chỉ cao 1,1mét, không đi lại được và phải ngồi xe lăn. Nhờ nghị lực vươn lên, sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2009, thầy Đức về công tác giảng dạy tại chính ngôi trường từng theo học cấp ba - Trường Trung học phổ thông Mê Linh (Hà Nội) từ năm 2010 đến nay.

Thầy giáo Chu Quang Đức chia sẻ câu chuyện tại chương trình.

Thầy giáo Chu Quang Đức chia sẻ câu chuyện tại chương trình.

Năm 2018, thầy Đức được làm đại sứ thiện chí Trung ương Hội chất độc da cam Việt Nam. Năm 2020, thầy được đi dự đại hội thi đua toàn quốc. Vào năm 2021, thầy Đức được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của Hà Nội.

Vinh dự có mặt tại chương trình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lê Thị Loan, Tổ trưởng Tổ nhà trẻ Trường Mầm non Thụy Tân (Thái Bình) chia sẻ: “Sau khi được xem và lắng nghe những câu chuyện của các đồng nghiệp, tôi thực sự đồng cảm, thấu hiểu và khâm phục. Nhất là với những giáo viên mầm non đang công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, biên giới xa xôi.

Bản thân tôi cũng có 21 năm làm trong ngành giáo dục mầm non. Nơi tôi công tác là một trường mầm non thuộc địa bàn khó khăn của tỉnh Thái Bình. Cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị của nhà trường còn rất hạn chế nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

Sau các chuyến thăm của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, Trường Mầm non Thụy Tân cũng đã báo cáo và đề xuất có thêm những hỗ trợ, đầu tư đối với nhà trường. Đơn cử, hiện nay, phòng học đang kiêm luôn phòng làm việc của cán bộ giáo viên. Chưa kể, công trình phụ, nhà vệ sinh chưa đảm bảo yêu cầu”.

Qua đây, cô Loan hi vọng, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đơn giản hóa các hồ sơ, sổ sách để giáo viên tập trung vào công việc chính là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

“Ban ngày, giáo viên làm việc ở trên lớp nên sổ sách thường được xử lý vào ban đêm. Điều này khiến các cô giáo mầm non rất vất vả. Do đó, nếu hồ sơ, sổ sách được đơn giản hóa thì đời sống giáo viên sẽ đỡ vất vả hơn”, cô Loan nói.

Cùng chia sẻ về những cảm xúc sau chương trình, cô giáo Lê Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phùng Chí Kiên (Bắc Kạn) cho biết, cũng giống như các giáo viên khác cô thực sự xúc động. Sau khi được nghe những chia sẻ của đồng nghiệp mình, cô càng thêm trân quý nghề giáo.

Cô giáo Lê Thị Ngọc và tập thể giáo viên của tỉnh Bắc Kạn tham dự chương trình.

Cô giáo Lê Thị Ngọc và tập thể giáo viên của tỉnh Bắc Kạn tham dự chương trình.

“Ngành giáo dục địa phương luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, Trường Mầm non Phùng Chí Kiên cùng với nhiều trường mầm non khác trên địa bàn tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhất là vấn đề thiếu hụt đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, tôi thấy rằng một số giáo viên đã xin nghỉ việc vì lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Vì vậy, tôi mong rằng các bộ, ban, ngành sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn tới giáo viên, đặc biệt là có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để các thầy cô an tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục”, cô giáo Lê Thị Ngọc cho hay.

Mai Huệ - Anh Trang