Nhóm lợi ích trong vụ Việt Á đã khoét vào "tranh tối, tranh sáng" để trục lợi

14/03/2022 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dư luận đặt câu hỏi trước sai phạm của nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh thành phố trong vụ Việt Á, liệu có trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân?

Liên quan đến vụ án kit test Việt Á, ngày 8/3 vừa qua, hai cán bộ tại Học viện Quân y đã bị khởi tố về tội "tham ô tài sản" và tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó, nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh thành phố và cán bộ tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã bị khởi tố.

Có ý kiến cho rằng, trong vụ án trên, có trách nhiệm liên quan đến Hội đồng nhân dân tỉnh tại các địa phương, khi không có sự giám sát, phản biện kịp thời để ngăn chặn sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp với CDC địa phương.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đoàn Ninh Bình) và Đại biểu quốc hội Trương Xuân Cừ đã có chia sẻ xoay quanh vụ việc.

Theo ông Bùi Văn Phương, trong vụ án Việt Á nếu nói đến vai trò của Hội đồng nhân dân địa phương thì cũng không thỏa đáng, bởi vì dịch bệnh phát sinh và tất cả mọi yêu cầu của nước ta khi đó là tập trung cho phòng chống dịch.

Trong Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả để đảm bảo việc chống dịch được chủ động mau chóng và hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh như vậy, Hội đồng nhân dân rất khó để hỏi được thông tin về quy trình mua sắm trang thiết bị vật tư y tế của các cơ quan chức năng địa phương.

"Quốc hội đã yêu cầu phải đảm bảo chặt chẽ để tránh xảy ra tiêu cực như trước đây, điều này đã rõ ràng như vậy nhưng câu chuyện được làm trong trường hợp cấp bách, dẫn đến việc làm tắt, tính công khai, minh bạch có phần nào hạn chế. Đây chính là kẽ hở cho những cán bộ trục lợi.

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Đỗ ThơmÔng Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Đỗ Thơm

Trong tình thế như vậy, đòi hỏi những cán bộ làm việc phải có lương tâm, có đạo đức, trách nhiệm đặt sức khỏe người dân lên trên hết. Tuy nhiên, khi biết kẽ hở thì họ không nghĩ đến trách nhiệm, mà chỉ nghĩ đến lợi ích", ông Bùi Văn Phương chia sẻ.

Theo ông Bùi Văn Phương, luật pháp của chúng ta làm rất chặt chẽ nên không có kẽ hở cho cán bộ thoái hóa.

Tuy nhiên trong vụ án Việt Á, việc chỉ định thầu được thực hiện tại các địa phương trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp và sau đó báo cáo lại ngay là việc làm tắt, rút gọn đã để xảy ra sai phạm của hàng loạt cán bộ.

Từ sự việc trên, rút ra cho chúng ta một bài học là việc cấp bách thì cho phép, nhưng khi làm những việc đó phải giao cho những con người có tâm, có đức. Tuy nhiên, việc giao cho những vị lãnh đạo là thầy thuốc được coi như "mẹ hiền", mà họ vẫn làm như vậy...thì chúng ta có thể nhìn rõ vấn đề ở đây là về nhóm lợi ích. Một mình Việt Á chả dám làm nếu không có người vai vế "bợ đỡ" đằng sau.

"Chắc chắn có sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp sân sau với cán bộ, trong vụ Việt Á, tôi tin vẫn còn người người liên quan đứng đằng sau chưa bị đưa ra xử lý", ông Phương chia sẻ.

Từng có thời gian khá dài, nhóm lợi ích câu kết với nhau khiến cho cấp dưới ngầm hiểu rằng, ý cấp trên là luật pháp. Vì vậy khi sai phạm thì cả một "dây" vào tù.

Nếu chúng ta muốn khắc phục, không để lặp lại những sai phạm như vụ Việt Á thì cần phải chữa tổng thể của cả hệ thống. Chúng ta không phải bàn nhiều về giải pháp, mà đó là sự thiếu gương mẫu của cấp trên, của người đứng đầu.

Cấp trên mà nghiêm và gương mẫu thì ắt mọi việc sẽ tốt, để cấp dưới nhìn vào đó coi như tấm gương sáng để học tập.

Đại biểu quốc hội khóa XV Trương Xuân Cừ. (Ảnh: Hội người Cao tuổi Việt Nam)

Đại biểu quốc hội khóa XV Trương Xuân Cừ. (Ảnh: Hội người Cao tuổi Việt Nam)

Bình luận về vấn đề trên, Đại biểu quốc hội khóa XV - Trương Xuân Cừ cho hay, chức năng của Hội đồng nhân dân là có chức năng giám sát, nhưng không phải là công việc nào cũng có thể giám sát được.

Đối với những vấn đề rất lớn hoặc nổi cộm thì Hội đồng nhân dân mới giám sát.

Còn bình thường thì Hội đồng không có đủ lực lượng, điều kiện để giám sát hoạt động cơ quan công quyền.

"Quan trọng nhất là chức năng của cấp nào thì thực hiện đúng chức năng của cấp đó", Đại biểu quốc hội cho hay.

Đại biểu Trương Xuân Cừ nhận định, đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay đã bị xuống cấp, không được chuẩn mực. Các doanh nghiệp "tham mưu" cho cơ quan chức năng về cách làm của họ là đúng pháp luật, trong khi đó lãnh đạo chính quyền về mặt hiểu biết sâu, cụ thể chỉ ở mức độ. Và cũng chính bởi những lợi ích trước mắt chi phối đã dẫn tới việc cán bộ mắc sai phạm.

Vị Đai biểu Quốc hội khóa XV cũng nhận định, pháp luật của chúng ta là tương đối chặt chẽ, nhưng so với diễn biến của thực tế thì chúng ta không thể lường trước được. Bởi có những bộ phận khoét sâu vào mảng "tranh tối, tranh sáng" để đem lại lợi ích cho họ.

"Các cơ quan tham mưu cần phải tuân thủ các quy định, bởi nếu chỉ cần vận dụng chút thôi, tham mưu từ các doanh nghiệp có thể dẫn tới những sai phạm hậu quả lớn.

Ví dụ cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh là chánh văn phòng rất quan trọng. Phần lớn các lãnh đạo tỉnh và tỉnh ủy đưa ra quyết định là từ tham mưu các ngành, cơ quan chuyên môn. Vì vậy, cần phải đòi hỏi yêu cầu cao đối với các cơ quan chuyên môn trong thẩm định tờ trình, đối với các cấp ủy, chính quyền", Đại biểu quốc hội Trương Xuân Cừ nói.

Mạnh Đoàn