Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau gỡ khó cho tuyển sinh ngành Đóng tàu

16/04/2022 07:20
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khi nhu cầu nguồn nhân lực ngành Đóng tàu của các doanh nghiệp không ngừng tăng, việc tuyển sinh chuyên ngành này lại vấp phải không ít khó khăn.

Tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Cơ khí Đóng tàu Trường Đại học Hàng hải Việt nam (15/8/1962 – 15/8/2022) cũng như nâng cao hình ảnh ngành và thu hút nguồn tuyển sinh ngành đóng tàu, sáng 15/4, Khoa Đóng tàu – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Đóng tàu – Thực trạng và Giải pháp”.

Tiền thân của Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là Tổ Tàu thủy thuộc Khoa Cơ Khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải, được thành lập năm 1962.

Ngày truyền thống của Khoa Đóng tàu được lấy là ngày khóa sinh viên đầu tiên của chuyên ngành Vỏ tàu và Máy tàu nhập trường (Khóa 3 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) là ngày 15/8/1962.

Trải qua 60 năm thành lập và phát triển, Khoa Đóng tàu đã đào tạo ra nhiều thế hệ giảng viên, chuyên gia, kỹ sư phục vụ cho công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước sau hòa bình.

Hiện nay, Khoa Đóng tàu có 23 giảng viên và chuyên viên bao gồm 2 Phó Giáo sư, 6 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ, 3 Kỹ sư được biên chế vào 3 bộ môn: Bộ môn Lý thuyết thiết kế tàu thủy, Bộ môn Kết cấu tàu và công trình nổi, Bộ môn Tự động hóa thiết kế tàu thủy.

Khoa Đóng tàu đang quản lý 2 chuyên ngành đại học chính quy, cấp bằng kỹ sư với thời gian đào tạo là 4,5 năm, gồm: Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi; Đóng tàu và công trình ngoài khơi.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó giáo sư Trần Ngọc Tú – Phó trưởng Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành Đóng tàu tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam liên tục sụt giảm cả về số lượng cũng như chất lượng đầu vào.

Nếu như năm 2008 khi ngành Đóng tàu vẫn đang nóng, số lượng tuyển sinh đầu vào cho hai chuyên ngành đào tạo của Khoa là 6 lớp với 395 sinh viên với điểm đầu vào cao nhất Trường (20 điểm) thì đến năm 2019, tổng số lượng sinh viên vào học Khoa Đóng tàu chỉ là 13 sinh viên trên tổng số 90 chỉ tiêu (đạt 14.4% so với chỉ tiêu), giảm 97% so với năm 2008.

Mặc dù điểm trúng tuyển vào 2 chuyên ngành của Khoa bằng với điểm sàn của Bộ là 14 điểm đầu vào thấp hơn điểm đầu vào chuyên ngành cao nhất trường đến 11,25 điểm.

Hai năm gần đây, kết quả tuyển sinh có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, năm 2020 là 33 sinh viên và năm 2021 là 52 sinh viên, tuy nhiên điểm đầu vào vẫn không được cải thiện.

Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ngành Đóng tàu doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng như trên cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài tăng theo từng năm.

Cụ thể, trong năm 2020, tính riêng thống kê số liệu tuyển dụng theo đường công văn về Khoa Đóng tàu – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là 47 kỹ sư Đóng tàu từ các công có trụ sở miền Bắc.

Nhu cầu về tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm 2021 tiếp tục tốt hơn so với năm 2020, trong đó khối các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy có sự gia tăng rõ nhất.

Thống kê cả các nguồn tuyển không qua công văn, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu trong các năm gần đây đạt mức trung bình khoảng 100 Kỹ sư/năm.

Phó giáo sư Trần Ngọc Tú - Phó trưởng Khoa Đóng tàu - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Phó giáo sư Trần Ngọc Tú - Phó trưởng Khoa Đóng tàu - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Trong đầu năm 2022, Khoa tiếp tục ghi nhận các công ty đối tác nước ngoài gia tăng tuyển dụng nhân sự ngành đóng tàu so với năm 2021 nhằm phục vụ cho nhiệm vụ thiết kế, thiết kế công nghệ.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục có sự phát triển, cơ hội việc làm cho sinh viên của Khoa Đóng tàu là rất tốt.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp tham gia đã đóng góp nhiều ý kiến về nguyên nhân và giải pháp của tình trạng nguồn nhân lực ngành Đóng tàu “cung không đủ cầu”.

Trong đó, nguyên nhân của sự khó khăn này xuất phát từ một số lý do như: do sự thay đổi của xu hướng của xã hội, phụ huynh học sinh và học sinh đang hướng đến học các ngành kinh tế, các ngành công nghệ; Khó khăn của ngành Đóng tàu trong giai đoạn vừa qua; Khâu quảng và các thông tin chưa tốt;…

PHẠM LINH