Muốn công nghiệp văn hóa phát triển cần quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo

16/02/2024 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa, theo lãnh đạo các trường, việc đào tạo nguồn nhân lực lưu giữ và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống là rất quan trọng.

Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa-nghệ thuật luôn là vấn đề được Đảng và nhà nước ta chú trọng, quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp văn hóa hiện nay. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg đã chỉ rõ nhu cầu “đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa”, hướng tới “đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa”.

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật đáp ứng trong bối cảnh công nghiệp văn hóa hiện nay không phải điều dễ dàng.

Phải đào tạo nguồn nhân lực dựa trên nền tảng của văn hóa truyền thống

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, công nghiệp văn hóa bản chất là sự sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống để có thể mang lại lợi ích kinh tế cho con người.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, họ đã và đang phát triển công nghiệp văn hóa qua các bộ phim, chương trình biểu diễn tái hiện lại truyền thuyết, lịch sử,... bằng những hình ảnh, động tác của con người và đã đem lại nguồn lợi về kinh tế tương đối lớn. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đang có Chương trình “À ố show” thể hiện, khai thác đặc trưng văn hóa làng quê Nam Bộ đã thu hút rất nhiều du khách nước ngoài.

Chính vì vậy, muốn phát triển lĩnh vực này một cách bền vững, việc dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống là rất quan trọng, nếu không sẽ thành bắt chước quốc gia khác, và tất nhiên điều này sẽ không vững bền.

thumb.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh).

Cũng theo thầy Lâm Nhân, có thể thấy rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực có chiều sâu của đặc trưng bản sắc văn hóa để khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa chính là việc chúng ta cần phải làm trong bối cảnh hiện nay.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, để chiến lược này đi vào thực tiễn, thầy Lâm Nhân cho rằng, chúng ta phải tiến hành một cách đồng bộ, đặc biệt là phải đầu tư, phát triển con người để vận hành chiến lược này như tiếp cận với chuyển đổi số trong việc chia sẻ, liên kết với các trường học trong và ngoài nước, từ đó khuyến khích sự năng động, sáng tạo cho người học; có các chính sách tài trợ học bổng, khuyến khích sự sáng tạo, tạo ra các cuộc thi phát huy văn hóa truyền thống cho sinh viên; tạo các cơ hội, trải nghiệm, học tập nâng cao trình độ cho giảng viên;

Ngoài ra, cần đảm bảo có cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị hiện đại, phòng học thông minh để thúc đẩy sự phát triển yếu tố con người nêu trên.

Đối với Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay đã là năm thứ 4 nhà trường đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa (thuộc khoa Văn hóa học).

Thầy Lâm Nhân chia sẻ, từ khi Chính phủ đưa ra chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào năm 2016, nhà trường đã bắt đầu nghiên cứu với các Viện nghiên cứu có liên quan để xây dựng các chương trình đào tạo làm sao giúp cho các em nắm được các vấn đề cốt lõi về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, bằng cách tiếp cận mới của nền kinh tế thị trường, việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa-nghệ thuật đang có rất nhiều thay đổi, bắt buộc nguồn nhân lực phải đáp ứng cho những yêu cầu mới.

z3981870827434_53864a6578d684575a1e5db001c852d0.jpg
Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật đã không còn bị ảnh hưởng bởi ranh giới địa lý trong việc tiếp cận và giao lưu để có những bước tiến phát triển mạnh mẽ.

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học về lĩnh vực này phải chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của cộng đồng và người sử dụng; cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu để có thể tiến tới hình thức đào tạo mới lạ, hiện đại hơn; đồng thời cũng cần xem xét lại thị hiếu của cộng đồng, của đất nước để có những thay đổi về chương trình, về mặt công nghệ trong việc đào tạo.

Hơn nữa, tốc độ và mức độ thay đổi ra sao còn tùy thuộc vào từng điều kiện của mỗi cơ sở đào tạo nhưng làm sao phải tạo ra môi trường học tập sáng tạo với kỹ năng mới, cách tiếp cận mới. Và muốn có cách tiếp cận mới, bản thân những nhà lãnh đạo cũng phải thay đổi phù hợp.

Sản phẩm văn hóa-nghệ thuật làm ra phải là sản phẩm của cơ chế thị trường

Bên cạnh đó, theo thầy Thành, vẫn còn một số khó khăn trong việc thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa-nghệ thuật do những thói quen chưa thể thay đổi như rào cản về mặt tâm lý, nhận thức. Trong khi đó, chúng ta cần nhìn nhận rằng, việc xã hội thay đổi trong thời kỳ mở cửa và hội nhập quốc tế là một giai đoạn tất yếu của toàn cầu nên tất yếu chúng ta bắt buộc cũng phải thay đổi.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghiệp văn hóa hiện nay, văn hóa-nghệ thuật chính là một ngành công nghiệp có chức năng quan trọng là hàng hóa nên tất yếu sản phẩm làm ra phải là sản phẩm của cơ chế thị trường, phải chú tâm đến người sử dụng và người tiêu dùng để đáp ứng được nhu cầu của họ.

Có thể thấy rằng, nhiều quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, thực sự công nghiệp hóa văn hóa đã thành công với cường độ và mức độ thực hiện rất mạnh mẽ. Và Việt Nam muốn làm được như vậy phải tạo ra “cú nhảy vọt” bởi đất nước ta là quốc gia đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền, nên nhu cầu của người sử dụng hàng hóa về văn hóa-nghệ thuật cũng rất đa dạng.

Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho hay, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Trước thời kỳ hội nhập quốc tế, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật chủ yếu để đáp ứng các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Sinh viên tốt nghiệp đa phần làm việc tại các thiết chế văn hoá thuộc khu vực nhà nước.

268543.1kx.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định.

Đơn cử, tại Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đã khái quát 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Trong đó, chính sách thứ 9 đề cập đến phát triển nguồn nhân lực văn hoá đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần coi phát triển nguồn nhân lực văn hoá là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bảo đảm cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Tuy vậy, để hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật đạt được những đột phá về chất lượng, số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của thời đại trong bối cảnh mới.

Bày tỏ quan điểm về chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật trong thời gian gần đây, thầy Phạm Trí Thành cho rằng, trên thực tế, mặc dù chúng ta có những chính sách tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật nhưng để vận hành, vận dụng nó còn nhiều khó khăn.

Do đó, trong bối cảnh thực hiện công nghiệp văn hóa như hiện nay, rất cần những chính sách của nhà nước, quy định của các Bộ, ban, ngành mang tính định hướng một cách lâu dài và rõ nét hơn nữa cho các cơ sở đào tạo có hành lang pháp lý để phát huy được vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình. Bởi, từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn luôn là nòng cốt để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho xã hội.

Không những vậy, trong bối cảnh công nghiệp văn hóa, việc lưu giữ và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng rất quan trọng.

Hiện nay, văn hóa truyền thống lại chưa đáp ứng được thị hiếu đang có nhiều thay đổi của người dân trong xã hội hiện đại; công việc gìn giữ, bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo phải làm sao để sinh viên có thể rèn luyện, phát huy, bảo tồn những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, đã được cha ông đúc kết qua nhiều thời gian và hòa hợp trong bối cảnh mới.

Mặt khác, thầy Thành cho biết thêm, việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là hướng đi đúng đắn và tất yếu. Tuy nhiên, đây vẫn đang là vấn đề rất khó khăn đối với các trường đào tạo nghệ thuật vì thực chất chưa đủ lực để thực hiện việc này.

Nhiều cơ sở đào tạo đã tự chuyển mình tìm ra những hướng đi mới như mở chuyên ngành đào tạo, hình thức đào tạo, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp mới nhằm đáp ứng cơ chế thị trường của thời kỳ hội nhập mà vẫn giữ gìn bảo tồn và phát huy được những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật giàu bản sắc của đất nước.

Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực văn hoá, nghệ thuật hiện nay không chỉ đến từ khu vực công mà đang có xu hướng gia tăng mạnh từ khu vực tư nhân.

Sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật có nhiều cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức và cũng có thể trở thành chủ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ văn hoá nghệ thuật.

Cũng theo thầy Lượng, để đáp ứng tốt nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật, đối với cơ sở đào tạo lĩnh vực này ở nước ta, cần thích ứng và vận hành theo quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế để đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy - kiểm tra đánh giá và cách thức quản lý; công nghiệp sáng tạo phát triển;

Đào tạo những gì xã hội cần; tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, đề cao thực hành, thực tế; chủ động mời các giảng viên thỉnh giảng là đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ chuyên môn và đặc biệt là những người giàu kinh nghiệm tổ chức, hoạt động thực tiễn trong các ngành công nghiệp văn hoá.

Bên cạnh đó, để có kỹ năng mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tính sáng tạo, phù hợp với tổ chức, kinh doanh văn hoá, nghệ thuật trong bối cảnh công nghiệp văn hoá hiện nay, nhà nước cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo văn hoá, nghệ thuật để đầu tư cho một số cơ sở đào tạo trọng điểm cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nghiên cứu, giảng dạy chất lượng cao; cần tiếp cận và áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến của các nước có các ngành công nghiệp văn hoá,

“Để đào tạo nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật phát triển hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp văn hóa hiện nay, tôi mong rằng, nhà nước cần đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo đại học trọng điểm trong lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật.

Đây sẽ là các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy văn hoá, nghệ thuật và chuyển giao công nghệ hàng đầu của đất nước, ngang hàng với các cơ sở đào tạo tiên tiến trong khu vực, có khả năng hội nhập quốc tế cao”, thầy Lượng bày tỏ.

Tường San