Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học tích hợp và đa phần các môn tích hợp đưa vào cấp trung học cơ sở, đó là: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nội dung giáo dục địa phương, Nghệ thuật…và năm học 2022-2023 đang được thực hiện giảng dạy ở lớp 6 và lớp 7.
Điểm qua những bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày qua, chúng ta thấy rất nhiều ý kiến của giáo viên, quản lý nhà trường lên tiếng than phiền về nội dung kiến thức các môn học tích hợp. Bởi lẽ, dù là môn học “tích hợp” nhưng chủ yếu là “gộp chung sách” vì các phân môn vẫn đang được trình bày riêng lẻ từng phần, từng chủ đề.
Trong khi, Bộ lại đang hướng tới việc 1 giáo viên sẽ đảm nhận cả môn học tích hợp - điều này được thể hiện rõ qua Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý).
Vì sao có tình trạng khi giảng dạy rồi, giáo viên lại than phiền kiến thức khó? Quá trình trước đó chương trình 2018 đã được thực nghiệm ra sao?
Chúng tôi xin phác thảo lại quá trình thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như so sánh việc thực nghiệm chương trình 2006 qua lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đồng thời là chủ biên nhiều đầu sách giáo khoa Ngữ văn và Tiếng Việt của chương trình 2006.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trong buổi họp báo ngày 27/12/2018 công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: moet.gov.vn) |
So sánh việc thực nghiệm Chương trình 2006 và Chương trình 2018 qua lời thầy Nguyễn Minh Thuyết
Ngày 10/11/2014, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên sách Tiếng Việt, Ngữ Văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình 2006 (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng) đã gửi đến Báo điện tử VnExpress bài viết: “Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa”.
Trong bài viết này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có ý kiến như sau: “Bộ sách giáo khoa hiện hành (chương trình 2006) được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó.
Theo tôi, có thể chọn một phương án khác là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành một cách cụ thể hơn, chúng ta giữ lại những bộ sách phù hợp, chỉ thay những quyển sách, những nội dung không phù hợp.
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước” [1] – đây là những chia sẻ tâm huyết, đầy trách nhiệm của thầy Thuyết khi chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thế nhưng, khi thầy Thuyết khi làm Tổng chủ biên chương trình 2018 thầy Thuyết đã giải thích với dư luận về việc thực nghiệm chương trình mới như thế này: “Chương trình hiện hành trước khi triển khai áp dụng đại trà có từ hai đến ba năm thí điểm, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà.
Theo cách làm này, phải thí điểm cả những nội dung không khó, không mới, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới. Nhằm khắc phục hạn chế này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình.[2]
Sau đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình 2018 thông tin, phạm vi thực nghiệm chương trình diễn ra tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh như sau: “Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực nghiệm trong khoảng thời gian một tháng, từ ngày 20/3 đến 20/4/2018, tại 6 tỉnh thành, gồm Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ. Các địa phương này đại diện cho 6 vùng kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước.
Mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và hai trường trung học phổ thông. Các trường này được lựa chọn trên nguyên tắc có cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Thời lượng bài dạy thực nghiệm các chương trình môn học ở cấp tiểu học là 147 tiết, cấp trung học cơ sở có 129 tiết, cấp trung học phổ thông có 96 tiết.
Tổng cộng có 372 tiết. Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông. Tổng số giáo viên tham gia là 1.482 người”. [3]
Theo chia sẻ của thầy Thuyết, nội dung bài dạy thực nghiệm có hai loại: Bài học là nội dung mới, không có trong chương trình hiện hành; Bài học là nội dung có trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới.
Giáo viên dạy chương trình mới than phiền, vì sao?
Từ những chia sẻ của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chúng ta thấy số tiết thực nghiệm chương trình mới ở cấp trung học cơ sở là 129 tiết với tổng số 602 giáo viên tham gia thực hiện các tiết thực nghiệm trong khoảng thời gian từ ngày 20/3 đến 20/4/2018 cho thấy đây là con số và thời gian rất khiêm tốn.
Nếu so sánh với việc thực nghiệm chương trình 2006 “dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh” thì con người và thời gian chênh nhau một trời một vực. Bởi, chương trình 2018 có tổng cộng có 372 tiết thực nghiệm và 1.482 giáo viên tham gia thực nghiệm.
Trong khi, dù chương trình 2006 được làm bài bản như vậy nhưng “khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế” thì chương trình 2018 giáo viên đang lên tiếng than phiền là điều dễ hiểu.
Bởi cả 3 cấp học chỉ được thực nghiệm tổng cộng có 372 tiết.
Trong khi, chỉ riêng cấp trung học cơ sở có 10 môn học bắt buộc nhưng trong 10 môn này có 3 môn tích hợp (Khoa học tự nhiên (3 phân môn); Lịch sử và Địa lý (2 phân môn); Nghệ thuật (2 phân môn). Cùng với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương. Đó là chưa kể các môn học tự chọn.
Và, theo biên chế, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở lớp 6 có 1015 tiết/ năm; lớp 7 có 1015 tiết/ năm; lớp 8 có 1032 tiết/ năm; lớp 9 có 1032 tiết/ năm.
Có lẽ, chính vì thực nghiệm ít tiết, thời gian thực nghiệm chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi chương trình 2018 có nhiều môn học tích hợp hoàn toàn mới. Giáo viên thì được đào tạo đơn môn, dạy đơn môn suốt nhiều năm, có thầy cô đã dạy mấy chục năm nên họ không thể nào “ôm” được các phân môn còn lại.
Một khi, thầy cô đứng trên bục giảng, giảng bài cho học trò mà kiến thức một số phân môn còn lơ mơ thì làm sao họ tự tin để giảng bài cho học trò? Nếu như thầy cô được học trò đặt câu hỏi khó về phân môn mà mình không được đào tạo thì sẽ ứng xử ra sao? Chẳng lẽ, lại phải khất học trò về tra lại kiến thức? Một lần có thể được, nhiều lần như vậy chắc chắn học sinh sẽ đặt ra câu hỏi cho thầy.
Những khó khăn khi dạy môn học tích hợp là có thật, giáo viên dạy sách giáo khoa của chương trình mới đối với những môn học tích hợp được các nhà xuất bản tập huấn 1 ngày online là có thật, phần lớn giáo viên dạy tích hợp chưa được cử đi bồi dưỡng kiến thức theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT cũng là có thật.
Vậy, họ sẽ lấy gì để tự tin đứng trên bục giảng, giảng dạy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở? Những khó khăn này rất cần tháo gỡ từ chính những người đã đưa ra chủ trương và xây dựng các môn học tích hợp ở chương trình 2018 đối với cấp trung học cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html
[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-Thuyet-tra-loi-ve-tuoi-tho-chuong-trinh-moi-sach-Cong-nghe-giao-duc-post179001.gd
[3]https://www.vietnamplus.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-lo-yeu-diem-chuong-trinh-giao-vien/500573.vnp