Việt Nam chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ về dự án đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế

25/05/2017 03:20
Linh Hương
(GDVN) - Năm nay, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng dự án đoạt giải, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ. Trong đó, em Phạm Huy- nam sinh 2 lần bị từ chối visa đi Mỹ đã đoạt giải ba.

Tại lễ đón đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học Quốc tế (Intel ISEF) được tổ chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chiều 24/5, Trưởng đoàn Lê Trọng Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết:

Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế Intel ISEF 2017 được tổ chức tại Los Angeles (California, Hoa Kì) từ 13 - 19/5/2017 với 1.403 dự án của 1.778 học sinh đến từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong số 48 nước có giải, Việt Nam là một trong 3 nước đứng thứ ba (cùng với Đức và Úc), sau Hoa Kì và Ấn Độ.

Việt Nam có 08 dự án tham dự Intel ISEF 2017 và có 05 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi (01 giải Ba; 04 giải Tư) và 04 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. 

Việt Nam chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ về dự án đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế (Ảnh: Công Luân)
Việt Nam chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ về dự án đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế (Ảnh: Công Luân)

Cụ thể, đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật”  của Phạm Huy (Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị) đạt giải ba lĩnh vực Robot và các máy thông minh.

Đề tài "Tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất axit Hydroxamic mới mang khung 2 - Oxoindolin hướng ức chế Histon Deacetylasecủa" Trần Đan Khuê và Vũ Thị Nam Anh (Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt giải tư lĩnh vực Hóa học.

Việt Nam chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ về dự án đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế ảnh 2

Hai học sinh lớp 12 tìm ra dẫn chất ức chế 3 dòng tế bào ung thư

Đề tài "Tổng hợp các dẫn xuất mới từ Zerumbone và đánh giá tiềm năng sử dụng trong điều trị ung thư" của Đỗ Phương Mai và Bùi Đỗ Minh Quân (Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đạt giải tư lĩnh vực Hóa học.

Đề tài "Găng tay chuyển ngữ tương thích với điện thoại thông minh qua bluetooth hỗ trợ người câm điếc" của Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân (Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh) đạt giải tư lĩnh vực Hệ thống nhúng.

Phần mềm hỗ trợ học Hóa học tích hợp công nghệ AR trên Android của Trần Thị Anh Thư (Trường Trung học phổ thông Chuyên Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đạt giải tư lĩnh vực Phần mềm hệ thống.

4 giải đặc biệt do các tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng gồm: Dự án Mind Hand: Một giải pháp toàn diện hỗ trợ truyền thông hai chiều cho người khiếm thính của Trần Thị Trang Ngân và Nguyễn Hiền Thảo Chi (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng);

Dự án Cánh tay robot cho người bị khuyết tật của Phạm Quang Huy (Trường Trung học phổ thông Quảng Trị) được trao giải thưởng của Quỹ IEEE.

Dự án Chemoscope: Ứng dụng tăng cường và kết hơp thực tế ảo hỗ trợ người học hóa học chạy trên Android của Trần Thị Anh Thư (Trường Trung học phổ thông chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng) giành hai giải thưởng do các hãng GoDaddy và Oracle trao tặng.

Tại lễ đón đoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Những thành tích này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trên đấu trường quốc tế, mang vinh quanh về cho gia đình, nhà trường, cho quê hương, đất nước.

Theo Thứ trưởng, để chọn được 8 dự án tham dự Intel ISEF 2017 từ 441 dự án dự thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2017, trong năm học 2016 – 2017 đã có hàng chục ngàn dự án được thực hiện trong các nhà trường. Trong số đó có trên 5.000 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố.

Con số đó đã nói lên sự phát triển của hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kĩ thuật cũng như giáo dục STEM trong giáo dục trung học đến thời điểm hiện tại. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang xây dựng.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng, thành tích ngày hôm nay có được nhờ sự hưởng ứng cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Bộ phát động.

Dù trong hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đạt kết quả cao nhờ sự đồng sức, đồng lòng của các gia đình, các thầy cô, đặc biệt sự gắn kết giữa trường đại học và trường phổ thông, sự quan tâm dìu dắt của các nhà khoa học và hơn hết là lòng đam mê, trí tuệ và nhiệt tình đam mê khoa học của các em học sinh.

Thành tích này sẽ là động lực cho các em trên con đường học tập và rèn luyện và chính các em sẽ là nòng cốt, là bước đệm để các em phát triển hơn nữa trước khi bước vào cánh cổng trường đại học. 

Dịp này, các học sinh đoạt giải 3, giải 4 Hội thi đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Những học sinh tham gia Hội thi và giáo viên hướng dẫn cũng được nhận Giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Intel ISEF là hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế hằng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 9 đến lớp 12), được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 1952. Mỗi năm có khoảng 1.800 học sinh trung học từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu ở 22 lĩnh vực của hội thi.

Bắt đầu chính thức tham gia Intel ISEF từ năm 2012 đến nay, năm nào Việt Nam cũng có dự án đoạt giải. 
Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học ở các địa phương hoặc các quốc gia. Các hội thi địa phương hay quốc gia này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của Intel ISEF và được gọi là các Hội thi Intel ISEF thành viên. 

Intel ISEF kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tranh tài ở đấu trường quốc tế; tạo điều kiện cho học sinh gửi những đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học trình độ cao để được đánh giá, nhận xét.

Linh Hương