Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để giúp thầy cô giáo và học sinh chủ động hơn trong việc dạy, học người viết là giáo viên trung học phổ thông tổng hợp lại một số định hướng ôn tập môn Ngữ văn dựa trên các căn cứ: yêu cầu đánh giá và bảng năng lực, cấp độ tư duy; đề thi tham khảo và đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phần Đọc hiểu
Thứ nhất, giáo viên giúp học sinh rèn kĩ năng đọc hiểu một số văn bản tương đương với các văn bản trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn.
Có thể lấy văn bản trong cả 3 bộ sách giáo khoa (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống), chủ yếu là lớp 12 để có thêm nguồn ngữ liệu tham khảo phong phú.
Ví dụ, khi dạy đọc hiểu tiểu thuyết hiện đại, giáo viên dạy sách giáo khoa Ngữ văn 12 bộ Chân trời sáng tạo có thể lấy đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia" (Số đỏ, Vũ Trọng Phụng) trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 bộ Cánh Diều để luyện tập cho học sinh.
Thứ hai, giáo viên cần bám sát các dạng văn bản, các đặc trưng của văn bản được dạy để làm đề mẫu, giúp học sinh ôn tập hiệu quả.
Giáo viên lưu ý, bám sát đặc trưng thể loại của các văn bản theo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tránh trường hợp chỉ căn cứ vào một bộ sách giáo khoa được dạy mà không căn cứ vào chương trình).
Thứ ba, giáo viên tham khảo hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm chuẩn.
Ví dụ, hệ thống câu hỏi của bài "Đàn ghi-ta của Lorca" (Thanh Thảo) trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo và Cánh Diều như sau (trích):
Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo |
Ngữ văn 12 Cánh Diều |
1. Bài thơ này có gì khác thường về hình thức (dấu câu, độ dài ngắn của khổ thơ/ dòng thơ,…)? Xác định thể loại, bố cục bài thơ và mạch cảm xúc của tác giả. |
1. Bài thơ có đặc điểm gì đáng chú ý về hình thức của các dòng thơ, đoạn thơ? |
2. Tác giả Thanh Thảo đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh nào để gợi tả hình tượng nhà thơ Lorca trong hai khổ thơ đầu. Những từ ngữ, hình ảnh đó có điểm gì độc đáo? |
2. Hình tượng Lor-ca đã được nhà thơ khắc hoạ như thế nào qua các chi tiết về tiếng đàn, các hình ảnh, từ ngữ và biện pháp nghệ thuật? Từ đó, hãy chỉ ra tình cảm, suy nghĩ của Thanh Thảo về nhà thơ Lor-ca. |
3. Tìm một số biểu tượng được sử dụng trong bài thơ. Lí giải ý nghĩa của những biểu tượng đó. |
3. Hãy chỉ ra yếu tố siêu thực trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca và nhận xét về tác dụng của yếu tố này đối với việc thể hiện nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm. |
Thứ tư, trong quá trình thiết kế câu hỏi, giáo viên cần kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh, tránh ra những câu hỏi quá dễ, câu khó hoặc vụn vặt sẽ làm mất đi ý nghĩa của văn bản.
Ví dụ, đối với bài thơ "Đàn ghi-ta của Lorca", giáo viên có thể đặt câu hỏi sáng tạo: "Hãy xác định và phân tích tác dụng của các yếu tố văn hoá dân gian Tây Ban Nha được Thanh Thảo sử dụng trong bài thơ" (theo sách giáo khoa Ngữ văn 12 Cánh Diều).
Hoặc: "Việc lặp lại âm thanh tiếng đàn “li-la li-la li-la” có tác dụng gì?" (theo theo sách giáo khoa Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo).
Thứ năm, giáo viên giúp học sinh xử lí từng dạng câu hỏi qua việc thiết kế các đề luyện tập khác nhau; tốt nhất là căn cứ vào đề minh hoạ và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ví dụ, đối với văn bản đọc hiểu là ngữ liệu thơ, giáo viên có thể hỏi về thể thơ; chủ thể trữ tình. Tương tự, đối với truyện ngắn có thể hỏi về ngôi kể, nhân vật chính trong truyện.
Phần Viết
Thứ nhất, viết đoạn văn nghị luận văn học liên quan đến thể loại thơ và văn xuôi (truyện kí) có thể theo hướng dẫn sau:
Thể loại thơ | Thể loại văn xuôi |
1. Mở đoạn: - Dẫn dắt giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm, tác giả. - Nêu vấn đề cần nghị luận. - Nhận định khái quát, cảm xúc, ấn tượng ban đầu về vấn đề nghị luận trong đoạn thơ. 2. Thân đoạn: * Viết về vấn đề nào thì cũng phải đi theo trình tự nội dung của đoạn thơ. - Khi triển khai vấn đề, cần chia đoạn thơ theo bố cục (vd: 2 câu đầu, 2 câu cuối) hoặc theo luận điểm (vd: bức tranh thiên nhiên, tâm trạng của chủ thể trữ tình). - Dựa vào những đặc điểm: từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để phân tích nội dung, ý nghĩa nhằm làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận. - Kết hợp nêu chủ đề, thông điệp của đoạn thơ; tình cảm cảm xúc của tác giả. - Có thể liên hệ, mở rộng vấn đề với tác phẩm cùng đề tài. 3. Kết đoạn: - Khẳng định, nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề. - Nêu cảm xúc, cảm nghĩ của người viết về vấn đề. |
1. Mở đoạn: - Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm, tác giả. - Nêu vấn đề cần nghị luận. - Nhận xét khái quát chung về vấn đề cần nghị luận. 2. Thân đoạn: - Nêu ngắn gọn xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác. - Tập trung làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận: * Nếu vấn đề là một chủ đề thì tập trung nêu bật chủ đề với những đặc điểm sau: + Phân tích nhan đề tác phẩm để có nhận định ban đầu về vấn đề cơ bản mà tác phẩm hướng tới. + Nêu sự việc chính thể hiện chủ đề + Phân tích nhân vật và mối quan hệ của nhân vật nói lên chủ đề. + Phân tích chi tiết nổi bật bộc lộ chủ đề. + Nêu giá trị của chủ đề trong tác phẩm. + Nêu nghệ thuật xây dựng tác phẩm. * Nếu vấn đề là nhân vật: + Giới thiệu ngắn gọn về lai lịch, cuộc đời, kiểu người của nhân vật. + Phân tích vẻ ngoài (nếu có) để thấy được tính cách của nhân vật. + Lựa chọn dẫn chứng để phân tích lời nói, hành động, tâm trạng để thấy được phẩm chất, tính cách của nhân vật. * Nếu vấn đề là chi tiết tiêu biểu: + Xác định chi tiết có liên quan đến nhân vật nào. + Chi tiết diễn tả sự việc gì. + Phân tích những hành động, lời nói của nhân vật trong chi tiết. - Chi tiết được xây dựng bằng từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật gì. + Vai trò của chi tiết trong tác phẩm (khắc hoạ nhân vật, làm nổi bật ý nghĩa tác phẩm, thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm). - Có thể liên hệ, mở rộng vấn đề với tác phẩm cùng đề tài. 3. Kết đoạn: - Khẳng định, nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề. - Nêu cảm nhận của bản thân về vấn đề. |
Thứ hai, viết bài văn nghị luận xã hội cần chú ý dàn ý sau:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng bài văn: Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Viết bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu: Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng sau:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: giải thích; bàn luận; mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.