Một trong những sự kiện khiến báo chí hao giấy tổn mực, dư luận kêu gào là cấm và cấp phép một số ca khúc sáng tác trước năm 1975.
Với những câu hỏi chẳng khác nào "hỏi xoáy đáp xoay" phát ra từ những cá nhân được cho là am hiểu nghệ thuật, đại loại như: Con đường xưa em đi là con đường nào? Chiến trường xưa là chiến trường nào…?
Vụ việc bắt đầu ồn ào khi ngày 22/3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-NTBD tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 là: "Cánh thiệp đầu xuân", "Rừng xưa", "Chuyện buồn ngày xuân", "Con đường xưa em đi", "Đừng gọi anh bằng chú"[1] với lý do "có vấn đề cần được xem lại".
Sự việc vốn chẳng có gì lớn lao bỗng dưng bị Cục nghệ thuật biểu diễn "nghiêm trọng hóa" một cách đáng…quan tâm.
Họ lý luận kiểu AQ rằng: "những bài chưa có đơn vị nào đứng ra xin phép thì chưa được cấp phép". Cách lý luận sặc mùi xin-cho này như đổ thêm dầu vào lửa.
Những ca khúc, ca từ đã đi vào lòng người, vượt thời gian, chứng minh sức sống mãnh liệt trong lòng thính giả tự nhiên bị đè ra…cấp phép! Mà nếu không có động thái "cấp" và "cấm" có lẽ thiên hạ còn yên ả hơn.
Chưa dừng lại ở đó, đến giữa năm 2017, danh sách 300 ca khúc, trong đó có những biểu tượng của nền âm nhạc cách mạng, như "Tiến quân ca"; "Chào em cô gái Lam Hồng"; "Chào sông Mã anh hùng"; "Biết ơn cụ Hồ Chí Minh"; "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"; "Việt Nam quê hương tôi"... bất ngờ lọt vào danh mục "Phổ biến những bài hát sáng tác trước năm 1975".
Sự "lập lờ đánh lận con đen" này thêm một lần nữa khiến dư luận "sục sôi", uy tín Cục Nghệ thuật biểu diễn giảm sút nghiêm trọng. Đã có những nghi ngờ về chuyên môn, trình hiểu biết của vị Cục trưởng.
Vì như thế chẳng khác nào bắt thiên hạ nghĩ rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho những ca khúc trên. Một việc làm thừa thãi, vô duyên!
Câu chuyện "cấp phép ca khúc" đã chấm dứt. Nhìn một cách khách quan, chính tư duy quản lý yếu kém và cứng nhắc đã khiến cho việc cấp phép phổ biến ca khúc "rối như canh hẹ".
Cuối cùng nhà chức trách phải lên tiếng xin lỗi công chúng và chiếc ghế Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bị thay thế.
Một diễn biến ròng rã mấy tháng trời tại Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1) và công cuộc giành lại vỉa hè được truyền thông tường thuật chi tiết đến từng câu nói, từng hành động.
Việc làm của ông Hải đã lây lan ra nhiều tỉnh thành, kể cả Hà Nội cách xa hơn ngàn cây số cũng bị kéo theo.
"Nóng" đến mức mấy cây tràm hoa vàng cổ thụ, tỏa bóng mát rượi ven quốc lộ chạy qua vùng quê nghèo, chẳng ảnh hưởng gì đến giao thông cũng bị nhân danh dọn vỉa hè đốn hạ; hàng trăm cây xanh giá trị ở Thạch Thất – Hà Nội cũng bị hứng một cách tội lỗi. Đấy! Người ta bê nguyên xi "mô hình" ông Hải đi khắp nơi.
Đương nhiên, sự cãi vã, tranh luận là điều không thể thiếu ở Việt Nam khi đích mục sở thị chuyện lạ mắt. Phe "văn minh" cảm thấy cần thiết phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ, cho bằng anh bằng em trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó những "đại biểu" của tầng lớp cần lao lại bày tỏ sự quan ngại sâu sắc cho số phận hàng trăm nghìn người bán hàng rong, sống nhờ vỉa hè. Vì thế họ cực lực lên án phương pháp "búa tạ" và "biên bản" của đoàn quân ông Hải.
Người ta nói cứ nói ông Hải vẫn chứ thản nhiên, lạnh lùng chỉ huy công cuộc biến Sài Gòn thành một Singapore thu nhỏ.
Ông Hải đi đến đâu dân tình nháo nhác đến đó, bất kể dân thường hay quan chức, nhưng cũng từ đây người ta bắt đầu phát hiện ra vỉa hè cũng bị…chia chác tham nhũng! Không biết có phải vì lý do đó hay không mà "sự nghiệp" giành lại vỉa hè của ông Hải bỗng dưng…muốn khóc.
Tưởng chừng người ta đã quên đi câu chuyện dọn dẹp vỉa hè nhưng sau sự việc bà Phó chủ tịch một Quận ở Hà Nội có lời qua tiếng lại với một chủ quán cà phê liên quan đến việc đỗ xe trên vỉa hè [2]…thế là “bò chết nhằm lúc khế rụng”. Câu chuyện vỉa hè lại một lần nữa được đào bới, xới xáo lên.
Màn cự cãi giữa "quan" và "dân" trong vụ đỗ xe kia làm lòi ra nhiều vấn đề cần nói đến. Chúng ta đang quản lý vỉa hè như thế nào? Hay chỉ là rầm rộ ra quân sau đó…phớt lờ? Vì sao lại xuất hiện màn cự cãi tai tiếng này? Chính là do quy định không rõ ràng, cho nên đến cả người của cơ quan chức năng còn không nắm rõ, huống chi…
Việc lấy lại vỉa hè mà chúng ta đã làm chỉ mới thành công chút ít về mặt hình thức, như nhiều chuyên gia nhận xét, không thể làm việc này chỉ bằng mệnh lệnh và lực lượng vật chất…mà phải song trùng với “tâm lý chiến” đánh vào ý thức người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh được coi là nơi châm ngòi cho hoạt động lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng cho đến nay tình hình… “vũ như cẩn”!.
Người khởi xướng quyết liệt nhất cũng im hơi lặng tiếng mà chẳng hiểu vì sao. Chẳng lẽ việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ vốn đương nhiên như mặt trời mọc đằng Đông bây giờ trở nên khó khăn như vậy sao? Ông Hải chắc phải đau lòng lắm.
Công cuộc giành lại vỉa hè (Ảnh minh họa: ndiep). |
Câu chuyện vỉa hè đáng ra không có gì để nói vì hàng chục năm nay cả xã hội mặc định việc lấn chiếm vỉa hè là một nhẽ đương nhiên như mặt trời lặn đằng Tây. Nếu như không có đợt ra quân dọn dẹp rầm rộ hồi đầu năm.
Không tin là có một thế lực ngầm mang tên “lợi ích nhóm” nào đó quá mạnh đến nỗi có thể cản trở công việc này nếu như chúng ta thu phục được lòng dân. Nói vậy để thấy rằng, làm được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, cách ứng xử của chúng ta.
Đề xuất táo bạo nhất năm có lẽ thuộc về công trình cải cách tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Tất cả những gì có thể nói về sự kiện này là đồng lòng "ném đá", đồng thanh chửi rủa. Đọc vô số cái tít trên báo, status trên mạng xã hội họa hoằn lắm mới thấy một vài lời cảm thông.
Có một nhà báo lớn thở dài, "chúng ta đang làm cái quái gì với nhau thế"?. Chúng ta hô hào chống lại Bùi Hiền bằng mục đích cao cả là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng chính chúng ta đã dùng tiếng Việt một cách tệ hại nhất để mắng chửi những thứ không làm chúng ta dễ chịu.
Bộ Giáo dục chưa có phương án nào cải tiến chữ quốc ngữ |
Dư luận cái gì cũng hay cũng giỏi, duy chỉ có một việc không chịu biết. Là dù có thêm cả chục ông Hiền và chục cái đề tài như thế nữa cũng chưa chắc làm tiếng Việt nhúc nhích chứ đừng nói chỉ là một đề xuất đơn lẻ chưa biết hay dở thế nào. Chắc rằng, mười người ném đá ông Hiền có đến chín rưỡi người chưa đọc qua công trình của ông ta.
Xa hơn là văn hóa ứng xử với cái mới, hễ thấy cái mới là đổ xô vào chê bai rồi "ném đá" cho đến chết thì đó là bước thụt lùi của văn hóa ứng xử.
Tại sao người ta kêu gọi dạy và học theo lối mới, có phản biện mà thực chất là biết cãi lại thầy cô, rồi thì giải phóng tư duy kích thích sáng tạo càng nhiều càng tốt.
Còn nhớ câu chuyện chiếc điện thoại Bphone của Bkav, người ta đua nhau vùi dập khiến Bphone không thể ngóc đầu lên được.
Chỉ một câu PR cho sản phẩm của mình mà anh Nguyễn Tử Quảng (CEO Bkav) đã trở thành trào lưu chế giễu trên mạng xã hội, nhưng mặc nhiên hàng ngày người ta lại chấp nhận vô số những slogan quảng cáo nổ banh trời trên tivi mà không mảy may để ý.
Chúng ta có quá ít sự độ lượng cho những ý tưởng mới, chúng ta tỏ ra mình quá thông thái đến mức không muốn (không thể) chấp nhận thêm một thứ gì vượt ra ngoài tầm hiểu biết. Văn hóa ứng xử với cái mới đang có vấn đề, mạng xã hội mang lại cho chúng ta điều đó.
Chúng ta có thừa sự nhiệt tình để bàn tán phán xét cái không quen nhưng lười sáng tạo. Chúng ta ưa những con đường thênh thang hơn những lối mòn đường tắt. Dĩ nhiên sự tồn tại của một ý tưởng mới không phụ thuộc vào điều chúng ta muốn hay không. Vì cái mới thuộc về khách quan (hết)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cuc-ntbd-xin-nghiem-khac-rut-kinh-nghiem-viec-tam-dung-luu-hanh-5-ca-khuc-truoc-1975-n20170415105348723.htm
[2] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/pho-chu-tich-quan-o-ha-noi-co-loi-trong-ung-xu-voi-cong-dan-3627234.html