Mùa khô ở Mường Nhé, thầy và trò phải tiết kiệm từng chậu nước

25/04/2023 06:46
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khi những dòng suối cạn cũng là lúc các nhà trường thiếu nước sinh hoạt, ngành GD Mường Nhé mong các nhà trường được giúp đỡ để khắc phục khó khăn.

"Những tháng đầu năm, các con suối bắt đầu cạn dần, các mó nước trong núi cũng không còn nhiều nước như thời điểm mùa mưa. Nguồn dự trữ nước sinh hoạt của nhà trường hiện nay chỉ để phục vụ nấu ăn.

Còn những em học sinh bán trú ở lại trường phải đi xuống những khe suối cũng chỉ còn rất ít ỏi nước tự nhiên để tắm giặt. Mùa khô, cả thầy và trò ở Huổi Lếch đều rất vất vả", thầy giáo Phạm Văn Quynh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) chia sẻ về khó khăn thiếu nước sinh hoạt mỗi mùa khô về.

Cũng theo thầy Quynh, trường nằm trên đồi, khe suối ở đây thì nhỏ, nên mùa khô hạn, cả thầy và trò phải tiết kiệm từng chậu nước một.

Học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch phải đi tìm nguồn nước cách trường cả cây số để sinh hoạt. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch phải đi tìm nguồn nước cách trường cả cây số để sinh hoạt. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thầy Phạm Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Vì, huyện Mường Nhé chia sẻ, mặc dù hệ thống đường nước, bể chứa của trường đã được đầu tư nhưng dung tích còn nhỏ, nguồn nước được lấy từ khe suối quá xa, nước dự trữ không đủ để thầy và trò sử dụng trong mùa khô nên tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra hàng năm.

Các em nhỏ vùng cao phải sinh hoạt, tắm giặt trên những dòng suối cạn. Ảnh: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch

Các em nhỏ vùng cao phải sinh hoạt, tắm giặt trên những dòng suối cạn. Ảnh: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch

Trước thực trạng đó, thầy cô giáo nhà trường đã tự đào giếng, tuy nhiên nước từ giếng đào bơm lên thường có màu vàng đục nên chưa đảm bảo vệ sinh để sử dụng.

Với nước để phục vụ ăn, uống nhà trường phải dùng rất tiết kiệm từ nguồn xin của người dân ở bản.

Mỗi mùa thiếu nước, nỗi lo lớn nhất với thầy cô giáo là sức khỏe của học sinh, bởi nếu các em sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ mắc các bệnh về da cao, và các bệnh này cũng lây lan rất nhanh.

Khe nhỏ để lấy nước của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ đã cạn nước. Thầy trò phải tìm cách tiết kiệm hết sức có thể. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé.

Khe nhỏ để lấy nước của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ đã cạn nước. Thầy trò phải tìm cách tiết kiệm hết sức có thể. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé.

Thầy giáo Phạm Xuân Tuyến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ cho biết: "Bắt đầu vào mùa thiếu nước, học sinh nhà trường gặp nhiều khó khăn. Năm nay, do sửa chữa, học sinh nhà trường phải đi học nhờ bên Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ nên còn khó khăn hơn năm trước.

Thiếu nước sinh hoạt nên các em học sinh của cả 2 trường đều phải hết sức tiết kiệm. Trước mắt nước ưu tiên nước dùng cho học sinh nhỏ tuổi, chưa đi xa lấy nước được, còn học sinh lớn phải khắc phục, đi đường xa xuống các khe, suối để lấy nước về".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: “Từ cuối đông, sang hết mùa xuân là thời gian cả thầy và trò ở địa phương vô cùng khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

Mặc dù nhiều năm qua, các thầy cô, các em học sinh cũng đã rất cố gắng nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại.

Trường học ở Pá Mỳ huy động toàn bộ chậu để đựng nước sạch phục vụ nấu ăn. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé

Trường học ở Pá Mỳ huy động toàn bộ chậu để đựng nước sạch phục vụ nấu ăn. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé

Các trường chủ yếu sử dụng giải pháp tình thế như: tiết kiệm nước sinh hoạt, học sinh ở lại trường phải tắm giặt từ nguồn nước còn lại tại khe suối. Các thầy vẫn nhắc học sinh không được ra những đoạn nhiều ghềnh đá, nguy hiểm để đề phòng tai nạn thương tích.

Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng đã và đang xây dựng tờ trình, kế hoạch đề nghị chính quyền địa phương quan tâm khắc phục khó khăn thiếu nước này.

Cùng với đó là việc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục tài trợ xây dựng thêm nhiều công trình nước sinh hoạt đạt chuẩn, bể chứa, từng bước tháo gỡ khó khăn do thiếu nước sinh hoạt tại các nhà trường.

Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn, ghi nhận những tấm lòng vàng của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, giúp đỡ cho các nhà trường trên địa bàn huyện”.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé, năm học 2022-2023, Phòng có tổng số 35 đơn vị trường trực thuộc bao gồm cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, 23/35 đơn vị trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng số 675 lớp, 17.231 học sinh (trong đó có 6.608 học sinh bán trú).

Để có thêm nguồn kinh phí khoan giếng tạo nguồn nước cho các nhà trường, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên kêu gọi và mong muốn nhận được sự tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; các thế hệ thầy giáo, cô giáo, nhân viên, các bậc phụ huynh học sinh trong và ngoài địa phương tỉnh Điện Biên cùng chung tay góp sức;

Để các thế hệ học sinh trên địa bàn huyện được học tập trong một môi trường giáo dục tốt hơn, đáp ứng được sự mong mỏi của lãnh đạo, nhân dân địa phương và các thế hệ thầy và trò các đơn vị trường trên địa bàn huyện.

Trần Phương