Nhiều trường ĐH khuyết vị trí hiệu trưởng: “Người trong cuộc” chia sẻ tâm tư

30/12/2023 06:23
Lệ Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc khuyết hiệu trưởng là thực tế xảy ra ở nhiều trường đại học, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành, phát triển của nhà trường.

Hiệu trưởng là vị trí lãnh đạo chủ chốt trong cơ sở giáo dục đại học, là người có vai trò quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường theo quy định, đồng thời cũng là người nắm giữ vai trò đại diện pháp luật và chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường đại học không có hiệu trưởng chính thức trong suốt một thời gian dài. Một số trường chỉ có quyền hiệu trưởng cũng có trường chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách trường.

Có thể kể đến một số trường khuyết vị trí hiệu trường nhiều năm như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 2 năm), Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 3 năm), Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 3 năm)...

Khuyết hiệu trưởng ảnh hưởng đến quá trình vận hành, phát triển của trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc khuyết ghế hiệu trưởng là thực tế xảy ra ở nhiều trường đại học, khi có sự chuyển tiếp lãnh đạo hoặc khi hiệu trưởng đến tuổi nghỉ quản lý. Điều này cũng gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành, phát triển của nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NEU

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NEU

“Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Đối với những hiệu trưởng chuẩn bị hết nhiệm kỳ luôn mong muốn sẽ có một người có tầm nhìn, đủ tài, đủ đức, có tư duy đổi mới… để tiếp tục lãnh đạo, phát triển trường.

Hiệu trưởng cũng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục. Bởi vậy, khi được bổ nhiệm, hiệu trưởng sẽ lên kế hoạch, định hướng phát triển dài hạn. Nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học.

Sự phát triển của trường đại học liên quan trực tiếp đến hiệu trưởng, chứ không phải người phụ trách. Do đó, khuyết hiệu trưởng ảnh hưởng rất lớn đến công việc, hoạt động của trường đại học. Đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay, các trường phải đảm bảo được đời sống của cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường, xây dựng và nâng tầm thương hiệu của trường”, thầy Dũng cho biết.

Cũng theo thầy Dũng, đối với việc lập kế hoạch và thực hiện những chiến lược dài hạn sẽ khó có thể triển khai được nếu trường đại học không có người đứng đầu. Đồng thời, nhiều công việc sẽ bị ách tắc, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng: "Ví như việc xây dựng, thực hiện, đánh giá chiến lược phát triển nhà trường, hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ. Chưa kể, tuyển sinh đòi hỏi phải có chiến lược tạo hình ảnh cho nhà trường để thu hút người học.

Suốt nhiều năm liền một trường đại học không có người “cầm trịch” thì mọi việc rơi vào trạng thái trì trệ. Điều này làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục đó, ảnh hưởng đến hàng ngàn cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên, đồng thời cũng ảnh hưởng thương hiệu mà trường xây dựng bấy lâu nay".

Thầy Dũng cũng nhấn mạnh, việc trường đại học khuyết vị trí hiệu trưởng sẽ bị thiệt thòi rất lớn. Vì người đứng đầu sẽ xây dựng đề án công tác dài hạn, kế hoạch chiến lược để phát triển nhà trường. Hơn thế nữa, khi chưa có người người lãnh đạo đúng nghĩa cũng ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Khuyết hiệu trưởng chỉ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của trường khi nội bộ không đồng thuận

Có chung cảnh "trống" ghế hiệu trưởng nhiều năm, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyết vị trí này kể từ ngày 16/7/2020, khi Bộ Y tế tổ chức lễ công bố quyết định thành lập hội đồng trường và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn nhận quyết định công nhận chủ tịch hội đồng trường. Trước đó, Giáo sư Trần Diệp Tuấn giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường.

Từ tháng 11/2020, việc điều hành trường được giao cho phó hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc. Tháng 8/2022, Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Đạt làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ở giai đoạn đầu nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn khi thiếu vị trí hiệu trưởng. Tuy nhiên, khi đã có phó hiệu trưởng phụ trách, các hoạt động của trường về cơ bản đã đi vào ổn định.

Thầy Tuấn cũng không đồng tình với một số ý kiến cho rằng phó hiệu trưởng phụ trách chưa “chính danh ngôn thuận” nên đôi khi còn e dè trước các quyết định của trường và có thể ảnh hưởng tới các chiến lược dài hạn cũng như việc ký phát bằng cho sinh viên, chi trả lương cho cán bộ giảng viên.

“Tôi cho rằng bất cứ cá nhân nào khi đã được giao nhiệm vụ phụ trách trường thì người đó cũng đồng thời được giao toàn bộ quyền hạn của một hiệu trưởng. Chính vì thế, đã có nhiệm vụ điều hành thì phải hết mình, toàn tâm toàn ý với công việc, đảm bảo hoàn thành công việc chung của nhà trường, vì lợi ích của người học. Không thể nói tôi chỉ là người phụ trách, chưa chính danh ngôn thuận để thoái thác các nhiệm vụ được”, thầy Tuấn nói.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, theo thầy Tuấn, cơ sở giáo dục phải có sự thống nhất, đoàn kết. Trường hợp nội bộ nhà trường thiếu sự đồng thuận thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng hoạt động không hiệu quả.

“Nếu như nhà trường thiếu hiệu trưởng mà trong nội bộ chưa tạo được sự đồng thuận thì chắc chắn sẽ dẫn tới cơ sở giáo dục hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Việc ký phát bằng cho sinh viên hay việc chi lương, đầu tư cơ sở vật chất của trường cũng sẽ ảnh hưởng. Còn nếu phó hiệu trưởng phụ trách mà có sự đồng thuận trong nội bộ rồi thì sẽ không có chuyện đó xảy ra”, thầy Tuấn bày tỏ.

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng khuyết vị trí hiệu trưởng sau khi Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay nhận quyết định nghỉ hưu. Từ tháng 1/2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng được giao nhiệm vụ quyền hiệu trưởng nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Đề cập đến việc quyết định các hoạt động của trường trong thời gian “vắng bóng” vị trí hiệu trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng: “Với vị trí quyền hiệu trưởng, thầy Hùng sẽ là người giải quyết công việc thường xuyên của hiệu trưởng mặc dù về mặt pháp lý vị trí này vẫn còn trống.

Trong đó có các hoạt động tài chính; thực hiện thủ tục hành chính; công nhận xét tốt nghiệp cho sinh viên của trường như ký bằng tốt nghiệp,... và thầy Hùng sẽ được nhận phụ cấp chức vụ. Đối với Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, việc khuyết vị trí hiệu trưởng không ảnh hưởng tới quá trình vận hành và phát triển chiến lược của trường như đã đề ra”.

Trình tự, thủ tục công nhận hiệu trưởng khiến các trường gặp khó khăn

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để khắc phục tồn tại này, các cơ sở giáo dục cần nghiêm túc thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung luật giáo dục đại học.

Tuy nhiên, việc thực hiện theo quy định cũng cần có sự đồng bộ từ cơ sở giáo dục đại học đến các bộ ngành liên quan. Vấn đề tự chủ đại học chưa thực hiện nhất quán cũng gây khó khăn cho một số trường.

Theo Luật Giáo dục đại học (năm 2018) và Nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học quy định hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Với Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Tuấn cho biết, nhà trường thực hiện theo đúng Quy định 80-QĐ/TW năm 2022. Hội đồng trường đã rất trách nhiệm, cũng đã đề xuất bổ nhiệm vị trí hiệu trưởng tuy nhiên cũng cần tuân thủ theo các quy định hiện hành. Hiện tại, vị trí hiệu trưởng nhà trường đang thiếu quy định cứng về thời gian nên chưa thể bổ nhiệm theo quy định.

“Việc đòi hỏi cơ sở giáo dục đảm bảo kiện toàn đủ các vị trí chủ chốt trong ban giám hiệu và không được để trống các vị trí này quá lâu là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, hiện các quy định chưa đồng bộ và có sự ràng buộc lẫn nhau nên cũng khiến các đơn vị gặp phải khó khăn. Đây là thực trạng chung ở nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Những quy định về tiêu chuẩn có thể nhiều trường vẫn đáp ứng được nhưng nhiều trường gặp khó khăn về các quy định phần cứng, ví dụ phải có tiêu chuẩn về lý luận chính trị cao cấp, về thời gian… Tôi thấy rất nhiều trường bị vướng mắc ở tiêu chuẩn cứng này”, thầy Tuấn bày tỏ.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, quá trình để công nhận hiệu trưởng trường đại học của cơ quan quản lý trực tiếp cũng trải qua nhiều khâu. Nếu không được thông qua, trường đại học vẫn chịu cảnh khuyết vị trí này.

Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm thời điểm thầy chuẩn bị nghỉ lãnh đạo rơi vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác nhân sự của trường.

Điều 20, Luật 34/2018/QH14 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, quy định:

“Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học".

Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

- Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;

- Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;

- Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

- Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

- Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao”.

Lệ Thi