Nhiều địa phương huy động mọi cách để khắc phục thiếu nước của trường vùng cao

03/12/2022 06:53
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mặc dù nằm ở vùng có vị trí không thuận lợi, các trường học vùng cao vẫn đang nỗ lực hết mình từng ngày để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các em học sinh.

Tình trạng thiếu nước đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhất là vào thời điểm hanh khô cực điểm kéo dài từ nay đến tháng 4, đặc biệt ảnh hưởng đến việc môi trường học tập cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những năm qua, ngành giáo dục tại các địa phương vùng cao, vùng sâu, xa, các trường học vẫn không ngừng đưa ra các biện pháp, phương án để tích cực đảm bảo đủ nước sử dụng cho các em học sinh và thầy cô nhà trường.

Điều này đã chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng của giáo dục nước nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình nước sinh hoạt hiện tại, cô Quàng Thị Niên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết:

"Trong năm học trước, trường chỉ vận động xã hội hóa được 10 triệu đồng nên chỉ mở được một đường ống dẫn nước, do đó vẫn chưa đáp ứng đủ được nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, đến năm nay, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường đã vận động được thêm kinh phí mở thêm đường ống nước thứ hai nên không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra".

Cảnh quan bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pu Nhi (Điện Biên) (Nguồn: Website nhà trường).

Cảnh quan bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pu Nhi (Điện Biên) (Nguồn: Website nhà trường).

Theo cô Niên, do Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pu Nhi nằm ở vị trí quá cao, các tổ chức từ thiện đã hai lần thử đào giếng khoan để bơm nhưng không có nước, do vậy trường đã phải sử dụng ống để kéo nguồn nước sạch của xã về sử dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng nước dẫn từ ống sẽ không được chủ động như khi sử dụng giếng khoan, đặc biệt là nếu vào mùa khô trong thời điểm sau Tết thì sẽ khó khăn. Còn nếu thời tiết mưa thuận gió hòa thì sẽ không lo lắng với sử dụng cách dẫn nước như vậy.

Cũng theo cô Niên, để tiết kiệm chi phí, trường chỉ vận động tiền mua ống dẫn nước (không cần phải dùng loại ống quá đắt tiền), còn đâu là huy động công sức của phụ huynh, học sinh từ các lớp tự đào đường chứa ống dẫn nước để không bị gánh nặng về kinh phí.

Như năm ngoái, phụ huynh học sinh đã đào được đường nước, thì năm nay, các thầy cô giáo và học sinh cứ men theo đường đó để lắp thêm ống nước nên cũng không gặp vấn đề khó khăn gì.

Bên cạnh đó, về mặt nước sử dụng để uống của trường cũng đã được đảm bảo qua đơn vị cung cấp nước bình đã được lọc qua ba tầng, chi phí đóng tiền nước uống của địa phương cũng rất rẻ, mỗi học sinh chỉ cần đóng khoảng 3000 - 5.000 đồng/tháng là đã có đủ nước uống sử dụng.

Do đó, theo cô Niên, với những trường đang gặp vấn đề khó khăn trong việc thiếu nguồn nước sinh hoạt, nước uống hay nguồn nước chưa được đảm bảo vệ sinh thì hãy cố gắng khắc phục bằng cách vận động xã hội hóa từ các nhà từ thiện hoặc từ chính công sức phụ huynh học sinh.

Bởi nếu đợi để được đầu tư thì sẽ cần một khoảng thời gian rất lâu để khắc phục nên những việc có thể tự giải quyết được bằng công sức, bằng ít chi phí, các trường nên cố gắng làm sớm như việc nguồn nước chưa đảm bảo để không ảnh hưởng đến công tác học tập, hoạt động của các em học sinh.

Cũng chia sẻ về tình hình nước sinh hoạt hiện tại của các trường học trên địa bàn, ông Phan Văn Tấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông cho biết:

"Hiện huyện Đắk R’Lấp đã khắc phục được tình trạng thiếu nước từ cách đây 5 năm, do đó, hiện các trường trên địa bàn không bị gặp khó khăn trong nước sinh hoạt, nước sử dụng. Nước trong sinh hoạt chủ yếu để các thầy cô giáo và các em học sinh sử dụng rửa tay, chân; nước uống thì sử dụng nước đóng chai nên cơ bản đã đảm bảo được vệ sinh”.

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đăk R'Lấp (Đăk Nông) hưởng ứng ngày đọc sách lần thứ tư (Nguồn: Website nhà trường).

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đăk R'Lấp (Đăk Nông) hưởng ứng ngày đọc sách lần thứ tư (Nguồn: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, theo ông Tấn, hàng năm huyện đều tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả các nguồn nước sinh hoạt tại các điểm trường, nếu trường nào có gặp vấn đề khó khăn, ngành giáo dục của huyện sẽ nhanh chóng, khẩn trương đưa ra biện pháp để khắc phục và xử lý kịp thời.

Cũng theo ông Tấn, các trường gặp khó khăn nên cố gắng huy động nguồn kinh phí tài trợ để khoan giếng bơm nước, chứa nước trong trường từ ngành giáo dục cũng như từ các tổ chức xã hội để khắc phục tình trạng thiếu nước, giúp các em học sinh được an tâm học tập, thầy cô được yên tâm công tác.

Mặc dù Đăk R’Lấp là một huyện có địa hình cao của tỉnh Đăk Nông với chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt tương đối nhiều, tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành giáo huyện Đăk R’lấp đã thực sự ổn định và thay đổi khá mạnh, khắc phục được các khó khăn để đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực, trong đó có nước sinh hoạt của các trường học.

Trà My