Việc buôn bán sách giáo khoa giả không chỉ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà xuất bản, đơn vị phát hành mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy học. Trong đó, người chịu ảnh hưởng lớn nhất là học sinh - những "mầm non" tương lai của đất nước.
Bởi vậy, vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhà trường và các cơ quan chức năng.
Nhà trường là đầu mối nhận đăng kí mua sách giáo khoa cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Thuận (Bắc Giang) cho biết, vào đầu năm học, nhà trường thông báo tới phụ huynh và học sinh về việc lựa chọn bộ sách dùng làm tài liệu giảng dạy, học tập.
Sau đó, học sinh đăng ký mua bộ sách giáo khoa theo nhóm môn lựa chọn. Tiếp đến, nhà trường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đặt mua sách giáo khoa với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, vị Hiệu trưởng cũng cho biết: "Nhà trường cũng tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh việc nhận thức về tác hại khi sử dụng sách giáo khoa giả; đưa ra một số dấu hiệu nhận biết cơ bản về các ấn phẩm giả mạo như chất lượng giấy in mỏng, hình ảnh mờ, nhòe....
Ngoài ra, sách giáo khoa giả còn có những thông tin sai lệch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.
Cho đến nay, Ban giám hiệu nhà trường chưa phát hiện trường hợp nào, học sinh mua, sử dụng sách giáo khoa giả".
Để phòng chống sách giáo khoa giả, vị Hiệu trưởng bày tỏ: "Về phía nhà trường, chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho phụ huynh và học sinh, cần thiết thực hiện tốt việc đăng ký mua sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, để đảm bảo chất lượng, số lượng sách cho các em học sinh.
Ngoài ra, việc này còn nhằm mục đích đẩy lùi tình trạng in lậu, buôn bán sách giáo khoa giả.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc in ấn, phát hiện các trường hợp buôn lậu sách giáo khoa giả và có những hình thức xử lý, xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những đối tượng vi phạm".
Thầy Phạm Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Hợp (Quảng Bình) cũng thông tin: "Vào đầu năm học, nhà trường sẽ tiến hành lựa chọn sách giáo khoa và thống nhất với phụ huynh, học sinh để phụ huynh chủ động mua cho con em.
Đồng thời, nhà trường cũng tuyên truyền phụ huynh mua sách giáo khoa ở các cơ sở uy tín, tránh mua phải sách giả, sách lậu, kém chất lượng.
Bởi vậy, hiện tại, nhà trường cũng chưa nhận được bất cứ phản ánh nào về vấn đề học sinh sử dụng sách giáo khoa giả".
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Hợp đưa ra một số quan điểm về vấn đề đẩy lùi sách giáo khoa giả như sau: "Chúng ta cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để phân biệt sách giả - sách thật; nêu cao tinh thần, trách nhiệm loại bỏ sách giáo khoa lậu; cùng chung tay đấu tranh, phòng ngừa và tố giác, báo cáo với cơ quan chức năng để có phương án xử lý.
Ngoài ra, có một hướng giải quyết khác là phụ huynh, học sinh đăng ký mua sách giáo khoa tại các trường học; nhà trường sẽ đăng kí số lượng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc qua các công ty phân phối uy tín, tránh việc phụ huynh mua nhầm sách giả, sách in lậu bên ngoài. Nếu học sinh phát hiện sách giáo khoa giả, sẽ quy trách nhiệm về cơ sở giáo dục đó".
Tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh phân biệt sách giả - sách thật
Ông Hoàng Đức Trường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình thông tin, toàn tỉnh chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hòa Bình cung cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố và các huyện có một số cửa hàng bán văn phòng phẩm kết hợp bán kèm sách giáo khoa, nhưng với số lượng bán lẻ, nhỏ và không có cơ sở sản xuất, in ấn sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là một trong những mặt hàng lưu thông trên thị trường, cần đặc biệt quan tâm, vì sách giáo khoa tác động trực tiếp đến việc học tập của thế hệ tương lai.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình hằng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập vào thời điểm trước khi khai giảng năm học mới.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã quán triệt, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phân công cán bộ quản lý địa bàn, thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh trái quy định của pháp luật, trong đó chú trọng mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Trong những năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình chưa phát hiện vi phạm đối với mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Ông Hoàng Đức Trường bày tỏ: "Để hạn chế hành vi sản xuất, kinh doanh trái quy định pháp luật đối với tất cả các mặt hàng lưu thông trên thị trường, trong đó, có mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp đồng bộ và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền thuộc lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
Đồng thời, cần cung cấp cho người tiêu dùng (đối tượng chủ yếu là phụ huynh và học sinh) các kiến thức để phân biệt được sách giáo khoa thật - sách khoa giả, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các đối tượng làm giả sách giáo khoa có nhiều thủ đoạn tinh vi.
Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, có sự lồng ghép một cách phù hợp để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Nếu chúng ta chỉ tổ chức hội nghị, mời phụ huynh đến để phổ biến về sách giáo khoa giả - sách giáo khoa thật, theo tôi là chưa đủ sức lan tỏa".
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin tình hình thị trường về mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập trên địa bàn, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm trong lĩnh vực xuất bản…
Thứ hai, căn cứ diễn biến thị trường các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Thứ ba, trong quá trình kiểm tra, cần kết hợp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về hoạt động trong lĩnh vực trên để biết và thực hiện.
Tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm (nếu có)
Về vấn đề này, ông Võ Trung Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Từ đầu mùa hè, khi chuẩn bị cho năm học mới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc rà soát các cơ sở kinh doanh sách giáo khoa, văn phòng phẩm trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh sách giáo khoa giả, xuất bản lậu.
Qua công tác rà soát, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu về các hành vi nói trên. Trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cũng chưa xử lý vụ việc nào liên quan đến việc kinh doanh sách giáo khoa giả.
Sách giáo khoa phục vụ cho học sinh là một trong các mặt hàng quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục chú trọng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm thu thập, nắm bắt thông tin và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có)".