Nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học?

13/09/2024 10:31
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu giáo viên thiếu phương pháp quản lý hiệu quả, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ lợi bất cập hại.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Cùng với đó, để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục như sau:

Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.

hoc sinh su dung dien thoai di dong.png
Ảnh minh họa.

Tuy vậy, nếu được giáo viên cho phép thì học sinh vẫn được sử dụng điện thoại di động để phục vụ cho việc học tập ở trên lớp.

Điều này khiến phụ huynh, học sinh, giáo viên tranh cãi trái chiều về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, trường học từ trước đến nay.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông đã từng nhiều lần nói chuyện với thầy cô giáo trong trường về việc này. Nhiều giáo viên cho rằng, điện thoại thông minh giúp học sinh tra cứu thông tin và tiếp cận tài liệu nhanh chóng nếu được các em sử dụng đúng cách.

Ngược lại, không ít thầy cô giáo lo ngại điện thoại sẽ làm giảm sự tập trung của học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, khi các em dễ bị phân tâm bởi tin nhắn và mạng xã hội trong giờ học.

Vào thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó có nội dung quy định về việc học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, người viết nêu quan điểm, chỉ nên cho phép học sinh trung học phổ thông sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập, còn học sinh bậc trung học cơ sở thì nên cấm.

Bởi vì, việc học sinh trung học phổ thông được dùng điện thoại để tìm tài liệu là điều rất nên làm, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Nếu học sinh biết khai thác thông tin hiệu quả, điện thoại di động hay máy tính bảng, laptop đều có thể làm dụng cụ học tập với nhiều tính năng tiện ích. Để làm được như vậy, lớp học cần được trang bị đường truyền Internet tốc độ cao và giáo viên phải làm việc nhiều hơn khi giám sát học trò.

Còn học sinh trung học cơ sở, người viết cho rằng, việc cho các em sử dụng điện thoại trong giờ học là không phù hợp, bởi vì kiến thức ở cấp học này còn đơn giản, mang tính phổ thông, chưa cần phải tra cứu tài liệu.

Cùng với đó, học sinh trung học cơ sở có độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi thường có tâm lí đua đòi nên sẽ vòi vĩnh cha mẹ mua điện thoại, thậm chí là loại đắt tiền cho bằng bạn bè. Trong khi đó, nhiều gia đình chưa đảm bảo điều kiện kinh tế nên việc này tạo ra gánh nặng không nhỏ cho phụ huynh.

Bên cạnh đó, một lớp học bậc trung học cơ sở có khi sĩ số lên đến hơn 50 em, trong khi đó ý thức học tập và kỷ luật của các em chưa cao nên giáo viên rất khó giám sát dùng điện thoại di động. Ở độ tuổi "ẩm ương" lại thích thể hiện bản thân nên nhiều học sinh sẽ làm trái ý giáo viên, dùng điện thoại để làm việc riêng, thậm chí xem những website độc hại sẽ gây hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, điện thoại thông minh thường đắt tiền nhưng ý thức bảo quản đồ của học sinh trung học cơ sở chưa cao. Chẳng may một em nào đó bị mất cắp điện thoại thì sẽ gây rắc rối cho giáo viên, việc giải quyết hậu quả và xử lý tế nhị, tránh ảnh hưởng đến tinh thần các em cũng là bài toán khó.

Thế nhưng, vào thời điểm này, người viết cho rằng, hiệu trưởng nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp học mạnh tay hơn vì một số lí do sau đây.

Thứ nhất, vào các buổi chào cờ đầu tuần, buổi lễ hoặc các tiết sinh hoạt chuyên môn dưới sân trường, nhiều học sinh không nghe thầy cô giáo, chuyên gia nói chuyện. Thay vào đó, các em thi nhau cắm mặt vào điện thoại khiến buổi lễ, buổi học tập ngoại khoá thiếu nghiêm túc.

Một lớp học do một giáo viên chủ nhiệm quản lí, nếu trường nào có khoảng trên 2000 học sinh thì thầy cô rất mất thời gian, công sức đi lại nhắc học sinh về việc sử dụng điện thoại, nhưng cũng chỉ được một lúc là các em lại lén dùng.

Thứ hai, nhiều năm qua, quan sát các giờ ra chơi giữa giờ vào buổi sáng, buổi chiều, người viết ghi nhận học sinh của mình rất ít xuống sân trường để vui chơi. Có em còn lười đi vệ sinh cũng chỉ vì ham lướt điện thoại, chơi game.

Người ta thường nói, tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, nghĩa là độ tuổi này tráng kiện về thể chất và tinh thần. Nhưng nhiều em học sinh chỉ vì nghiện điện thoại nên mặc các bệnh như béo phì, các tật về mắt, thiếu năng động trong học tập và các hoạt động bổ trợ cho việc học.

Thứ ba, trong quá trình giảng dạy, thỉnh thoảng người viết cũng cho phép học sinh được sử dụng điện thoại để tìm kiếm tài liệu, để trả lời những câu hỏi có mức độ khó so với nhận thức của các em.

Tuy vậy, số học sinh tự giác học tập còn ít, không ít em vẫn lợi dụng việc được phép sử dụng điện thoại để xem tin tức, nhắn tin,... Đáng nói, có em rất lười, chép luôn kết quả của người khác vào bài làm khiến giáo viên bực bội thêm.

Thiết nghĩ, chỉ cần hiệu trưởng ban hành nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp là hầu hết giáo viên và phụ huynh sẽ ủng hộ.

Học sinh nào muốn tra cứu tài liệu trên mạng Internet thì giáo viên có thể giao bài tập để các em có thời gian chuẩn bị trước ở nhà. Giáo viên cho học sinh hoạt động nhóm và phân chia công việc hợp lí thì các em không cần phải sử dụng điện thoại ở trên lớp.

Một số trường học có cách làm rất hay, đó là giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thu điện thoại của học sinh vào đầu giờ, cất vào tủ, đến cuối buổi học mới trả lại.

Cùng với đó, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm và đồng hành cùng với nhà trường trong việc quán triệt cấm con em sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp.

Dẫu biết rằng điện thoại thông minh có nhiều tính năng phục vụ tốt cho việc học tập của học sinh. Thế nhưng, nếu giáo viên thiếu phương pháp quản lý hiệu quả, học sinh lại mê điện thoại thì việc cho các em sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp học sẽ lợi bất cập hại.

Liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp học, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 26/7/2023 công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu 2023 đáng chú ý. [1]

Theo đó, báo cáo dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia, cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

Đáng nói, việc loại bỏ điện thoại thông minh khỏi các trường học ở Bỉ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh,... đã giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là những em vốn không có thành tích tốt.

Đó cũng là lí do UNESCO cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên không gian mạng.

Và đây cũng là điều mà ngành giáo dục Việt Nam nên quan tâm, nghiên cứu để sớm ban hành quy định cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học, lớp học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/keu-goi-toan-cau-cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-o-truong-4635137.html

[2] https://dangcongsan.vn/y-te/hoc-sinh-duoc-su-dung-dien-thoai-duoi-su-cho-phep-kiem-soat-cua-giao-vien-564320.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên