Ngoại ngữ rất cần nhưng làm sao để cải thiện năng lực tiếng Anh cho HS, SV?

25/10/2024 06:38
Lệ Nguyễn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Để việc phổ cập mang lại kết quả thiết thực, cần có sự thay đổi căn bản trong phương thức kiểm tra, đánh giá, đặc biệt ở các cấp học phổ thông.

Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học và làm sao để có thể phổ cập được tiếng Anh là vấn đề đang được quan tâm bàn thảo.

Mở ra cơ hội khi nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ ngày càng lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh cho rằng, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế, không chỉ trong giao tiếp mà còn dùng trong các lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh hay công nghệ. Việc phổ cập tiếng Anh vừa mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và việc làm, vừa giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

“Với sự hỗ trợ của tiếng Anh, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế trở nên khả thi hơn. Đồng thời, phổ cập ngoại ngữ sẽ giúp người dân tiếp cận với những cơ hội học tập, việc làm tốt hơn, từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, đây còn là công cụ quan trọng để Việt Nam tham gia sâu rộng vào các diễn đàn khu vực và thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh nhìn nhận.

Riêng đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện còn nhiều hạn chế, cô Kim Anh cho rằng, việc có nền tảng tiếng Anh vững chắc sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và cơ hội việc làm cho các em. Giỏi ngoại ngữ có thể là “cầu nối” giúp học sinh vùng khó vượt qua những khó khăn về vị trí địa lý hay kinh tế. Từ đó, “cánh cửa” cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ mở ra, các em dễ dàng phát triển bản thân và nghề nghiệp hơn, điều mà trước đây có thể bị hạn chế do rào cản ngôn ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.

Nhấn mạnh tầm trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, không chỉ đối với học sinh, sinh viên, mà đối với tất cả người lao động, việc thành thạo tiếng Anh sẽ rất có lợi để mở rộng cơ hội việc làm và phát triển chuyên môn.

“Tại Việt Nam, nhiều công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, đều yêu cầu nhân viên có trình độ tiếng Anh cao. Vì vậy, sở hữu năng lực ngoại ngữ tốt, sẽ tạo lợi thế rất lớn cho lực lượng lao động trẻ”, thầy Tài cho biết.

Đồng thời, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Tài cũng nêu quan điểm rằng, nếu đào tạo một nền tảng ngoại ngữ vững chắc cho học sinh vùng khó, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội học tập trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhờ đó, các em có thể tiếp cận các chương trình học bổng du học, các khóa học trực tuyến hay tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, nâng cao kiến thức chuyên môn để từng bước thoát nghèo.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Dung - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng: "Hiện nay, có rất nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và ngày càng mở rộng đến các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn; do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ là rất lớn.

Việc học sinh, sinh viên có nền tảng tiếng Anh là lợi thế không hề nhỏ trong việc phát triển tương lai sau khi tốt nghiệp. Các công ty có yếu tố nước ngoài cần nhân sự có ngoại ngữ ở nhiều vị trí và trình độ khác nhau. Do đó, nếu sở hữu vốn tiếng Anh tốt, sẽ không cần lo lắng không tìm được việc sau này".

Áp lực đặt lên việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh

Mặc dù, trình độ ngoại ngữ tốt có thể mang lại nhiều cơ hội hơn cho tương lai, song, để phổ cập tiếng Anh toàn dân, vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, nhất là trong công tác đào tạo giáo viên ngoại ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh cho biết: “Đội ngũ giáo viên trẻ đóng vai trò là “cầu nối” giữa các thế hệ, giúp thúc đẩy phong trào học tiếng Anh như một phần thiết yếu trong xã hội hiện đại. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngữ tại Trường Đại học Vinh được xây dựng theo chuẩn quốc tế, chú trọng phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ, đồng thời, hình thành năng lực giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên sư phạm.

Nhà trường có chương trình đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh. Ngoài ra, đối với các ngành nghề khác, tiếng Anh được xem là công cụ cần thiết để sinh viên tiếp cận với các tài liệu học thuật quốc tế, phát triển tư duy và mở rộng cơ hội nghề nghiệp”.

Bên cạnh đó, nữ Trưởng khoa cũng chỉ ra một số khó khăn trong công tác dạy và học tiếng Anh tại Trường Đại học Vinh: "Đầu tiên, năng lực đầu vào của sinh viên còn hạn chế; một số em đến từ các vùng nông thôn, miền núi có đầu vào thấp, dẫn đến quá trình học tập gặp khó khăn. Điều này đặt áp lực lớn lên giảng viên khi phải cân bằng giữa việc đảm bảo chất lượng giảng dạy và hỗ trợ sinh viên yếu kém.

Thêm vào đó, mặc dù sinh viên được học tiếng Anh trong nhà trường, nhưng môi trường sử dụng thực tế bên ngoài vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với những sinh viên không thuộc Khoa Sư phạm Ngoại ngữ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển kỹ năng giao tiếp thực tiễn".

Đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh. Theo Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Dung, khó khăn lớn nhất trong việc giảng dạy chính là việc sinh viên nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa. Việc chưa nắm rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ đã tác động rất lớn đến động lực học của sinh viên cũng như ý thức đầu tư thời gian, công sức cho việc học tiếng Anh. Ngoài ra, sĩ số lớp đông, trình độ tiếng Anh không đồng đều, cơ sở vật chất chưa đồng bộ cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

ad-4nxcilbqrjpvn6qa8hrashitumyear4ne5cy-u4trn-ewzxro-zfj4om5w52uyg8uck1ygb6km93kiny0bugkcktrqsywo316zz2rx0qaxwfr0dc4g5l-e161k-hpv-i8qkaq6a5acffwxmdmh-6keng2rzk-6615.jpg
Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Dung - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Dung, để khắc phục hạn chế, tăng cường chất lượng sinh viên, Trường Đại học Hùng Vương hiện đang đẩy mạnh đào tạo 2 ngành tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngữ gồm ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh: “Sinh viên các ngành khác trong toàn trường đều có 4 học phần ngoại ngữ và tùy theo đặc thù của mỗi ngành, có thể có thêm các học phần tiếng Anh chuyên ngành.

Sinh viên chuyên ngữ được đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp khác nhau như giảng dạy, biên phiên dịch, du lịch, hành chính văn phòng. Sinh viên các ngành khác đào tạo tiếng Anh theo hướng giao tiếp và ứng dụng theo chuyên ngành chính. Tất cả sinh viên đều phải đáp ứng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ trước khi tốt nghiệp”.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến việc phổ cập tiếng Anh toàn dân gặp khó khăn. Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Tài chỉ ra thêm 3 lý do chính: "Thứ nhất, một số người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, người lao động phổ thông có thể ngại học tiếng Anh vì sợ khó hoặc không thấy được lợi ích của việc có vốn ngoại ngữ tốt.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục có thể không đáp ứng đủ nguồn lực cần thiết, chẳng hạn như sách giáo khoa, nguồn học liệu và công nghệ hiện đại để hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh một cách hiệu quả trong thời đại công nghệ số 4.0.

Thứ ba, học sinh ở khu vực nông thôn gặp nhiều bất lợi vì khả năng tiếp cận với các nguồn tài liệu, học liệu tiếng Anh ngoài giờ học chính khóa vẫn còn hạn chế...".

Tăng cường năng lực tiếng Anh cho tất cả sinh viên các ngành sư phạm, giáo viên các cấp

Để đẩy mạnh phổ cập tiếng Anh toàn dân, thầy Huỳnh Ngọc Tài đề xuất, cần xây dựng lộ trình dài hạn đi kèm phương thức tiếp cận khoa học, phù hợp, dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, cũng như thực tiễn tình hình dạy - học tiếng Anh tại Việt Nam.

Thầy Tài cũng cho rằng, để việc phổ cập mang lại kết quả thiết thực, cần có sự thay đổi căn bản trong phương thức kiểm tra, đánh giá, đặc biệt ở các cấp học phổ thông: “Hiện nay, hình thức kiểm tra, đánh giá vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa đánh giá đầy đủ năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh trong giao tiếp thực tế. Việc điều chỉnh phương thức kiểm tra là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Nhà trường có thể cung cấp các tài liệu học tập bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, điều này giúp học sinh tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, để phát triển khả năng đọc hiểu đa ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trường học nên tổ chức các hoạt động học tập khuyến khích sử dụng nhiều ngôn ngữ, chẳng hạn, thảo luận nhóm, thuyết trình hay viết sáng tạo (creative writing)”.

Cũng theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Tài, việc tập trung vào đánh giá năng lực giao tiếp thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và hiệu quả. Trước hết, những thay đổi theo hướng này sẽ góp phần khuyến khích học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng tiếng Anh, không chỉ tập trung vào ngữ pháp hay từ vựng.

Hơn nữa, điều này giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp trong học tập, công việc và cuộc sống. Nhà trường cũng cần khuyến khích cả thầy và trò sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt; tổ chức các hoạt động học tập đa ngôn ngữ, hay tạo cơ hội để học sinh giao tiếp tiếng Anh một cách sáng tạo.

Thầy Huỳnh Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: NVCC.
Thầy Huỳnh Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong công tác phổ cập tiếng Anh toàn dân, cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố như cơ chế chính sách, nguồn lực đến phương pháp giáo dục phù hợp.

Theo đó, cô Kim Anh đưa ra 4 đề xuất cụ thể: "Đầu tiên, cần tăng cường nhận thức, tăng động lực học ngoại ngữ, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội hay các hoạt động tại trường học. Đồng thời, nên tổ chức các câu lạc bộ, cuộc thi hoặc các hoạt động ngoại khóa sử dụng tiếng Anh, từ đó, khuyến khích học sinh thực hành, sử dụng ngôn ngữ thứ 2 trong giao tiếp hàng ngày.

Thứ hai, chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Cần có các chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút và giữ chân giáo viên có trình độ cao đến làm việc tại những khu vực khó khăn. Điều này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính, hỗ trợ điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến.

Thứ ba, xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến miễn phí hoặc giá cả hợp lý, kết nối học sinh trên toàn quốc với giáo viên cùng các bài giảng chất lượng cao. Các nền tảng này có thể cung cấp khóa tự học hoặc tương tác qua mạng, bổ sung cho việc học trên lớp.

Thứ tư, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục để cung cấp tài nguyên, đào tạo giáo viên và hỗ trợ học sinh. Các tổ chức này có thể giúp đỡ về mặt tài chính, nguồn tài liệu hoặc chương trình học bổng cho những vùng khó khăn".

Cùng nêu ý kiến nhằm cải thiện công tác dạy và học tiếng Anh, tiến tới phổ cập toàn dân, Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Dung đề xuất tăng cường năng lực tiếng Anh cho tất cả sinh viên các ngành sư phạm, giáo viên các cấp từ mầm non đến đại học.

"Phải từng bước xây dựng lộ trình, tạo môi trường sử dụng hoàn toàn ngoại ngữ bắt đầu từ trong trường học, tiến tới trong công sở và toàn xã hội. Nên đảm bảo sĩ số học sinh trong mỗi lớp học ngoại ngữ từ 20-30 em; học sinh được phân chia lớp theo năng lực, trình độ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng việc dạy và học", cô Dung nhấn mạnh.

Lệ Nguyễn