Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách ứng dụng và phát triển ngành công nghệ thông tin nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nói riêng, một cách nhất quán suốt hơn 30 năm đổi mới vừa qua.
Chỉ thị số 58 ngày 17/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy định:
“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội. Đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo”.
Chỉ thị này mở đường cho thế hệ chính sách thứ nhất của Việt Nam về giáo dục số, thể hiện trong quy định sau đây của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010: Thực hiện chương trình “Đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường” với tư cách là một chương trình trọng điểm quốc gia. Nhờ vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nước ta được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng bức tranh chung vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa máy tính vào trong môi trường giáo dục.
Cách tiếp cận trong ứng dụng công nghệ thông tin có bước chuyển vào năm 2008 với việc ban hành Chỉ thị số 35 ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012.
Bên cạnh việc triển khai mạng giáo dục, kết nối Internet băng thông rộng miễn phí đến các cơ sở giáo dục, Chỉ thị này đặt trọng tâm vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, điều hành và quản lý giáo dục, góp phần vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng về công nghệ thông tin.
Cùng với Quyết định 1755 ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, có thể coi đây là những văn bản mở đầu cho thế hệ chính sách thứ hai về giáo dục số ở Việt Nam mà trọng tâm là khai thác các lợi thế của công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục.
Thế hệ chính sách thứ ba về giáo dục số của Việt Nam được đánh dấu bởi việc ban hành Quyết định 117 ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Thực sự có thể coi đề án này là chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục theo một tiếp cận toàn diện, bao gồm việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội công nghệ thông tin trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường giám sát, đánh giá.
Tuy nhiên, tư duy cơ bản trong đề án mang tính chiến lược nói trên chỉ giới hạn trong việc coi công nghệ thông tin là phương tiện hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học trong giáo dục. Chính đại dịch covid-19, trong việc tạo ra cú hích thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đã góp phần tạo chuyển biến về tư duy, theo đó công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Điều đó được thể hiện trong Quyết định 131 ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Đề án này là “Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”. Có thể coi đây là văn bản mở đường cho thế hệ thứ tư về chính sách giáo dục số, trong đó giáo dục mở được coi là một thành phần của giáo dục số.
Như vậy, sự phát triển chính sách giáo dục số của Việt Nam đã vận động phù hợp với bước tiến về chính sách giáo dục số ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đó là điểm mạnh của Việt Nam, trong đó về phương diện chủ trương và định hướng phát triển để công nghệ thông tin được ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục.
Nhưng điểm yếu của chúng ta là “nhiều sáng kiến mới đang ở giai đoạn đầu triển khai và thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu”. Vì vậy việc đưa chủ trương, chính sách vào đời sống thực tế diễn ra chậm và lúng túng.
Thứ nhất về hạ tầng công nghệ: Các chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2008-2009 về kết nối Internet băng thông rộng miễn phí đến các cơ sở giáo dục mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo (Chỉ thị 55 ngày 30/9/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) là không thực tế;
Tỷ lệ học sinh được học qua internet và trên truyền hình trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 có sự chênh lệch đáng kể ở các vùng trên cả nước, đạt hơn 86% đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, còn ở nhiều địa phương, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 40%. Đó mới chỉ là một khía cạnh của hạ tầng công nghệ liên quan đến sóng và máy tính.
Còn một số khía cạnh khác rất đáng quan tâm như: Hạ tầng dữ liệu số vẫn còn dở dang khi mà việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học mới đang ở giai đoạn khởi động, còn việc xây dựng các nội dung số của giáo dục vẫn chưa có chính sách cụ thể.
Hạ tầng các phần mềm ứng dụng còn ít, chưa góp phần hiệu quả cho việc đổi mới dạy, học, đánh giá và quản lý giáo dục.
Hạ tầng các công nghệ thông minh như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, phân hiện học tập (learning analytics, tạm dịch là phân hiện học tập, hàm ý đây là tiến trình phân tích dữ liệu lớn để phát hiện các mô hình học tập), chuỗi khối, robot…vẫn là một thứ xa xỉ trong giáo dục nước ta.
Thứ hai về đổi mới dạy và học: Đại dịch covid-19 đã tạo cú hích để giáo dục trực tuyến trở thành phổ biến trong giáo dục nước ta. Nhưng về cơ bản, đó mới chỉ là chuyển bài giảng từ trên lớp học sang bài giảng trên mạng. Một hệ thống giáo dục trực tuyến đích thực vẫn chưa tồn tại, không phải chỉ vì sự yếu kém của hạ tầng công nghệ, mà còn vì tình trạng bất cập của các hệ thống phần mềm phục vụ giảng dạy và đánh giá, cùng sự yếu kém của các quy trình vận hành, phương pháp xây dựng giáo án, giáo trình đa phương tiện và triển khai các bài giảng trên mạng.
Việc tích hợp công nghệ thông tin vào trong dạy và học vẫn còn khá xa vì đây là một quá trình đòi hỏi tạo thành một vòng xuyến khép kín về ứng dụng công nghệ thông tin xuyên suốt các giai đoạn của tiến trình dạy và học như trong sơ đồ dưới đây:
Thứ ba về đổi mới quản lý: Ở nước ta, trước yêu cầu thực hiện ba công khai, các cơ sở giáo dục đã có nhiều cố gắng đổi mới công tác quản trị, quản lý theo hướng áp dụng e-governance. Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động của nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản cần khắc phục là, ở cả cấp hệ thống lẫn cấp trường, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu giáo dục quốc gia cùng hệ thống thông tin quản lý giáo dục chuẩn mực, kết nối trong từng trường và toàn hệ thống để đảm bảo cung cấp thông tin nhất quán, tin cậy, khách quan, trung thực, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý. Vì vậy, ngay cả đối với các cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì nhìn chung các cơ sở này vẫn chưa có ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản trị, chưa xây dựng các chỉ báo (KPI) để có thể đo lường được một cách khách quan và tin cậy những cái được và chưa được trong tổ chức và hoạt động giáo dục.
Thứ tư về năng lực số: Yêu cầu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đã được quy định thành một nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt các thế hệ chính sách giáo dục số, đặc biệt từ thế hệ chính sách thứ hai đến nay.
Tuy nhiên, việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới giảng dạy, học tập và quản lý, là sự không rõ ràng tương ứng trong các yêu cầu cụ thể về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đối với các nhóm đối tượng khác nhau. Từ thế hệ chính sách thứ hai đến thứ ba, thứ tư, vẫn chỉ là một quy định chung nhất như: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên”.
Cho đến nay, các khung năng lực số cho các nhóm đối tượng khác nhau (cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh) vẫn chưa được xây dựng để làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, đo lường, giám sát và đánh giá. Vì thế, cách đánh giá về thực trạng kỹ năng số chỉ có thể giới hạn ở cách đánh giá chung nhất theo kiểu “có bước tiến”, “tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số tăng cao”; tuyệt nhiên, chúng ta không biết liệu kỹ năng số của các nhóm đối tượng khác nhau có đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình một cách phù hợp không.
Như vậy, giáo dục số không phải là một trạng thái mà là một hành trình. Hành trình đó khởi đầu từ việc đưa công nghệ thông tin vào trong giáo dục như một công cụ hỗ trợ việc dạy và học. Cùng với bước tiến vượt bậc về công nghệ thông tin, vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục cũng có sự vận động không ngừng để giờ đây trở thành tác nhân/động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tổ chức và hoạt động giáo dục.
Cùng với sự vận động về vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục là sự vận động của chính sách giáo dục số từ thế hệ chính sách này sang thế hệ chính sách khác. Trong thế hệ chính sách giáo dục số hiện nay, giáo dục số được coi là kết quả đầu ra của tiến trình chuyển đổi số.
Bản thân chuyển đổi số cũng là một tiến trình nhiều giai đoạn. Chí ít có ba giai đoạn đan xen như sau:
Thứ nhất là digitization, tức là số hóa dữ liệu, tài liệu, tài sản, con người; đặc biệt là số hóa các tài liệu giảng dạy để hình thành nội dung số của giáo dục.
Thứ hai là digitalization, tức là số hóa các quy trình để chuyển các hoạt động của ngành giáo dục từ trực tiếp sang tự động và trực tuyến. Trên cơ sở đó mới thực sự có giai đoạn ba - digital transformation, chuyển đổi số - tức là sự chuyển đổi đồng bộ trên cả ba lĩnh vực - văn hóa, con người, và công nghệ - để tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong cách thức tổ chức và hoạt động giáo dục mà mục đích tột cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội trong giáo dục.
Nhìn như vậy thì thế hệ chính sách thứ tư về giáo dục số của Việt Nam, bắt đầu từ Quyết định 131 ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đang hướng tới một khung chuyển đổi số trong ngành giáo dục trên 6 chiều đo là hạ tầng số; hệ sinh thái chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; hệ thống thông tin quản lý giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số; nguồn lực; cơ chế, chính sách.
Theo đó đến năm 2030, chúng ta hoàn thành về cơ bản việc đưa tất cả các thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số, bao gồm số hóa các dữ liệu giáo dục (bao gồm cả tài liệu, tài sản và con người); số hóa các quy trình trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá và quản lý. Cái đích phải đến cho năm 2025 cũng khá rõ.
Chỉ có điều, hiện chúng ta chưa có bất kỳ điều tra khoa học nào để cho biết hiện nay ngành giáo dục Việt Nam đang ở đâu trên hành trình số; đặc biệt là hiện trạng ngành giáo dục trên 6 chiều đo nói trên cụ thể là như thế nào. Vì vậy, khoảng cách từ điểm xuất phát đến điểm đến là không rõ; lộ trình, cách làm và nguồn lực cũng vẫn chỉ được quy định một cách chung nhất.
Theo Hướng dẫn của UNESCO (2017) về Xây dựng Kế hoạch tổng thể công nghệ thông tin trong giáo dục thì cái mà chúng ta đang thiếu là những phân tích chuyên sâu về những cơ hội, thách thức; rào cản và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện các thế hệ chính sách trước đây; những vấn đề đặt ra từ thực tế tích hợp công nghệ thông tin vào giáo dục; khoảng cách giữa hiện trạng công nghệ thông tin với mục tiêu chiến lược; các nhiệm vụ ưu tiên; các nguồn lực và liên kết, hợp tác cần thiết; các chỉ tiêu thực hiện và đánh giá; kế hoạch triển khai, giám sát, đánh giá, cập nhật và điều chỉnh.
Chừng nào chưa có sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu này thì cái đích về chuyển đổi số của ngành giáo dục đến năm 2025 và 2030 sẽ chỉ dừng lại ở các tuyên bố mang tính khát vọng.
Vì vậy, rất cần những nghiên cứu, khảo sát và phân tích chuyên sâu cùng một cơ chế giám sát và đánh giá nghiêm túc và hiệu quả để thế hệ chính sách thứ tư này thực sự đi vào cuộc sống.