Phạm Huy - học sinh lớp 11A3 - chuyên Hóa, trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đạt giải Ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) 2017 diễn ra tại Mỹ vào tháng 5 vừa qua với sản phẩm "cánh tay robot cho người khuyết tật".
Trước đó, báo chí đã thông tin, Phạm Huy từng 2 lần bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ.
Tuy nhiên, vào phút chót, Huy đã được chính Đại sứ quán Mỹ mời phỏng vấn lần 3 và cấp visa để xuất phát đi Mỹ sau đoàn Việt Nam 1 ngày.
Bằng tài năng, cần cù cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, giấc mơ giúp người khuyết tật dùng tay robot của Huy đang thành hiện thực…
Phạm Huy - Nam sinh chế tạo “Cánh tay robot cho người khuyết tật” (Ảnh: Thùy Linh) |
Tại lễ đón đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học Quốc tế (Intel ISEF) được tổ chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chiều 24/5, Huy kể, em là con út trong một gia đình trú tại xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), có mẹ bán vải ngoài chợ thị xã, còn bố thì mở tiệm sửa xe máy, xe đạp tại nhà, chị gái đang là sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội.
Với đôi mắt lém lỉnh ẩn sau cặp kính cận, dưới tiết trời nắng nóng tháng 5, Huy vừa lau mồ hôi vừa chia sẻ, em mang sản phẩm cánh tay robot đi thi chủ yếu là để học hỏi. Việc đạt giải Ba thực sự là thành công ngoài mong đợi.
Cậu học trò này kể, đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” đã được Huy ấp ủ từ khi học lớp 8.
Cánh tay robot viết ước mơ cho trẻ khuyết tật |
“Em biết ở Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung đang có rất nhiều người khuyết tật.
Họ có thể là nạn nhân bom mìn, bị tai nạn giao thông hoặc khuyết tật bẩm sinh… nhưng thường không có những công cụ hỗ trợ để sinh hoạt bình thường nhất là khuyết tật cánh tay sẽ vô cùng khó khăn vì đó là công cụ sản xuất chủ yếu của con người.
Vào hồi lớp 8, em có xem tivi, phát sóng chương trình nói về một cánh tay robot do người Mỹ chế tạo để gắn vào tay cụt của những người khuyết tật.
Nhưng giá của cánh tay này quá đắt so với đời sống của người khuyết tật Việt Nam. Khi đó, em muốn chế tạo một cánh tay mà có thể sử dụng chân để điều khiển”, Huy trình bày ý tưởng nhân văn của mình.
Tuy nhiên phải đến năm học cuối lớp 10 thì Huy mới bắt đầu chế tạo cánh tay robot. Ban đầu, Huy gặp không ít thử thách nào là linh kiện khan hiếm, đắt đỏ và bản thân cậu học trò này không phải là người khuyết tật nên sản phẩm không đáp ứng hết những nhu cầu của người khuyết tật.
Sau đó, Huy đã được những người khuyết tật chỉ ra lỗi sai để dần hoàn thiện sản phẩm của mình.
Huy mô tả tóm gọn về sản phẩm của mình rằng, nguyên lý của sản phẩm này là dùng cử động của ngón chân, bàn chân để điều khiển cử động các ngón tay, bàn tay và cả cánh tay. Thiết bị có sử dụng các bộ cảm biến làm mạch phát tín hiệu gửi đến mạch điện tử gắn trên cánh tay robot bằng sóng điện từ.
Nam sinh hai lần bị từ chối visa đoạt giải thưởng tại Mỹ |
“Cánh tay robot cho người khuyết tật” được đánh giá cao khi sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn có độ chính xác cao.
Sản phẩm sẽ tiếp tục được Phạm Huy nghiên cứu và hoàn thiện điểm khiếm khuyết ở cánh tay robot.
Nam sinh này chia sẻ nếu có điều kiện sẽ sản xuất sản phẩm với số lượng lớn để phục vụ người khuyết tật ở Việt Nam.
“Em hy vọng có một cá nhân, tập thể nào đó, chung sức với em để phát triển sản phẩm này một cách hoàn thiện, nhỏ gọn hơn và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng người khuyết tật để họ bớt thiệt thòi”, Huy chia sẻ.
Phạm Huy cũng được biết đến là một học sinh có thành tích học tập tốt và đam mê nghiên cứu khoa học của Trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị.
Em cũng từng đạt được nhiều giải thưởng công nghệ trong nước mà mới đây nhất là giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khoa học phía Bắc năm học 2016-2017.
Đặc biệt, mới đây, ngày 5/6, Phạm Huy đã được đại diện Trường Đại học FPT Đà Nẵng trao học bổng Nguyễn Văn Đạo trị giá 100% học phí và chi phí ăn ở trong 4 năm học tập tại trường đại học này. Đây là học sinh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được nhận học bổng này.