Nghe cô giáo Hoà kể chuyện cái “duyên” đến với nghề nhân viên y tế trường học

16/03/2023 06:47
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Mang trên mình trách nhiệm của một nhân viên y tế, tôi vẫn nhắc nhở bản thân, được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ là một điều may mắn” cô Hoà nói.

Như chúng ta đã biết, ở trường học không chỉ có những giáo viên, học sinh nỗ lực mà còn có những nhân viên luôn thầm lặng cống hiến. Họ không có được những danh hiệu cao quý mà sự nỗ lực, kiên trì ấy hoàn toàn vì tâm huyết, vì tình yêu với trường học.

Gặp gỡ cô Phạm Thị Hoà – nhân viên y tế Trường Mầm non Bắc Sơn (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), tôi có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ, những kỷ niệm đáng nhớ mà cô đã “gom góp” được trong hành trình hơn 12 năm gắn bó với trường học.

Trò chuyện phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoà kể lại cái “duyên” với trường học bắt đầu từ năm 2011, sau khi tốt nghiệp điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh (năm 2007) và học nghiệp vụ tại Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tháng 10 năm 2011.

Do hoàn cảnh gia đình, cô Hoà quyết định ứng tuyển và chính thức trở thành nhân viên y tế của Trường Mầm non Bắc Sơn vào năm 2011 và công tác cho đến hiện tại.

Lúc bấy giờ, cô Hoà rất tiếc nuối khi học điều dưỡng mà lại không được công tác trực tiếp trong các cơ sở y tế nhưng rồi cô lại tự nhủ: “Dù dưới cương vị nào mình vẫn sẽ hoàn toàn thành tốt chức trách của một thầy thuốc!”.

Bắt đầu hành trình nhờ cái "duyên", cô Hoà luôn nỗ lực để có thể mang đến sự chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho trẻ, toàn tâm với vai trò một nhân viên y tế trường học (Ảnh: NVCC)

Bắt đầu hành trình nhờ cái "duyên", cô Hoà luôn nỗ lực để có thể mang đến sự chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho trẻ, toàn tâm với vai trò một nhân viên y tế trường học (Ảnh: NVCC)

Cứ nỗ lực cống hiến, miệt mài qua hơn 12 năm, khi nhắc đến "cô Hoà y tế", đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh đều bày tỏ sự tín nhiệm bởi cô luôn là một nhân viên y tế tận tụy, tâm huyết để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình, cô Hoà nhớ lại, thời điểm mới đi làm, Trường Mầm non Bắc Sơn lúc đó có 3-4 điểm trường lẻ. Bởi vậy, mỗi khi đến kỳ cân đo cho các con, cô lại bắt đầu hành trình “đèo” chiếc cân dài đến từng điểm trường để cân đo và cập nhật theo danh sách các con.

“Từ khi bắt đầu đi học điều dưỡng cho đến khi đi học nghiệp vụ tại Khoa chấn thương chỉnh hình, hình ảnh “đèo cân” tôi thực sự chưa bao giờ tưởng tượng đến.

Không chỉ vậy, chiếc cân sức khoẻ dài gần 1m mà nặng tới 14-15kg nên tôi phải nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp mới chằng buộc được lên xe máy để di chuyển tới các điểm trường lẻ. Thời tiết thuận lợi thì còn đỡ chứ mưa gió đi lại vất vả hơn rất nhiều” cô Hoà kể.

Mặc dù môi trường làm việc chưa thực sự phát huy được nghiệp vụ, chuyên môn mà cô Hoà đã học ở trường y nhưng khi quen việc, quen với mái trường Bắc Sơn, cô lại thấy yêu và mến nghề.

Sau khi các điểm trường lẻ được sáp nhập, công việc của cô Hoà hiện tại thuận lợi và có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho trẻ.

Cô Hoà cho biết, hiện tại cô được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia quản lý, chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng như giáo viên nhà trường.

Đồng thời, cô cũng thực hiện việc tuyên truyền về giáo dục sức khỏe; các yêu cầu vệ sinh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng các quy định của ngành và nội quy của nhà trường.

Từ đó, bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho nhà trường,

Đặc biệt, trong những năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, cô Hoà luôn bám sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh cũng như địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Cô Hoà tuyên truyền kiến thức về giáo dục sức khoẻ cho trẻ (Ảnh: NVCC)

Cô Hoà tuyên truyền kiến thức về giáo dục sức khoẻ cho trẻ (Ảnh: NVCC)

Cô Hoà chia sẻ: “Hiện nay, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều căn bệnh học đường đang có xu hướng gia tăng, như: bệnh về răng miệng, béo phì, tật khúc xạ, tay-chân-miệng,…

Theo đó, với vai trò là người quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường, tôi chú trọng nắm vững bệnh lý của từng trường hợp học sinh và công tác khám chữa bệnh ban đầu.

Từ những việc nhỏ nhất nhất như vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, vệ sinh đồ dùng của trẻ cũng cần cẩn trọng để phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo mùa.

Mọi người đôi khi vẫn chưa thực sự hiểu về công việc của một nhân viên y tế, thậm chí nhiều người cho rằng vị trí này không hề quan trọng trong trường học.

Thực tế trong một ngày, trẻ dành phần lớn thời gian sinh hoạt, học tập tại trường nên nếu không có sự chăm sóc sát sao thì sẽ không thể đảm bảo sức khoẻ cho các con được.

Đặc biệt đối với trẻ mầm non, do hệ miễn dịch của học sinh còn chưa thực sự hoàn thiện, nên trong quá trình học tập tại trường, một số em có thể gặp các vấn đề bất thường như cảm lạnh, cảm nắng, nôn ói, rối loạn tiêu hóa,…Cũng có những trường hợp trong lúc vui đùa sơ sẩy bị ngã hay thương tích bất ngờ tại trường.

Qua thăm khám sức khoẻ định kỳ ở trường còn giúp phát hiện một số bệnh mới chớm như tim mạch, mắt để gia đình cho trẻ đi khám chuyên sâu và có phương án điều trị kịp thời.

Hay như khung dinh dưỡng - y tế của trẻ cũng cần có sự tư vấn, phối hợp của nhân viên y tế, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho trẻ.

Đặc biệt như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vai trò cũng như trách nhiệm của các cán bộ y tế trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh nhà trường quan trọng hơn lúc nào hết”.

“Mang trên mình trách nhiệm của một nhân viên viên y tế, tôi vẫn nhắc nhở bản thân, được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ là một điều may mắn" cô Hoà tự hào nói (Ảnh: NVCC)
“Mang trên mình trách nhiệm của một nhân viên viên y tế, tôi vẫn nhắc nhở bản thân, được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ là một điều may mắn" cô Hoà tự hào nói (Ảnh: NVCC)

Hành trình gắn bó với trường học đôi khi không tránh được những giây phút chạnh lòng, tủi thân khi mọi người chưa có góc nhìn đúng đắn về nhân viên y tế trường học nhưng cô Hoà cho rằng: “Mang trên mình trách nhiệm của một nhân viên viên y tế, tôi vẫn nhắc nhở bản thân, được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ là một điều may mắn.

Nhìn ánh mắt của trẻ rạng rỡ vui tươi trong các giờ học, nhìn các con khoẻ mạnh, lớn lên từng ngày tôi vô cùng hạnh phúc!”.

Theo cô Kồ Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Sơn, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường mầm non là nhiệm vụ đặc thù đòi hỏi nhân viên y tế trường học không chỉ là người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng mà còn cần yêu nghề, mến trẻ.

Vì vậy, cô Hoà luôn có tinh thần học hỏi, nâng cao nghiệp vụ về chuyên môn. Trong suốt 12 năm gắn bó với vai trò nhân viên phụ trách công tác y tế trường học, sự nỗ lực, cố gắng của cô Hoà đã tạo uy tín tốt, được sự tin yêu, quý mến phụ huynh và đồng nghiệp.

Phạm Linh