Nội dung trong sách giáo khoa giả có ý nghĩa khác với sách thật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Thịnh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy tình hình sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn còn tồn tại và có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vào đầu năm học mới, tình hình này càng diễn ra nhiều hơn.
Sách lậu, sách giả ngày càng biến hóa muôn hình vạn trạng, khiến độc giả khó phát hiện. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, sách lậu đã trà trộn vào các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, dẫn đến một số phụ huynh, học sinh mua phải sách giáo khoa giả do không phân biệt được thật - giả. Ngoài ra, giá thành rẻ, chiết khấu cao cũng là một trong những lý do khiến phụ huynh mua nhầm sách giáo khoa giả.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của nhà trường đến phụ huynh, học sinh chưa thực sự sâu rộng, cặn kẽ. Nhiều phụ huynh chưa nắm được địa chỉ tin cậy để mua sách và chưa hiểu hết tác hại của sách lậu ảnh hưởng đến việc học tập như thế nào.
Sách giả có thể bị thiếu trang, thiếu nội dung hoặc nguy hại hơn là sai lệch về kiến thức, khiến học sinh có góc nhìn không chuẩn xác. Những thông tin không được kiểm định, sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của thầy cô, việc học tập, tư duy của học sinh”.
Thầy Thịnh cho biết thêm, để hạn chế việc mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu, học sinh nên đăng ký mua sách tại trường. Việc này giúp học sinh yên tâm hơn về chất lượng, nội dung cũng như hình thức. Hiện nay, 100% học sinh nhà trường đều đăng ký mua sách tại trường (nhà trường thông qua Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Phú Thọ), hoặc các cửa hàng sách tin cậy.
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên 1 trường tiểu học tại huyện Văn Chấn, (tỉnh Yên Bái) cũng bày tỏ: “Theo tôi, khi mua sách tại các cửa hàng nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh hay mua qua mạng Internet, nguồn sách không đảm bảo, dễ dẫn đến tình trạng mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Sách giả thường không đảm bảo về chất lượng, nội dung không đầy đủ hoặc sai lệch, chất lượng in ấn kém, chất liệu giấy mỏng, chữ có thể bị mờ, nhòe… Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng xấu đến thị lực, đặc biệt ảnh hưởng đến kết quả học tập”.
Cô Hương cho biết thêm: “Từ đầu mỗi năm học, nhà trường đều thông báo danh mục và giá sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh. Việc này góp phần hạn chế tình trạng mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu, đồng thời đảm bảo chất lượng sách được sử dụng trong nhà trường.
Thực tế, trước đây, tôi đã từng gặp trường hợp học sinh mua phải sách giả, sách in lậu từ cửa hàng sách bên ngoài. Một bài học trong sách được sắp xếp, thay đổi về cách diễn đạt, khiến học sinh nhầm lẫn, không hiểu bài. Thậm chí, một số từ trong quyển sách giáo khoa giả đó còn có ý nghĩa khác với sách thật, làm cho nội dung của đoạn văn, đoạn thơ bị khác đi so với bài gốc. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh cũng như việc giảng dạy của giáo viên.
Khi quan sát bằng mắt thường, nếu không để ý kỹ, sẽ rất khó nhận ra được sự khác nhau giữa 2 quyển sách. Tuy nhiên, nếu so sánh nội dung bên trong hay chất lượng in ấn, sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn.
Để hạn chế việc mua nhầm sách giả, sách lậu, theo tôi, rất cần thiết phải hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách phân biệt sách giả - sách thật”.
Tăng cường sự liên kết giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường
Chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1976), sống tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Hiện tại, con tôi đang học trung học phổ thông. Trước đây, khi chưa đăng ký mua sách tại nhà trường, tôi thường mua sách cho con tại một số cửa hàng sách gần nhà.
Trước khi vào đầu năm học, con tôi muốn mua sách để ở nhà học và đọc trước bài, nên tôi đã lên sàn thương mại điện tử để đặt sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện ra đã mua trúng một cuốn sách giáo khoa kém chất lượng.
Cuốn sách được in khá mờ, giấy mỏng, các trang sách không đều nhau, lỗi phông chữ và không có kích cỡ giống như bộ sách giáo khoa thông thường. Tôi có liên hệ lại ngay với địa chỉ online đã mua nhưng không nhận được phản hồi. Vì mua qua mạng Internet và giá trị không lớn, nên tôi coi đây là một bài học kinh nghiệm và sẽ tìm hiểu kỹ địa chỉ uy tín trước khi mua sách.
Qua sự việc này, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra chất lượng sách giáo khoa đang lưu hành trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, tránh trường hợp sách giả, sách lậu bán ngang nhiên trà trộn với sách thật”.
Chị Hằng chia sẻ thêm: “Để hạn chế việc mua nhầm sách giáo khoa giả, theo tôi, phụ huynh cần tăng cường kết nối, trao đổi với nhà trường. Nhà trường có thể gửi thông báo trực tiếp qua văn bản hoặc thông qua sổ liên lạc điện tử về việc nên mua sách giáo khoa tại nhà trường, các nhà sách, nhà xuất bản uy tín.
Ngoài ra, với thời đại công nghệ số như hiện nay, nhà trường nên đăng tải thường xuyên các thông tin về sách giáo khoa trên website, fanpage nhà trường hoặc nhóm zalo của lớp để giúp phụ huynh, học sinh nắm bắt tình hình kịp thời, nhanh chóng hơn”.
Để đẩy lùi vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu, cô giáo Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng: “Cần phải nâng cao nhận thức, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để phụ huynh, học sinh và giáo viên biết cách nhận diện sách giả, tránh trường hợp mua phải loại sách không đảm bảo chất lượng.
Để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, phụ huynh và học sinh nên đăng ký mua sách tại trường để tránh mua trúng sách giả, sách lậu... Những trường hợp không mua sách tại trường, cần tìm hiểu kỹ, nên mua sách tại các nhà sách, đơn vị phát hành chính thống hoặc các nhà cung cấp uy tín trên sàn thương mại điện tử”.
Về giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán sách lậu tràn lan, theo thầy Nguyễn Xuân Thịnh, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe với hành vị sản xuất và tiêu thụ sách lậu.
“Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đăng tải nhiều hơn nữa các bài viết về thông tin về sách giả, sách lậu, cũng như hệ lụy của việc sử dụng sách giả, lậu.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về tác hại của sách giáo khoa giả, lậu. Việc này đóng vai trò quan trọng trong vấn đề nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về việc mua sách giáo khoa từ nguồn chính thống.
Nhà trường có thể lồng ghép các nội dung tuyên truyền về sách giáo khoa thật trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học. Đồng thời, thầy cô cũng cần phân tích rõ về tác hại, sự ảnh hưởng của sách lậu đến quá trình học tập của học sinh ra sao. Từ đó, hướng dẫn phụ huynh cách nhận diện sách thật - giả và khuyến khích mua sách từ nguồn uy tín, đảm bảo trên thị trường” - thầy Thịnh bày tỏ.