Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu, ngành Luật Kinh tế ngày càng thể hiện rõ vai trò then chốt trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động thương mại, đầu tư và doanh nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chuyên môn pháp lý vững vàng, đặc biệt là những cử nhân tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế.
Nhu cầu thị trường tăng cao, cử nhân ngành Luật Kinh tế có thể đạt thu nhập tốt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật HTC Việt Nam nhấn mạnh cơ hội nghề nghiệp hiện tại rất rộng mở cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế.
“Ngành Luật Kinh tế tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn trong những năm tới. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước cũng như sự gia tăng của các hoạt động đầu tư nước ngoài đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực pháp lý có chuyên môn vững vàng, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật kinh tế.
Tại Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu tư vấn, giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng, đầu tư, thương mại, M&A... ngày càng gia tăng. Đây là cơ hội rất lớn cho các bạn sinh viên và luật sư trẻ theo đuổi chuyên sâu ngành Luật Kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, ngành này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi người hành nghề không ngừng cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng thực tiễn và tư duy kinh doanh để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường”, Luật sư Hùng cho hay.

Cũng theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật HTC Việt Nam, tùy vào trình độ, kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp, cử nhân ngành Luật Kinh tế có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong công ty.
Thời điểm mới vào nghề, sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường có thể làm thực tập sinh pháp lý hoặc trợ lý luật sư, với nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo văn bản và chuẩn bị tài liệu pháp lý, mức hỗ trợ tài chính thường dao động từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi tháng.
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, họ có thể trở thành chuyên viên pháp lý, đảm nhận vai trò tư vấn khách hàng, soạn thảo hợp đồng và hỗ trợ giải quyết tranh chấp, với mức thu nhập khoảng 20 đến 24 triệu đồng mỗi tháng tùy năng lực.
“Những luật sư đã hoàn thành khóa đào tạo và có thẻ hành nghề, với kinh nghiệm từ 2 đến 5 năm, có thể đảm nhận vị trí luật sư cộng sự. Vai trò này đòi hỏi khả năng đại diện khách hàng trong các vụ việc pháp lý, tư vấn chiến lược và tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng, với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng.
Với kinh nghiệm trên 5 năm, những luật sư chính thức ngoài việc chịu trách nhiệm xử lý các vụ việc phức tạp cũng có thể tham gia quản lý nhóm luật sư và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Thu nhập của vị trí này thường cao hơn so với luật sư cộng sự và được xác định dựa trên năng lực chuyên môn cũng như đóng góp cụ thể cho công ty”, Luật sư Hùng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thị Bích Lan - đại diện Văn phòng Luật sư Tuấn Lan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, ngành Luật Kinh tế có rất nhiều triển vọng trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, liên tục mở rộng hợp tác quốc tế.
Mỗi ngày đều có thêm các mối quan hệ thương mại mới, các giao dịch kinh doanh phức tạp hơn, và chính điều đó tạo nên nhu cầu rất lớn về đội ngũ pháp lý có chuyên môn.
“Tại Văn phòng Luật sư Tuấn Lan, các cử nhân ngành Luật Kinh tế có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên tư vấn pháp lý, trợ lý luật sư theo từng vụ việc, cho đến tham gia các dự án liên quan đến tư vấn hợp đồng, pháp lý doanh nghiệp hoặc tranh tụng kinh tế. Tùy vào vị trí và năng lực, mức lương khởi điểm cho cử nhân mới tốt nghiệp dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng", Luật sư Lan thông tin.
Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Hiếu - cựu sinh viên ngành Luật Kinh tế, Học viện Ngân hàng, hiện đang công tác tại Ban Pháp chế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ về những cơ hội nghề nghiệp của cử nhân ngành này sau khi ra trường.

“Riêng với công việc pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng, đây là một môi trường làm việc có những đặc thù rất riêng đòi hỏi chuyên môn sâu, sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết và một tư duy pháp lý vững vàng.
Cường độ công việc ở bộ phận pháp chế tương đối cao, nhưng chính vì thế mà đây cũng là nơi lý tưởng để người làm nghề luật rèn luyện bản lĩnh, phát triển kỹ năng thực tiễn và trưởng thành nhanh chóng.
Mức lương trung bình của một nhân sự làm việc trong lĩnh vực này dao động từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng.
Những năm tháng học tập tại trường đại học đã trang bị cho tôi nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng tốt yêu cầu công việc hiện tại. Ngành Luật Kinh tế thực sự mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp bởi hầu hết các vị trí công việc trong xã hội đều đòi hỏi một sự am hiểu nhất định về pháp luật.
Chương trình đào tạo của khoa Luật, Học viện Ngân hàng không chỉ giúp sinh viên nắm chắc lý thuyết pháp lý cơ bản, mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận các tình huống thực tiễn, từ đó hình thành khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả - điều rất cần thiết khi bước vào thị trường lao động”, anh Hiếu bày tỏ.
Sinh viên ngành Luật Kinh tế cần chủ động va chạm sớm với môi trường công việc
Không phải sinh viên nào ra trường cũng có thể ngay lập tức bắt nhịp với công việc thực tế. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực luật doanh nghiệp, Luật sư Lê Thị Bích Lan cho rằng nhu cầu nhân lực ngành Luật Kinh tế không chỉ tăng về số lượng mà còn thay đổi về chất lượng.
Doanh nghiệp hiện nay không còn chỉ cần một người "biết luật" mà người đó cần biết vận dụng luật linh hoạt, nhạy bén với tình huống thực tế và có tư duy phản biện tốt.
“Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế hiện nay đã có nhiều chuyển biến so với trước đây, thể hiện qua sự tự tin, năng động và kiến thức chuyên môn được cập nhật hơn. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra vẫn chưa thật sự đồng đều.
Thực tế tuyển dụng cho thấy, sau thời gian thử việc, có những sinh viên vừa tốt nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, đáp ứng tốt yêu cầu và tiến độ chung của văn phòng. Song song đó, cũng có không ít trường hợp cần đến sự kèm cặp, hướng dẫn và đào tạo thêm trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mới có thể hòa nhập và làm việc hiệu quả.
Ngoài tất cả những yếu tố trên, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần cầu tiến và khả năng học hỏi nhanh. Bởi luật luôn thay đổi, môi trường kinh doanh luôn biến động, và người hành nghề pháp lý buộc phải liên tục cập nhật để thích ứng và dẫn dắt khách hàng đi qua những rủi ro một cách an toàn và hiệu quả”, đại diện Văn phòng Luật sư Tuấn Lan cho hay.

Từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp lý, đặc biệt là các văn phòng luật, luôn ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm thực tế, dù chỉ là qua các kỳ thực tập hay tham gia hỗ trợ các vụ việc nhỏ.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, Văn phòng Luật sư Tuấn Lan đánh giá cao những sinh viên có phẩm chất nghề nghiệp rõ nét như trung thực, tự chủ, sáng tạo, tích cực trong công việc và đặc biệt là có tinh thần học hỏi không ngừng để thích nghi với môi trường nghề nghiệp đầy thử thách.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng nêu ra những tố chất, năng lực cần có của sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế để đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau khi ra trường.
“Một sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế khi bước chân vào các tổ chức pháp lý, từ các văn phòng luật cho đến phòng pháp chế doanh nghiệp, cần trang bị cho mình một số năng lực cốt lõi.
Trước hết là khả năng tư duy pháp lý độc lập, điều này không đơn thuần là việc ghi nhớ các điều luật, mà là khả năng đọc - hiểu - phân tích và vận dụng luật một cách linh hoạt trong từng tình huống cụ thể. Người hành nghề giỏi phải giải thích được vì sao áp dụng quy định này, đồng thời loại trừ được quy định khác, dựa trên sự phân tích logic và hiểu biết sâu sắc về bản chất pháp lý của sự việc.
Tiếp theo là kỹ năng làm việc với văn bản pháp lý - một kỹ năng then chốt nhưng thường bị đánh giá thấp trong giai đoạn học tập. Từ việc đọc hiểu hợp đồng, soạn thảo thỏa thuận thương mại, cho đến việc đánh giá rủi ro pháp lý trong các giao dịch phức tạp như mua bán - sáp nhập doanh nghiệp hay hợp tác đầu tư, tất cả đòi hỏi sự cẩn trọng, tư duy logic và ngôn ngữ chính xác.
Không thể thiếu trong hành trang nghề nghiệp là phẩm chất đạo đức. Thẳng thắn, trung thực, tôn trọng bí mật khách hàng, và dám nói “không” khi phải đối mặt với ranh giới giữa lợi ích và đạo lý... là điều kiện tiên quyết để một người hành nghề luật có thể đứng vững.
Cuối cùng là tác phong làm việc chuyên nghiệp. Một luật sư giỏi cần biết lên kế hoạch, làm việc đúng giờ, chủ động phối hợp với đồng nghiệp và đặc biệt là tôn trọng thời hạn - điều tưởng chừng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và uy tín nghề nghiệp. Đây là yếu tố mà nhiều cử nhân luật hiện nay còn thiếu sót trong quá trình đào tạo”, Luật sư Hùng cho hay.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật HTC Việt Nam, đa số sinh viên hiện nay vẫn còn học theo lối truyền thống: ghi chép - ôn tập - thi và thiếu thực hành, thiếu tình huống, thiếu va chạm nghề nghiệp. Khó khăn lớn nhất là khoảng cách giữa chương trình đào tạo hàn lâm và yêu cầu hành nghề thực tiễn.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp với bảng điểm loại giỏi, nhưng lại bỡ ngỡ khi đối diện với một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hay một vụ tranh chấp phát sinh từ vi phạm điều khoản thanh toán. Đó là “khoảng trống” mà doanh nghiệp không thể tự đào tạo lại toàn bộ từ đầu.
Để giải quyết vấn đề này, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng khuyên các bạn sinh viên ngành Luật Kinh tế hãy tập trung rèn luyện một số yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là kỹ năng chuyên môn sâu: hãy luyện tập soạn thảo hợp đồng, phân tích tình huống pháp lý và viết thư tư vấn càng nhiều càng tốt - đừng để đến khi đi làm mới bắt đầu học những điều này.
Thứ hai là tư duy hội nhập: việc đọc tài liệu tiếng Anh, tham gia các khóa học ngắn hạn về pháp lý quốc tế, kỹ năng mềm, hay các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, thương mại điện tử sẽ giúp sinh viên mở rộng tư duy và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, tiếng Anh pháp lý được ông ví như “tấm vé thông hành” để bước ra thị trường dịch vụ pháp lý toàn cầu.
Thứ ba là xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm: viết bài chia sẻ trên mạng xã hội, tham gia các cộng đồng pháp lý, kết nối với người đi trước trong nghề sẽ giúp sinh viên mở rộng các mối quan hệ và tìm được nhiều cơ hội việc làm giá trị sau khi tốt nghiệp.
Cuối cùng, để hành nghề luật một cách thành công, cần phải có bản lĩnh, sự bền bỉ và lòng trung thực. Bởi nghề luật là nghề phục vụ cho sự công bằng - mà muốn làm được điều đó, người hành nghề phải có cốt cách. Nếu giữ được điều này, sinh viên tốt nghiệp không chỉ tìm được một công việc phù hợp, mà còn tìm thấy giá trị đích thực của bản thân trên hành trình dài của sự nghiệp luật.