Ngày 6/5, tại cơ sở 2 Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đã diễn ra hội thảo với chủ đề “ Đào tạo văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19” do Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tham dự hội thảo có Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ- Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó giáo sư Đào Đăng Phượng- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật; Đại tá Trần Xuân Thanh- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội; Thạc sĩ Dương Minh Ánh- Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội thảo còn thu hút nhiều lãnh đạo và đại diện đến từ các đơn vị đào tạo có liên quan trong lĩnh vực nghệ thuật cả nước tham dự.
Phó giáo sư Đào Đăng Phượng- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật phát biểu tại hội thảo diễn ra ngày 6/5 (ảnh: Lê Phương) |
Phát biểu khai mạc, Phó giáo sư Đào Đăng Phượng- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật cho biết, tác động của dịch Covid-19 không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới gây những thiệt hại về kinh tế, văn hoá rất lớn. Ngành giáo dục mà đặc biệt là giáo dục nghệ thuật không tránh khỏi những tác động này. Giáo dục nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo tuy nhiên hiện tại các hoạt động đã dần trở lại. Tất nhiên hoạt động như thế nào để thích ứng sau hậu Covid-19 và hội nhập quốc tế là vấn đề cần phải bàn đến để có giải pháp phù hợp.
“Vấn đề nóng hiện nay trong giáo dục là thiếu giáo viên nghệ thuật ở các trường, các địa phương. Nhất là khi năm học tới triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 nên vấn đề giáo viên nghệ thuật phải giải quyết như thế nào là một bài toán đang được quan tâm”, Phó giáo sư Đào Đăng Phượng nhấn mạnh.
Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng các trường đào tạo nghệ thuật đã có những giải pháp thích ứng và hoàn thành kế hoạch giảng dạy các bộ môn nghệ thuật. Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng trong thời gian tới cũng cần bàn đến nhất là khi hội nhập quốc tế.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật cũng cho biết ban tổ chức hội thảo nhận được rất nhiều bài tham luận của các cơ sở đào tạo, các nhà nghiên cứu chứng tỏ đào tạo nghệ thuật sau dịch Covid -19 là vấn đề thiết thực cần có giải pháp. Đồng thời, các ý kiến thảo luận tại hội thảo hôm nay chính là tìm ra giải pháp tốt nhất để giáo dục nghệ thuật làm sao tốt nhất, hoà nhập quốc tế và thích ứng được với bối cảnh sau dịch bệnh.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (áo trắng)- Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại hội thảo (ảnh: Lê Phương) |
Cũng tại hội thảo, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ- Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng đại dịch covid-19 đã gây những khó khăn cho giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng.
Việc tổ chức hội thảo này là một sự cố gắng lớn của Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật và của Cơ sở 2 trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Chủ đề hội thảo rất quan trọng, bên cạnh đó tìm giải pháp nâng tầm đào tạo của khối nghệ thuật thì nâng cao chất lượng đào tạo sau đại dịch rất đáng quan tâm. Những ý kiến, góp ý sẽ được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tập hợp để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tìm giải pháp.
Nhiều đề xuất tháo gỡ để đào tạo nghệ thuật phục hồi sau đại dịch
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lưu An - Giám đốc chương trình âm nhạc, trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, dù mới thành lập 2 năm nhưng chương trình đào tạo ngành âm nhạc của nhà trường đang góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
“Bên cạnh các tín chỉ dạy kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành thì sinh viên được học rất nhiều kỹ năng mềm để phục vụ cho việc học tập. Chương trình âm nhạc của trường cũng thường xuyên được đối sánh với các chương trình của các học viện nghệ thuật, các trường đại học đào tạo khối giáo viên nghệ thuật”, Tiến sĩ Lưu An chia sẻ.
Hội thảo chủ đề “ Đào tạo văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19” thu hút nhiều đại biểu tham dự (ảnh: Lê Phương) |
Theo bà An, để đáp ứng yêu cầu nhân lực của xã hội, trường có quan điểm đào tạo để sinh viên thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đảm bảo hình thành những năng lực cần thiết của ngành mình đang học. Đồng thời, giúp sinh viên trao dồi thêm các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, biểu diễn và đặc biệt trang bị khả năng ngoại ngữ tốt.
Trong khi đó, Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc- Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trong tham luận của mình đã chỉ ra những khó khăn thách thức của việc đào tạo văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh khó khăn bên ngoài thì Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc cũng chỉ ra 8 khó khăn, thách thức ngay chính nội tại như: hạn chế về tư duy quản lý giáo dục, đào tạo văn hoá nghệ thuật, việc đầu tư chưa tương xứng; có xu hướng xa rời văn hoá nghệ thuật truyền thống; giáo dục đào tạo còn tách rời với thực hành biểu diễn…
Cũng từ đó Tiến sĩ Xuân Bắc gợi mở một số giải pháp như phải đổi mới tư duy về quản lý, chỉ đạo kiến tạo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn chiến lược. Đồng thời nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng của cán bộ, giảng viên và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm ưu tiên các đặc sản văn hoá nghệ thuật địa phương, truyền thống dân tộc; đẩy mạnh số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo nghệ thuật…
Còn theo Tiến sĩ Đặng Long Can - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vấn đề nổi bật hiện nay là áp dụng đào tạo trực tuyến tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
“Từ trước chưa áp dụng hình thức đào tạo này do đặc thù ngành, nhưng do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm nên lần đầu tiên trong lịch sử trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo bằng hình thức online. Tuy vậy, sau công tác hậu kiểm, đánh giá cho thấy kết quả rất khả quan do đó việc áp dụng hình thức trực tuyến trong đào tạo nghệ thuật hoàn toàn khả thi”, tiến sĩ Long Can phát biểu .
Kết nạp thêm 5 thành viên mới vào Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật
Ngay sau chương trình hội thảo, Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố quyết định kết nạp 5 thành viên mới gồm: trường Đại học An Giang; trường Đại học Khánh Hoà; trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Đồng Tháp.
Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao quyết định kết nạp các thành viên mới (ảnh: Lê Phương) |
Dịp này, Phó giáo sư Đào Đăng Phượng- Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã trao cờ cho trường Đại học Thủ Dầu Một để đăng cai tổ chức hội thảo tiếp theo của Câu lạc bộ.
Được biết, vào tháng 10/2019 Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chính thức được thành lập với 25 thành viên là các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên các bộ môn nghệ thuật, kể cả các trường quân đội. Câu lạc bộ này hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ khối trường trực thuộc Hiệp hội.