Chất lượng nước sinh hoạt của thầy-trò là điều khiến nhiều hiệu trưởng lo lắng

05/12/2022 06:30
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường vùng khó đã được địa phương cung cấp đủ nước sinh hoạt nhưng chất lượng nước vẫn khiến hiệu trưởng các trường lo ngại.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều trường khắc phục được tình trạng thiếu nước vào các mùa khô diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do nguồn nước không ổn định, các trường học vùng khó vẫn chưa có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.

Nước phục vụ sinh hoạt của nhiều em học sinh, thầy cô vẫn đang phải phụ thuộc vào từng cơn mưa, khe nước nguồn, giếng nước khoan… Để bớt đi những vất vả lo lắng, đảm bảo điều kiện cho việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình nước sinh hoạt của trường, thầy Trần Quý, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Liên xã La Dêê-Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết:

"Nhờ hệ thống dẫn nước được nhà nước đầu tư, hiện Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Liên xã La Dêê - Đắc Tôi đã cơ bản có đủ nước sử dụng trong sinh hoạt cho các em học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, do phải phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên từ suối nên nước này vẫn chưa được đảm bảo vệ sinh, dẫn tới nguồn nước không ổn định.

Các em học sinh và phụ huynh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Liên xã La Dêê - Đắc Tôi trong buổi lao động công ích của trường (Nguồn: Website nhà trường).

Các em học sinh và phụ huynh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Liên xã La Dêê - Đắc Tôi trong buổi lao động công ích của trường (Nguồn: Website nhà trường).

Đặc biệt là khi có mưa, cả hệ thống dẫn nước bị hư hỏng, dẫn đến nước bị đục, bị tắc nghẽn, phải chờ một vài ngày để khắc phục thì mới có thể tiếp tục sử dụng được. Trong những ngày đó, học sinh phải ra sông suối để tắm rửa, vệ sinh nên rất nguy hiểm.

Do đó, tôi mong muốn các trường gặp khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Liên xã La Dêê - Đắc Tôi được xây dựng hệ thống giếng khoan, có máy bơm nước để có nguồn nước sinh hoạt được chủ động thay vì phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên không ổn định, phải tùy theo thời tiết như vậy. Bởi là một trường bán trú nên việc có nước sạch cho các em học sinh và giáo viên sử dụng, vệ sinh cá nhân rất quan trọng".

Cũng theo thầy Quý, trường có tính đến việc xây dựng giếng nước để đảm bảo nguồn nước ổn định, đảm bảo vệ sinh nhưng chi phí quá cao. Bởi trường có 160 học sinh và 20 giáo viên thì phải xây khoảng 3 đến 4 giếng khoan chứa nước mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, với địa hình nhiều đất đá như của xã La Dêê thì để đào một giếng khoan như vậy phải tốn chi phí rất cao là 150 triệu đồng. Hơn nữa, với 100% học sinh của trường là dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc huy động kinh phí xã hội hóa từ phụ huynh để đầu tư việc xây dựng giếng khoan gần như là không thể.

Đây là khó khăn chung của toàn xã, các đơn vị, các trường học trên địa bàn xã La Dêê cũng đang sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh như vậy chứ không riêng gì nhà trường.

Bên cạnh đó, theo thầy Quý, chỉ có nước sinh hoạt chưa được đảm bảo vệ sinh, còn nguồn nước uống do trường có trang bị bình lọc nên đã được đảm bảo.

Là một trong những vùng cao của cả nước, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp khó khăn về việc đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho các trường học trên địa bàn vào mùa khô.

Chia sẻ về tình hình nước sinh hoạt hiện tại của các trường học trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết:

“Hiện các trường học trên địa bàn huyện Mường Khương không còn tình trạng phải chở nước đến trường để sử dụng vào mùa thiếu nước như trước kia nữa. Trong những mùa có nhiều nước, ngành giáo dục của huyện đã hỗ trợ các trường sử dụng các bể chứa nước để tích trữ lại đến mùa khô có nước sử dụng.

Tích trữ nước thải sinh hoạt để tái sử dụng ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)
Tích trữ nước thải sinh hoạt để tái sử dụng ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

Thông thường, mùa khô của huyện sẽ xảy ra vào sau Tết, do đó, nếu thời gian mùa khô ngắn thì vẫn có đủ nước từ những bể chứa nước tích trữ để sử dụng. Nhưng nếu mùa khô kéo dài thì sẽ gây thiếu nước cục bộ cho tất cả các trường trên địa bàn, trong đó, khó khăn nhất là ở các xã Dìn Chin, xã Tả Gia Khâu.

Ngoài việc tích nước trong bể chứa, các trường trên địa bàn cũng sử dụng phương án là làm những máng hứng đón nước từ sương đêm để bổ sung thêm nước sử dụng trong sinh hoạt”.

Cũng theo ông Vinh, phía phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương đã từng tính đến việc dùng ống dẫn nước đến hệ thống máy bơm nước cho trường nhưng do huyện có 16 xã mà có đến 12 xã là ở khu vực núi cao.

Với vị trí như vậy, hầu hết các trường học của khu vực đều không có nguồn nước ở gần, nơi có nguồn nước dồi dào lại ở cách trường học quá xa không thể bơm được nước lên tới trường.

Mặt khác, theo ông Vinh, do sử dụng nguồn nước từ sông suối như vậy, nên nước sinh hoạt của các trường của địa phương chỉ được là nguồn nước sạch tự nhiên chứ để đảm bảo nước sạch theo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu về nước đã qua xử lý thì chưa đảm bảo được. Đây cũng là vấn đề khó khăn khiến huyện trăn trở suốt thời gian qua.

Hiện ngành giáo dục huyện Mường Khương cũng đang dự tính đến việc làm dự án đường bơm với 2 đến 3 chặng để dẫn nước đến các trường học được chủ động, không lo thiếu nước vào mùa khô nữa.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, để dự án này được triển khai chắc chắn sẽ cần kinh phí rất cao nên hiện tại huyện vẫn chưa thể thực hiện được.

Trà My