Nếu có chứng nhận nghề nghiệp, cần tinh giản thủ tục thi tuyển viên chức, tập sự

03/02/2024 06:25
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất quy định giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đề xuất quy định giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên đều cho rằng việc có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là không cần thiết, tạo thêm áp lực cho giáo viên, thậm chí nguy cơ nảy sinh những hệ lụy tiêu cực về mặt thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới, song quan trọng cách làm ra sao để tránh những tiêu cực có thể xảy ra.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có thực sự cấp thiết?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ nhiều băn khoăn trước dự kiến quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Theo thầy Lực, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo. Trong đó, thầy Lực đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trong việc giảm các chứng chỉ, thủ tục không cần thiết như bãi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng; thay vì giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây.

Tuy nhiên, với dự kiến quy định nhà giáo phải có chứng nhận chức danh nghề nghiệp, thầy Lực cho rằng điều này là không cần thiết.

Chỉ ra điểm băn khoăn, vị giáo viên cho rằng để trở thành giáo viên, các thầy cô giáo đã có thời gian được đào tạo bài bản, chính quy tại các trường cao đẳng, đại học với thời gian từ 3 - 4 năm, thậm chí hơn nếu thầy cô tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ…

“Nếu yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ nghề nghiệp, liệu rằng như vậy nghĩa là chất lượng đào tạo của các trường đào tạo sư phạm chưa đảm bảo?

Chưa kể, để trở thành viên chức, các thầy cô phải trải qua kỳ thi sát hạch nghiêm ngặt và có thời gian tập sự trước khi chính thức trở thành giáo viên. Những điều kiện này đã đủ chứng minh năng lực hành nghề của các thầy cô”, thầy Lực phân tích.

Trước đó, thông tin với báo chí, Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp miễn phí và đảm bảo không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Song, thầy Lực cho rằng không phải việc cấp miễn phí hay không, mà vấn đề chính là tính cấp thiết của chứng chỉ này đến đâu. Vị giáo viên cho rằng trước mắt, còn nhiều công việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên hơn như chăm lo đời sống, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo.

Quan trọng là cách triển khai ra sao

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, ở hầu hết các quốc gia, cần phải có giấy phép hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên, đặc biệt là ở các trường công lập.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, sở dĩ có những tranh cãi trong dư luận những ngày qua, xuất phát một phần vì tên gọi “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo”.

“Gọi giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo rất dễ gây hiểu lầm. Bởi vì đang giáo viên vẫn đang thực hành nghề, thì sao còn phải chứng nhận?

Thực chất đây gọi là giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận nhà giáo chuyên nghiệp. Đây là căn cứ để phân bậc tính chuyên nghiệp của nhà giáo theo vị trí chức danh gắn với trình độ chuyên nghiệp và trả lương tương ứng”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp nhận định việc này là cần thiết, quan trọng là cách triển khai ra sao. Chuyên gia phân tích, giấy chứng nhận giảng dạy giúp đảm bảo rằng những người bước vào nghề có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh một cách hiệu quả qua khả năng hiểu biết về môn học, phương pháp giảng dạy và kỹ năng quản lý lớp học góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, giấy chứng nhận này gắn với một bộ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức mà các nhà giáo dục phải tuân thủ. Thể hiện mức độ chuyên nghiệp theo chức danh và sự cam kết của nhà giáo trong một lĩnh vực quan trọng và ảnh hưởng lớn như giáo dục.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thực tế vẫn có sự tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế.

Do đó, việc cấp giấy chứng nhận là cần thiết, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, qua đó xây dựng niềm tin của xã hội đối với nhà giáo, buộc giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực. Đây cũng là cách bảo vệ lợi ích của người học.

Cũng cho rằng việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là cần thiết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ điều này là phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định, theo đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng là: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Như vậy giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ là minh chứng đảm bảo về mặt chuyên môn bởi một tổ chức uy tín (đơn vị phụ trách việc cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - PV), đồng thời giúp quá trình tuyển dụng ở các đơn vị nhanh chóng, chuyên nghiệp và thuận tiện, có thể hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ những người tốt nghiệp các trường sư phạm hay giáo dục cũng như cho các tổ chức giáo dục khác nhau chứ không chỉ các trường phổ thông.

Về lâu về dài, thầy Thành đề xuất khi đã áp dụng giấy chứng nhận nghề nghiệp, cần từng bước tinh giản các thủ tục như thi tuyển viên chức, chế độ tập sự,... trong tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra, có thể nghiên cứu áp dụng các điều kiện về chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo để thực hiện kết hợp trong hệ thống kiểm tra, đánh giá của các trường sư phạm. Theo đó, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, ngoài bằng cử nhân, dựa trên các điều kiện đạt chuẩn về chứng nhận nghề nghiệp để cấp thêm giấy chứng nhận chứng minh đủ năng lực hành nghề cho các giáo viên tương lai.

Để quy định mới thực sự đi vào thực tiễn và phục vụ trực tiếp cho nhà giáo, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tổ chức buổi tọa đàm, trao đổi với các nhà khoa học để đánh giá kỹ lưỡng những tác động tới đội ngũ nhà giáo nếu áp dụng chính sách. Đồng thời, cần làm tốt vai trò truyền thông chính sách để nhà giáo và dư luận xã hội nói chung có sự thấu hiểu và đồng lòng trong thực hiện.

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này bao gồm người đã hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo hay là nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp này, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Nếu có giấy chứng nhận nghề nghiệp, việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp này sẽ có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.

Ngoài ra, Luật Nhà giáo cũng sẽ quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Doãn Nhàn