Theo khoản 2, Điều 30, dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo lần thứ 5) quy định chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo: “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Tại Phiên họp thứ 42 vào đầu tháng 2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non, dự thảo luật mới nhất bổ sung thêm tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng.
Bổ sung tiêu chí về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Dự thảo Luật Nhà giáo đã bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Theo tôi, những điều chỉnh này là phù hợp với ngành giáo dục mầm non. Đối với giáo viên mầm non khi bước sang tuổi 50, khả năng lao động giảm sút, việc đảm nhận các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi nhiều yếu tố và chiếm nhiều thời gian trong ngày, từ 9 đến 10 tiếng.
Hơn nữa, độ tuổi cao có thể ảnh hưởng đến sự sáng tạo, tư duy linh hoạt và khả năng thích ứng, từ đó tác động đến chất lượng giáo dục. Đặc biệt, với những hoạt động đòi hỏi sự dẻo dai, linh hoạt như múa hát hay thể dục vận động, giáo viên lớn tuổi khó có thể tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn trẻ nhỏ”.

Bên cạnh đó, theo Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 đánh giá, việc bổ sung tiêu chí nhà giáo phải đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới không bị trừ tỷ lệ lương hưu sẽ mang lại nhiều mặt tích cực, vừa bảo vệ quyền lợi của giáo viên, vừa giúp duy trì sự bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội và duy trì chất lượng giáo dục.
“Trước hết, quy định này giúp đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho giáo viên, khi họ có thâm niên công tác lâu năm sẽ được hưởng lương hưu đầy đủ, phản ánh đúng quá trình cống hiến của họ trong ngành giáo dục. Điều này cũng khuyến khích giáo viên gắn bó lâu dài với nghề, giảm tình trạng nghỉ việc sớm do áp lực công việc.
Đồng thời, việc đặt ra điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm không chỉ giúp duy trì chất lượng đội ngũ giáo viên mà còn tạo sự ổn định cho hệ thống an sinh xã hội, giảm gánh nặng tài chính cho quỹ lương hưu trong tương lai.
Đặc biệt, với tính chất công việc đòi hỏi nhiều sức lực, sự linh hoạt và thời gian làm việc kéo dài, chính sách này còn hỗ trợ giáo viên lớn tuổi có thể nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng mà vẫn đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ việc”, cô Thanh bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Phùng Thị Trại, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nêu quan điểm: “Việc bổ sung điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết, giúp giáo viên có kế hoạch làm việc và nghỉ hưu hợp lý hơn, đảm bảo quyền lợi lâu dài và sự phát triển bền vững của ngành giáo dục.
Nếu thời gian đóng bảo hiểm quá ngắn nhưng vẫn được hưởng lương hưu đầy đủ, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non, gây khó khăn cho công tác tuyển dụng và duy trì chất lượng giảng dạy. Đồng thời, điều này cũng tạo áp lực lớn lên quỹ bảo hiểm xã hội, làm mất cân đối giữa nguồn thu và chi trả”.

Đồng quan điểm, cô Đào Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho rằng: “Theo tôi, tiêu chí bổ sung về thời gian đóng bảo hiểm để được nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là phù hợp với đặc thù ngành giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, nếu không có thêm quy định chọn lọc cụ thể và chặt chẽ, nhiều giáo viên đủ điều kiện có thể đăng ký nghỉ hưu sớm, trong khi ngành giáo dục mầm non vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự chưa được giải quyết triệt để.
Hơn nữa, quá trình sáp nhập và tinh giản biên chế đang diễn ra mạnh mẽ, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hằng năm tại các huyện lại rất hạn chế, không đủ để bù đắp số lượng giáo viên nghỉ hưu. Ví dụ, tại huyện Yên Châu, năm 2024 đã được duyệt kế hoạch tuyển dụng giáo viên nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thi tuyển.
Do đó, nếu giáo viên nghỉ hưu sớm quá nhiều mà không có phương án bổ sung nhân sự kịp thời, ngành giáo dục mầm non sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và giảng dạy”.
Cô Vân thông tin thêm, thời điểm hiện tại, Trường Mầm non Ánh Sao có tổng cộng 16 cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó khoảng 70% đã đủ điều kiện đóng bảo hiểm từ 20 năm trở lên. Nhiều giáo viên trong trường đã có hơn 30 năm công tác, chỉ thiếu điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Cần thêm tiêu chí xét duyệt rõ ràng, tránh tình trạng nghỉ hưu sớm không cần thiết
Theo cô Phùng Thị Trại, tỷ lệ hưởng lương hưu căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm, do đó bổ sung thêm tiêu chí về việc phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm để không bị trừ tỷ lệ lương hưu vẫn đảm bảo tính công bằng, không gây bất lợi mà phản ánh đúng nguyên tắc “có đóng - có hưởng” theo Luật Bảo hiểm xã hội.
“Việc điều chỉnh này đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm giáo viên, giúp những người có thâm niên công tác lâu dài và đóng bảo hiểm đầy đủ được hưởng quyền lợi tương xứng lúc nghỉ hưu. Đồng thời, khi có tiêu chí cụ thể về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giáo viên có thể chủ động lên kế hoạch công tác và nghỉ hưu hợp lý, hạn chế việc nghỉ hưu sớm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí đầy đủ”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến nhận định.
Cô Trại cho biết thêm, hiện nay đội ngũ giáo viên mầm non tại trường chủ yếu thuộc thế hệ 9X, nên trước mắt chưa có giáo viên nào đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Trong tương lai, khi số lượng giáo viên đủ điều kiện nghỉ hưu sớm tăng lên, nhà trường sẽ có phương án linh hoạt để đảm bảo chất lượng giảng dạy như tuyển giáo viên hợp đồng để bổ sung nhân sự hoặc sắp xếp để các thầy cô kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ.

Theo khoản 3, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số: 58/2014/QH13) người lao động nghỉ hưu sớm nếu không đủ điều kiện theo quy định thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi mức lương hưu sẽ giảm 2%.
Khoản 3, Điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số: 41/2024/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 cũng quy định: "Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%".
Như vậy, nếu giáo viên nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 (so với quy định là 60 tuổi), mức lương hưu sẽ bị giảm 10%. Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng và không bị trừ vào tỉ lệ lương hưu rất hợp lý và nhân văn.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 thông tin, thực tế, vẫn có một số giáo viên đã công tác 30 - 32 năm, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 24 - 25 năm do bị gián đoạn trong giai đoạn trước (1990 - 2000), giáo viên dạy hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm. Do đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bị gián đoạn có thể kéo dài thời gian hưởng chế độ hưu trí của giáo viên thuộc nhóm này.
Mặt khác, nếu dự thảo được thông qua, cô Thanh đề xuất nên đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục nghỉ hưu, đảm bảo quy trình nhanh gọn nhưng vẫn đúng quy định. Đồng thời, cũng cần có hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chuẩn phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, giúp giáo viên có nguyện vọng hoặc thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi chuẩn bị thuận lợi hơn.

Cô và trò Trường Mầm non 20-10. (Ảnh: NTCC)
Về phía Trường Mầm non Ánh Sao, cô Đào Thị Thúy Vân nhấn mạnh, để chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non được thực hiện một cách công bằng và hiệu quả, cần có những tiêu chí xét duyệt rõ ràng, đảm bảo chỉ áp dụng cho những giáo viên thực sự có nhu cầu nghỉ hưu sớm và đáp ứng đủ điều kiện.
“Chẳng hạn, đối với những giáo viên có sức khỏe suy giảm hoặc năng lực chuyên môn không còn đáp ứng yêu cầu giảng dạy, việc xét duyệt nên dựa trên đánh giá định kỳ của nhà trường. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính hợp lý trong quá trình thực hiện chính sách mà còn tránh tình trạng nghỉ hưu sớm không cần thiết, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong ngành giáo dục mầm non”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao kiến nghị.