Một số điểm mới dự thảo Thông tư thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

09/03/2024 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông và giáo viên dự bị đại học.

Hiện nay, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang được thực hiện tại Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP thì các quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp có nhiều điều chỉnh, dẫn đến việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 34 không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định thời gian giữ hạng tương đương để xét tiêu chuẩn, điều kiện về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đồng thời, địa phương còn gặp khó trong việc quy định các minh chứng cho việc đạt tiêu chuẩn về khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng; cách xác định các minh chứng theo yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…

Vì vậy, việc ban hành Thông tư mới là cần thiết, đảm bảo tính thống nhất với quy định hiện hành. Dưới đây là một số nội dung mới của dự thảo Thông tư thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông hạng I.

gdvn-daoduyanh-710-7763.jpg
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Điều 4. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I

Giáo viên mầm non được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giáo viên mầm non đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25).

2. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và tương đương, có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT và khoản 4, khoản 7 Điều 1 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

5. Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học

Điều 6. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I

Giáo viên tiểu học được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giáo viên tiểu học đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28).

2. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và tương đương, có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

5. Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở

Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I

Giáo viên trung học cơ sở được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giáo viên trung học cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).

2. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và tương đương, có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I theo quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản 4 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

5. Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông

Điều 10. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I

Giáo viên trung học phổ thông được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giáo viên trung học phổ thông đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14).

2. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và tương đương, có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

5. Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Dự thảo tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I các cấp khó hơn

So với văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập, người viết nhận thấy, dự thảo Thông tư lần này quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I ở mức khó hơn.

Thứ nhất, giáo viên được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi cơ sở giáo dục có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Văn bản số 64/BNV-CCVC về hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2): Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: tối đa không quá 20%.

Thứ hai, giáo viên các cấp có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cần biết thêm, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Tại điểm 2.3 khoản 2 Mục B Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành quy định:

"Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng.”

Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học tại đây.

Tài liệu tham khảo:

https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-thong-tu-quy-dinh-tieu-chuan-dieu-kien-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-ma-6326

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên