Người dân hiến kế quản khách du lịch Trung Quốc

15/07/2016 10:04
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Trước tình trạng nhiều du khách Trung Quốc nghênh ngang, quấy rối…trên đất Việt, một số người dân đã hiến kế mong lập lại trật tự môi trường du lịch.

Vừa qua, tình trạng khách du lịch Trung Quốc qua Việt Nam du lịch có thái độ nghênh ngang, coi thường người dân sở tại.

Đặc biệt, tình trạng các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động trái phép ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phản ánh), gây bức xúc dư luận.

Mới đây, một người dân ở Đà Nẵng đã bày tỏ quan điểm với mong muốn các ngành chức năng “quản” khách Trung Quốc tốt hơn, lập lại trật tự môi trường du lịch.

Theo ý kiến phản ánh của người dân cho chính quyền Đà Nẵng, thì tại các sân bay, bến cảng, chợ hoặc những nơi khách Trung Quốc hay lui tới chúng ta nên làm các pano lớn (giống các bảng quảng cáo ngoài trời) ghi bằng 3 thứ tiếng Anh, Trung, Việt.

Các pano lớn này với nội dung đề xuất như sau: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ví dụ các bảng quảng cáo ở đường Bạch Đằng Đông, Sân bay, Chợ Cồn, Chợ Hàn, Siêu thị....giảm bớt các quảng cáo của doanh nghiệp.

Khách du lịch Trung Quốc tham quan bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Tuấn
Khách du lịch Trung Quốc tham quan bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Tuấn

“Đặc biệt, các đơn vị lữ hành phải nói cho khách Trung Quốc biết là khi thanh toán hoặc giao dịch mua bán chỉ bằng tiền Việt Nam đồng không dùng tiền Nhân dân tệ.

Do đó họ bắt buộc phải đổi tiền Việt Nam, ngành du lịch nên bố trí nhiều quầy đổi tiền”, người dân hiến kế.

Ngoài ra, nên chọn một số nhà hàng chỉ dành cho người Trung Quốc để dễ quản lý.

Điều này ngành du lịch nên bắt buộc các công ty lữ hành và lái xe chỉ đưa khách Trung Quốc đến các nhà hàng theo quy định.

Đặc biệt, phạt thật nặng những đơn vị , cá nhân vi phạm.

“Tôi thường xuyên xem ti vi và mục dự báo thời tiết của VTV, DRT (Đài truyền hình Đà Nẵng), đề nghị nên nói thêm hoặc chạy chữ phía dưới thì nên dọc và ghi rõ: Khu vực Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, khu vực Trường sa thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt nam để mọi dân khi xem tivi đều nắm rõ”, người dân kiến nghị.

Trả lời về ý kiến của người dân về vấn đề này, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết rất trân trọng ý kiến đóng góp của người dân.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, theo quy định, khách du lịch quốc tế phải đổi ngoại tệ để sử dụng tại Việt Nam, do đó việc thanh toán hoặc giao dịch mua bán chỉ được phép sử dụng tiền Việt Nam đồng.

“Vấn đề này, Sở Du lịch sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hướng dẫn khách thực hiện đúng quy định pháp luật”, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Đối với dịch vụ đổi ngoại tệ sẽ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước. Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tham mưu văn bản trình UBND thành phố kiến nghị đến hệ thống Ngân hàng nghiên cứu xem xét.

Khách du lịch Trung Quốc dùng Nhân dân tệ thanh toán khi mua chuối của người bán hàng rong trên vỉa hè Đà Nẵng. Người bán chuối không chấp nhận việc thanh toán bằng Nhân dân tệ và yêu cầu thanh toán bằng tiền Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Khoái
Khách du lịch Trung Quốc dùng Nhân dân tệ thanh toán khi mua chuối của người bán hàng rong trên vỉa hè Đà Nẵng. Người bán chuối không chấp nhận việc thanh toán bằng Nhân dân tệ và yêu cầu thanh toán bằng tiền Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Khoái

Về ý tưởng “Quy hoạch mạng lưới nhà hàng phục vụ khách Trung Quốc”, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Trong những năm gần đây, lượng khách thị trường Trung Quốc đầu trong top 10 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng, đã góp phần lớn tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Đối với từng thị trường khách sẽ có đặc tính riêng. Việc phân loại dịch vụ như nhà hàng, khách sạn hay dịch vụ công cộng để phục vụ cho riêng một thị trường khách là một gợi ý hay.

“Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của Việt Nam nói chung và cả Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ riêng biệt như vậy.

Nhằm yêu cầu du khách ứng xử văn hóa văn minh tại điểm đến, Sở Du lịch cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử du lịch.

Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến du khách để thực hiện tốt nội dung tại Bộ Quy tắc này”, một đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Sở Du lịch Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, việc không cho người Việt và các du khách khác ăn chung với khách Trung Quốc là không công bằng và dễ gây ra hiện tượng bài xích (không đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố).

Riêng vấn đề cho chạy các thông tin về Hoàng Sa trên chương trình dự báo thời tiết của VTV8, DRT thì Sở Du lịch cũng đã triển khai có văn bản gửi đến doanh nghiệp du lịch để sử dụng chuẩn cụm từ khi quảng bá giới thiệu trong các loại ấn phẩm, website cho du khách trong và ngoài nước tham gia chương trình du lịch.

Điều này không những cung cấp thông tin chính xác về vùng bờ biển của thành phố Đà Nẵng, mà còn thể hiện đến chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.

HOÀNG TUẤN