GVMN chịu áp lực cao, cường độ công việc nhiều nên nghỉ hưu sớm 5 năm là hợp lý

23/11/2024 06:21
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất cho giáo viên mầm non có nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi tối đa 5 năm nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cơ sở giáo dục.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo tại tờ trình số 656/TTr-CP của Chính phủ gửi Quốc hội có nêu: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thầy cô, đây là tín hiệu đáng mừng đối với giáo viên mầm non bởi đa số họ đều mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi so với quy định để đảm bảo sức khỏe, phù hợp với đặc thù công việc.

Giáo viên mầm non chịu áp lực cao, cường độ công việc nhiều nên nghỉ hưu trước tuổi là hợp lý

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hồng Thuý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nhận định, việc dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu trước tuổi đã góp phần động viên các giáo viên mầm non đang công tác trong ngành.

z3458480222674_006230c311a80be1bd0c29b484f2c3c9.jpg
Cô Nguyễn Hồng Thuý (ở giữa) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Thái Nguyên).
(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Theo cô Thuý, giáo viên mầm non là những người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển tư duy ban đầu. Đây là độ tuổi mà trẻ cần được quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ kỹ lưỡng. Tuy nhiên, so với những nghề khác, giáo viên mầm non phải chịu cường độ làm việc cao và nhiều áp lực đi kèm.

Một trong những thách thức đối với giáo viên mầm non là áp lực về thời gian đứng lớp. Trong khi giáo viên các cấp học khác có thời gian làm việc khá rõ ràng theo tiết học, giáo viên mầm non thường bắt đầu lên lớp từ sớm cho đến tối muộn, gần như không có thời gian để nghỉ trưa. Bởi đặc thù công việc của các giáo viên không chỉ dừng lại ở việc dạy mà còn cả chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Điều này tạo nên một áp lực lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần, khiến họ thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng.

Mặc dù công việc có tính đặc thù và yêu cầu trách nhiệm rất cao, nhưng giáo viên mầm non vẫn có mức lương thấp hơn so với giáo viên các bậc học khác. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non gần như chỉ sống dựa vào lương cơ bản từ việc dạy ở trường. Trong khi đó, các thầy cô dạy ở cấp học khác và tuỳ vào từng môn học, có thể dạy thêm để cải thiện mức thu nhập.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm Non Họa My (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) nhận định, công việc của giáo viên mầm non có những đặc thù khó khăn hơn so với giáo viên nhiều bậc học khác. Bởi họ không chỉ chịu trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ trẻ em trong độ tuổi nhỏ nhất mà còn phải đối mặt với môi trường làm việc nhiều áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Các giáo viên mầm non thường phải có mặt từ 6 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị đón trẻ và tan làm lúc 5 giờ chiều hoặc đến muộn hơn.

Khác với các cấp học khác, giáo viên mầm non không có những tiết nghỉ trống trong ngày và họ phải liên tục làm việc trong không gian ồn ào với tiếng khóc, tiếng nói của trẻ nhỏ. Do đó, đối với nhiều giáo viên nữ trên 55 tuổi, khi sức khỏe và sức chịu đựng không còn tốt như trước, việc tiếp tục làm việc trong điều kiện này là một thách thức không nhỏ.

“Đặc biệt, giáo viên mầm non công tác ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện làm việc còn hạn chế càng trở nên khó khăn. Đơn cử giáo viên mầm non phải mất nhiều thời gian và công sức để di chuyển đến các điểm trường lẻ ở các bản làng xa xôi dạy học. Do đó, nhiều giáo viên ở độ tuổi cao không còn đủ sức khỏe để đảm đương các công việc di chuyển hàng ngày trên các cung đường đèo hiểm trở.

Tôi cho rằng, đề xuất nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 năm so với quy định mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi là một chính sách thiết thực và nhân văn, phù hợp với đặc thù công việc của giáo viên mầm non. Điều này không chỉ giúp các giáo viên lớn tuổi có thể an tâm nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác tận tuỵ mà còn tạo điều kiện cho lớp giáo viên trẻ, năng động và phù hợp hơn về thể lực, tiếp cận với công việc này.

Ngoài ra, nếu dự thảo được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các hướng dẫn cụ thể về cách thức làm hồ sơ, quy trình xét duyệt để giúp các giáo viên chủ động hơn trong việc thực hiện. Từ đó, chất lượng giáo dục mầm non được đảm bảo, đồng thời giáo viên cũng yên tâm công tác và cống hiến”, cô Liên nêu quan điểm.

z6023933829756_56227a0e9ae31239dbb19706be17f2c4.jpg
Cô Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm Non Họa My (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
(Ảnh: NVCC)

Đề xuất nghỉ hưu sớm giúp đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Thái Nguyên), đề xuất cho phép giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 năm mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi là một bước đi cần thiết và hợp lý, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo. Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho giáo viên mầm non, mà còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với công việc đặc thù này.

“Nếu chính sách này được thông qua sẽ là động lực to lớn để giáo viên mầm non gắn bó với nghề lâu dài, từ đó cải thiện chất lượng giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, việc cải thiện chế độ cho giáo viên cũng góp phần thu hút thêm nguồn nhân lực mới vào ngành, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục mầm non đang ngày càng cần thêm giáo viên để đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi hiện nay, không ít giáo viên mầm non vì không chịu được khối lượng công việc đã quyết định nghỉ việc để có thể chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như dành thời gian cho gia đình.

Đây cũng là một chính sách nhân văn và thiết thực, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với giáo viên mầm non về cả mặt vật chất lẫn động viên tinh thần. Với những điều kiện làm việc đặc thù và áp lực nghề nghiệp cao, giáo viên mầm non cần được xem xét hưởng một chế độ đãi ngộ phù hợp để có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên, để thực hiện hóa chính sách này, các cấp quản lý vẫn cần có sự tính toán và cân nhắc để đảm bảo nguồn ngân sách và tránh gây áp lực tài chính cho toàn hệ thống”, cô Thuý bày tỏ.

z6023933936482_6dd3d3b984f841bb37507f2008170849.jpg
Đề xuất nghỉ hưu sớm hơn quy định là điều nhiều giáo viên mầm non mong mỏi. (Ảnh: Trường Mầm Non Họa My cung cấp)

Đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Bích Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) bày tỏ, đối với nhiều người, giáo viên mầm non có thể chỉ đơn giản là chăm sóc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế công việc này lại phức tạp và đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên nhẫn, tận tụy. Đặc biệt, với vùng cao như huyện Trạm Tấu, giáo viên mầm non thường phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu hụt cơ sở vật chất, khoảng cách địa lý giữa các điểm trường xa xôi, đường sá nguy hiểm, điều kiện sinh hoạt hạn chế.

“Nhiều khi các cô giáo còn phải đi vào từng thôn, bản để đón trẻ vì nhiều em ở xa và không có phương tiện đến trường. Do đó, vấn đề tuổi tác và thể chất của giáo viên mầm non ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc. Bởi các hoạt động giảng dạy và vui chơi của trẻ đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, hoạt bát và có đủ sức khỏe để tham gia vào các hoạt động vận động như múa hát, thể dục.

Trong khi đó, nếu độ tuổi càng lớn, đặc biệt từ 55 tuổi trở lên, về cơ bản, sức khỏe của giáo viên không còn nhanh nhẹn như lúc trẻ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giảng dạy và sự an toàn cho trẻ. Vì vậy, chính sách nghỉ hưu sớm là cần thiết để đảm bảo giáo viên có thể hoàn thành công việc của mình hiệu quả”, cô Lan nêu quan điểm.

Hiện nay, thực trạng tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc rất cao, chủ yếu vì áp lực công việc và thu nhập thấp. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non thường không có các nguồn thu nhập ngoài lương như các cấp học khác, bởi họ không thể dạy thêm hay nhận lớp ngoài giờ. Do đó, mức lương cơ bản của giáo viên mầm non chưa đáp ứng đủ các nhu cầu sinh hoạt, chưa kể đến các chi phí phát sinh khác, khiến nhiều người phải chật vật cân đối tài chính. Ngoài ra, đa số giáo viên mầm non đều là nữ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Với thời gian làm việc kéo dài và áp lực công việc, đôi khi họ không thể dành nhiều thời gian cho gia đình và nuôi dạy con cái.

“Tôi đánh giá cao về đề xuất liên quan đến quy định nghỉ hưu sớm của dự thảo Luật Nhà giáo đối với giáo viên mầm non. Đây là một đề xuất đầy nhân văn, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với công việc đặc thù và đầy áp lực mà giáo viên mầm non đang phải đối mặt. Là người đã công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, tôi tin rằng quy định này không chỉ là một sự hỗ trợ về mặt chính sách mà còn là động lực lớn cho các giáo viên, đặc biệt là những người làm việc ở các vùng khó khăn.

Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có hiệu quả, tôi mong muốn có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp các giáo viên nắm bắt và thực hiện dễ dàng. Đồng thời, cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ về thu nhập và điều kiện làm việc để giảm bớt áp lực cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tạo động lực để thầy cô cống hiến”, cô Lan bày tỏ.

Thu Thuỷ