Nhiều GV ngậm ngùi học hàng loạt chứng chỉ, lương mới tăng thêm 0,01

06/05/2023 06:34
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã giảm, bỏ một số chứng chỉ nhưng trong thực tế nhiều giáo viên đã học và họ phải bỏ ra gần chục triệu đồng để học.

Những năm qua, câu chuyện giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông phải bỏ một số tiền lớn để học các loại chứng chỉ theo quy định đã được phản ánh khá nhiều, thậm chí có những thời điểm đã gây nên nỗi bức xúc trong đội ngũ nhà giáo.

Bởi lẽ, theo chùm Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông thì đa phần giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ theo các bậc được quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, giáo viên phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, hàng năm khi giáo viên xếp chuẩn nghề nghiệp Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT cũng yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học làm minh chứng cho các tiêu chí. Đặc biệt, khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đều yêu cầu giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng theo hạng.

Chính vì thế, kể từ năm 2015 cho đến nay, nhiều giáo viên phải đầu tư tiền bạc, thời gian để để học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhưng khi xếp lương theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, nhiều giáo viên chỉ tăng được hệ số 0,01; 0,02- tương đương với vài chục ngàn đồng/ tháng.

Có thời điểm, mỗi hạng giáo viên phải có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)Có thời điểm, mỗi hạng giáo viên phải có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Giáo viên đã phải học quá nhiều các chứng chỉ trong những năm qua

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-042021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã có nhiều thay đổi tích cực, giảm tải được nhiều chứng chỉ, đó là: mỗi cấp học giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trước đó, chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐ khi ban hành chính thức đã không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Thế nhưng, trước khi chùm Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐ và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ra đời thì các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; ngoại ngữ; tin học là yêu cầu bắt buộc đối với gần hết các hạng tương ứng của giáo viên.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được quy định cụ thể ở chùm Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Đó là tất cả giáo viên các hạng của giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông phải có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ thì giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Như vậy, chúng ta thấy rằng chứng chỉ tin học là bắt buộc đối với tất cả giáo viên ở các hạng khác nhau. Đối với chứng chỉ ngoại ngữ, cấp mầm non yêu cầu từ giáo viên hạng II phải có, các cấp tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông từ hạng III là bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo từng bậc cụ thể.

Chính vì vậy, trong những năm qua, giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đã tốn kém rất nhiều tiền cho chuyện học tập chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tin học; ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ và hy vọng khi bổ nhiệm, xếp lương mới sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, khi chùm Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐ và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ra đời thì chỉ có một số giáo viên đang hưởng lương bậc 4, 5 là được chuyển từ hệ số 3.33; 3.67 lên 4.0 là có lợi hơn cả.

Những giáo viên còn lại chỉ thay đổi chút ít khi vẫn ở hạng cũ; những giáo viên phải xuống hạng thấp hơn thì mức lương, hệ số vẫn giữ nguyên như những năm vừa qua.

Tốn hàng chục triệu đồng để học chứng chỉ nhưng xếp lương mới chỉ được nâng lên hệ số 0.01

Một giáo viên đang công tác tại một trường trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam chia sẻ với chúng tôi rằng trong những năm qua giáo viên đã phải học nhiều loại chứng chỉ để đáp ứng theo các yêu cầu mà ngành và nhà trường yêu cầu.

Bản thân nữ giáo viên này là giáo viên hạng II nên đã phải học chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngoài ra, còn học thêm chứng chỉ tin học cơ bản và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.

Vì thế, 3 loại chứng chỉ này mất gần chục triệu đồng nhằm hoàn thiện chứng chỉ theo yêu cầu. Thế nhưng, khi xếp lương theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chỉ được hưởng chênh lệch hệ số 0,01 so với hiện nay. Vì hiện tại cô đang là giáo viên hạng II cũ, hưởng lương bậc 6- hệ số 3.99. Khi được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1- hệ số 4.0.

Một số giáo viên trong trường đang hưởng lương bậc 7- hệ số 4.32 của hạng II cũ được chuyển sang lương bậc 2 của hạng II mới với hệ số 4.33 (chênh lệch 0.02); giáo viên đang hưởng lương bậc 8 của hạng II cũ, có hệ số 4.65 khi chuyển sang lương bậc 3 của hạng II mới sẽ có hệ số lương 4.68 (chênh lệch 0.03).

Như vậy, hạng, lương mới của giáo viên theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chỉ có những thầy cô đang hưởng hệ số lương 3.33; 3.67 được chuyển sang hạng II mới với hệ số 4.0 có lợi thế vì được hưởng chênh lệch 1-2 bậc lương (tương đương hệ số 0.33-0.67).

Còn lại, những thầy cô đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hạng theo hạng cũ mỗi tháng chênh lệch vài chục ngàn đồng, những giáo viên đang ở hệ số lương 3.99 nay được lên 4.0 (chỉ tương đương vài chục ngàn đồng).

Nhìn lại những năm qua, chúng ta thấy có quá nhiều bất cập về chuyện học chứng chỉ của giáo viên. Nhiều giáo viên đã học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản thì nay không còn là yêu cầu bắt buộc.

Một bộ phận giáo viên học hơn 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng trước đây thì nay Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chỉ yêu cầu 1 chứng chỉ cho các hạng giáo viên.

Vì thế, mặc dù Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã giảm, đã bỏ một số chứng chỉ nhưng trong thực tế nhiều giáo viên đã học và họ phải bỏ ra gần chục triệu đồng để hoàn thiện các chứng chỉ, nay mức lương chênh lệch mỗi tháng chỉ vài chục ngàn đồng so với trước đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI