Nếu có việc ép ký đơn thì thì quả thực rất phản giáo dục
Những ngày qua, thông tin phụ huynh một số trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội phản ánh con họ bị ép ký "Đơn xin tự nguyện không tham gia kỳ thi vào 10" gây xôn xao dư luận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.
Đáng nói, tình trạng phụ huynh tố bị trường ép ký "Đơn xin tự nguyện không tham gia kỳ thi vào lớp 10" không phải năm học này mới ghi nhận. Hiện tượng này đã được báo chí phản ánh từ năm học 2016-2017. Và lần nào cơ quan quản lý Sở, Phòng Giáo dục và các trường đều xác minh và đều khẳng định không có việc này.
Mới nhất vào ngày 20/4/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết “Một trường ở Thạch Thất bị tố 'ép' học sinh học yếu không được thi vào 10” phản ánh về tình trạng này.
Cụ thể, ngày 18/4, trang facebook có tên N.N chia sẻ bài viết trong nhóm “Chợ tốt Hữu Bằng” bày tỏ bức xúc cho rằng, phụ huynh này được cô giáo chủ nhiệm gọi điện “khuyên” và yêu cầu ký vào đơn không cho con thi vào lớp 10 vì học lực quá yếu.
Kèm với đó, chủ facebook nói trên còn đăng ảnh của mẫu đơn đã bị xé rách, Tuy nhiên, nội dung vẫn thể hiện rõ là “Đơn xin không tham gia vào kỳ thi lớp 10”, có đánh máy sẵn mẫu phần kính gửi cho “Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng”. Tờ đơn này được cho là do cô giáo chủ nhiệm của con phụ huynh nói trên gửi.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Kiều Đăng Cường – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất cho biết, đã yêu cầu Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng xác minh làm rõ, để có hướng giải quyết cụ thể.
Đồng thời khẳng định rằng, trong ngành giáo dục, về quản lý nhà nước không có chủ trương và chỉ đạo nào thiếu tính nhân văn như vậy. Quyền lợi được học tập là của tất cả các học sinh.
Rất nhiều chuyên gia đã trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu có việc này thì đây là hiện tượng rất phản giáo dục.
Mẫu đơn xin "không tham gia vào kỳ thi lớp 10" bị xé rách và dòng cảm xúc của phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng, Thạch Thất. Ảnh: Chụp màn hình |
Thầy N.T.M. (một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội) chia sẻ: “Đọc được những thông tin trên báo chí về việc học sinh bị “ép” không được thi lớp 10, tôi bỗng nhiên nhớ lại những câu chuyện thật buồn...
Tôi từng đi gia sư nhiều năm, cũng đã có những năm, chính tai tôi được nghe phụ huynh, và cả học sinh tâm sự lại, những chuyện tương tự. Rằng, bản thân em học sinh đó được “khuyến khích” không thi, cho đến chuyện có nhiều học sinh cùng lớp đó do học kém, bị giáo viên yêu cầu không thi vào lớp 10 công lập, chỉ xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là chứng cứ thì không nhiều phụ huynh dám cung cấp và thường họ cũng muốn con được yên ổn qua lớp 9. Các vụ việc như này nếu bảo tìm qua hồ sơ thì quả thực làm sao tìm được.
Theo tôi, điều này rất thiệt thòi cho các bạn học sinh! Cho dù các em có học kém đi nữa, thì giáo viên cần tìm cách giáo dục các em chứ không phải vì thành tích mà quyết định tương lai của các em như vậy. Điều này là hết sức vô lý!”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng: “Nếu có tình trạng như vậy, thì một là giáo viên và nhà trường chưa tôn trọng quyền của học sinh, quyền học và thi của học sinh, không ai được phép can thiệp. Tức là học sinh được phép tự do lựa chọn, tùy vào sức học của các em. Nhà trường, và đặc biệt là các giáo viên không được can thiệp. Điều đó thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh.
Nhà trường không thể có chuyện ép buộc các em không được thi, không thể “tống” những em học yếu, học kém ra khỏi danh sách, chỉ vì muốn lấy thành tích cao hơn. Nếu đâu đó xảy ra tình trạng như vậy thì rất sai, đây là câu chuyện rất phản giáo dục!”.
“Chính những học sinh có học lực yếu mà quyết tâm muốn thi, nhà trường phải động viên, khuyến khích thêm, thậm chí, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ cho các em bổ sung kiến thức tốt hơn, đạt mục tiêu.
Như vậy mới là giáo dục, mới là vì học sinh. Chứ nếu cứ để xảy ra tình trạng ép buộc học sinh không được tự do lựa chọn, thì đó là vì thành tích của giáo viên, của nhà trường, chứ đâu phải là vì học sinh” - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng cho rằng, đôi khi, do cách truyền đạt của giáo viên có thể khiến phụ huynh hiểu lầm là đang áp đặt, ép buộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Trường tôi còn phải động viên các cháu thi vào 10 mà các con không chịu!
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Giáo viên trong quá trình dạy học, cần tư vấn cho học sinh chọn con đường phù hợp nhất, để tránh được những áp lực, nhất là trong bối cảnh có sự đa dạng hóa về các loại hình trường lớp như hiện nay. Vì mỗi năm, vẫn có hàng chục nghìn học sinh trượt lớp 10 công lập. Vậy các con sẽ đi đâu? Tất nhiên là theo những lựa chọn khác.
Vì vậy, hằng năm, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi, các thầy cô đều phải trò chuyện, tư vấn cho học sinh của mình, trường nào thực sự phù hợp cho các con, đồng thời, cung cấp số liệu, năm trước trường này lấy bao nhiêu điểm, các con muốn thi vào đó thì phải đặt mục tiêu và cố gắng đạt được khoảng bao nhiêu điểm mới có thể đỗ...
Với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức học cũng quá yếu, phụ huynh thường sẽ chủ động hỏi để được giáo viên và nhà trường tư vấn cho một môi trường phù hợp. Bởi, bố mẹ nhiều khi cũng biết rằng, áp lực thi cử đối với các con là rất tội nghiệp, và với khả năng, sở thích của con thì cũng nên nghĩ đến những lựa chọn khác”.
“Đó chỉ là những tư vấn để các con có thể hiểu hơn và lựa chọn đúng con đường phù hợp, rằng với trình độ của con như thế, thì con nên thi vào những trường nào... Ở các trường khác thì tôi không rõ, nhưng quan điểm của nhà trường là không bao giờ được phép ép buộc học sinh. Các thầy cô là người trực tiếp dạy trên lớp, sẽ hiểu được rõ nhất về năng lực, trình độ của các con, nên sẽ có những lời tư vấn phù hợp nhất.
Thậm chí, đã có những lần, chúng tôi còn vận động học sinh đi thi vào lớp 10 mà nhiều em còn không đi thi. Chẳng hạn, như năm trước, có 3 học sinh không muốn dự kỳ thi, tôi còn phải gặp và trao đổi trực tiếp, động viên để các con đi thi mà các con còn không chịu.
Hay như năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, tôi cũng vừa phải duyệt mấy hồ sơ cho các con muốn “rẽ” sang một hướng khác, thay vì phải tham dự kỳ thi vào 10 đầy áp lực” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, nữ Hiệu trưởng cũng đề cập: “Cũng có thể, có trường hợp, do cách trao đổi của giáo viên chưa thực sự gãy gọn; hoặc chính những giáo viên có thể chưa truyền đạt đúng ý của ban lãnh đạo nhà trường. Tinh thần là “hướng nghiệp” thì như vậy, nhưng có thể sẽ có thầy cô có cách truyền đạt không thực sự tinh tế, khiến phụ huynh không cảm thấy thoải mái và không hiểu được hết nội dung hoặc dễ dẫn đến hiểu lầm thành áp đặt hay ép buộc”.
“Chúng tôi cũng may mắn vì các phụ huynh đều rất đồng hành với nhà trường. Không có một phụ huynh nào cảm thấy giáo viên phân tích hay tư vấn mà không hợp lý. Điều quan trọng nhất là giữa phụ huynh và nhà trường phải tìm được tiếng nói chung, thì việc giáo dục các con mới thực sự hiệu quả và tốt nhất” - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương nhấn mạnh.