Mục tiêu rèn các kỹ năng trong sách Ngữ văn lớp 9 được thể hiện ra sao?

26/02/2024 14:28
Nguyên Bình
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Mục tiêu của môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 tập trung hướng đến việc hình thành và phát triển đồng đều các năng lực đọc – viết – nghe – nói.

Mục tiêu này được thể hiện một cách cụ thể, tường minh trong bộ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 của bộ sách Chân trời sáng tạo qua việc xây dựng, thiết kế cấu trúc bài học triển khai trên chính trục kĩ năng này.

Kĩ năng Đọc – hiểu: Kĩ năng đọc – hiểu giúp học sinh cảm nhận được những điểm đặc sắc về mặt nội dung và nghệ thuật của văn bản, hiểu được thông điệp, tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi gắm trong văn bản; nhận thức được những đặc trưng tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại.

Mỗi bài học có 4 văn bản được khai thác đọc – hiểu. Các văn bản này cùng thuộc một chủ điểm, trong đó văn bản 1, văn bản 2, văn bản 4 cùng thể loại. Học sinh sẽ được hình thành kĩ năng đọc văn bản theo thể loại: có kĩ năng so sánh liên văn bản giữa văn bản 1 với văn bản 2; có kĩ năng tự thực hành đọc – hiểu văn bản 4 dựa trên việc vận dụng những kiến thức về thể loại mà học sinh đã tiếp nhận trước đó. Văn bản 3 tuy khác thể loại nhưng có tác dụng cung cấp cho học sinh một “trải nghiệm mới”, nhận thức mới – cùng một vấn đề nhưng có thể được truyền tải một cách mới lạ bằng những thể loại khác.

Quy trình đọc - hiểu cũng được thiết kế khoa học, tuyến tính theo ba giai đoạn tương ứng với 3 mục lớn trong sách giáo khoa: trước khi đọc (Chuẩn bị đọc) – trong khi đọc (Trải nghiệm cùng văn bản) – sau khi đọc (Suy ngẫm và phản hồi). Quy trình đọc – hiểu này giúp học sinh vừa có tâm thế hứng thú khi chuẩn bị tiếp cận văn bản; vừa có cơ hội thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của văn bản bằng các kĩ năng liên tưởng/ tưởng tượng/ suy luận/ dự đoán…; vừa có khả năng liên hệ, kết nối giữa những vấn đề đặt ra trong văn bản với thực tế cuộc sống xung quanh mình, từ đó có thể rút ra những bài học sâu sắc cho bản thân.

anh1.png

Kĩ năng Viết: Đây là kĩ năng tạo lập văn bản – sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, mang phong cách cá nhân. Để hình thành nên kĩ năng này, học sinh cũng được thực hiện theo các thao tác, các bước, các nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể theo nguyên tắc học song song với thực hành.

Bước 1: Học sinh được tiếp xúc với văn bản mẫu với tư cách là một “mô hình trực quan”, từ việc phân tích mô hình này học sinh nhận biết được cấu trúc bài viết, nắm được đặc điểm, chức năng của từng phần. Trên cơ sở đó, học sinh học được cách tự mình “làm ra” những sản phẩm đạt yêu cầu tương tự về kiểu bài nhưng mang dấu ấn của cá nhân chứ không phải là sao chép theo khuôn mẫu.

Bước 2: Học sinh thực hành viết – tạo lập văn bản theo một quy trình tỉ mỉ, chặt chẽ, gồm 4 bước nhỏ: Chuẩn bị trước khi viếtTìm ý, lập dàn ýViết bàiXem lại, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

Bước 3: Học sinh có thể tự kiểm soát, đánh giá chất lượng bài viết của mình dựa trên các bảng kiểm được cung cấp sẵn trong sách giáo khoa. Như vậy, ở đây không chỉ có sự đánh giá một chiều từ phía giáo viên với bài làm của học sinh, mà căn cứ vào các tiêu chí nêu ra trong bảng kiểm chính bản thân học sinh cũng có thể đánh giá được chất lượng bài làm của mình và của bạn cùng lớp (tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng).

Kĩ năng Nói và nghe: Đây là điểm mới nổi bật của sách giáo khoa môn Ngữ văn được triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hoạt động nói – nghe trở thành một hoạt động học tập trao cho học sinh cơ hội được rèn luyện, phát triển năng lực giao tiếp: tự tin trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân về một vấn đề trước tập thể; biết lắng nghe, phản hồi ý kiến của người khác và tự điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân trong thảo luận, trao đổi ý kiến… Trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo) cũng có các bảng kiểm để học sinh tự đánh giá năng lực của mình.

image003.png

Trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo), giữa các kĩ năng đọc – viết – nghe – nói còn có mối liên hệ mật thiết, tương hỗ với nhau. Học sinh không chỉ được rèn luyện thành thục các kĩ năng riêng lẻ mà còn có cơ hội phối hợp các kĩ năng này tạo ra năng lực tiếp nhận – sử dụng – sáng tạo ngôn ngữ mang màu sắc cá nhân.

Nhiều kiểu bài mà học sinh thực hành trong phần Viết có sự tương ứng hoặc có liên quan về thể loại với văn bản trong phần Đọc – hiểu. Các văn bản xuất hiện trong phần Đọc – hiểu đều là những tác phẩm chọn lọc, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu mặt thể loại. Có thể nói những văn bản đó như là một “mẫu hình lí tưởng” để học sinh học hỏi, vận dụng khi thực hành Viết – tạo lập văn bản. Ví dụ:

Bài
Hoạt động Đọc
Hoạt động Viết
1
Thương nhớ quê hương - Thơ
- Làm một bài thơ tám chữ
- Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ
2
Giá trị của văn chương - văn bản nghị luận
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học
3
Những di tích lịch sử và danh thắng - văn bản thông tin
Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
4
Con người trong thế giới kì ảo – Truyện truyền kì
Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện đã đọc.
6
Những vấn đề toàn cầu – văn bản nghị luận
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

Trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo), giữa kĩ năng Viết và Nói – nghe có mối quan hệ hữu cơ, sản phẩm của hoạt động Viết có thể là chất liệu tạo nên bài nói, bài thuyết trình ở hoạt động Nói và nghe. Ví dụ:

Bài
Hoạt động Viết
Hoạt động Nói và nghe
3
Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
4
Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện đã đọc.
Kể một câu chuyện tưởng tượng
6
Những vấn đề toàn cầu – văn bản nghị luận
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự
7
Viết một truyện kể sáng tạo
Kể một câu chuyện tưởng tượng
9
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự

Có thể nói, rèn các kĩ năng Đọc – viết – nghe – nói là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của sách Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo) nhằm tạo điều kiện cho học sinh có được những năng lực chung và năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học). Mục tiêu này thể hiện tường minh, khoa học trong chính cấu trúc bài học và cấu trúc sách nói chung.

Nguyên Bình