Đến thời điểm này, các nhà xuất bản đã phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương để tổ chức Hội thảo (trực tuyến) sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho năm học 2023-2024 tới đây để các nhà trường, địa phương lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới.
Đồng thời với việc tổ chức Hội thảo về sách giáo khoa, link các bộ sách: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC cũng đã được gửi về các nhà trường.
Bên cạnh đó, những cuốn sách giáo khoa bản mẫu cũng được gửi về các nhà trường nhằm phục vụ cho việc Hội thảo và lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi đọc sách Ngữ văn 8 và lớp 11, nhiều giáo viên vẫn còn nhiều băn khoăn bởi một số hạn chế ở sách giáo khoa lớp 6, lớp 7,10 vẫn tiếp tục tồn tại.
Một số ảnh, tiểu sử trong sách Ngữ văn 8 và 11 dễ gây hiểu lầm cho người đọc, người học (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Sách Ngữ văn 8: ảnh, tiểu sử tác giả vẫn đặt ở cuối bài
Chúng ta đều biết, phần văn bản ở môn Ngữ văn rất quan trọng bởi theo thiết kế hiện nay, mỗi lớp có 10-11 chủ đề (bài lớn) thì mỗi chủ đề có tới 4 văn bản và giáo viên, học sinh sẽ phải dạy, phải học.
Việc tác giả sách giáo khoa bố trí “đặt” ảnh, tiểu sử tác giả ở một vị trí phù hợp giúp cho người dạy, người học thuận lợi trong việc tìm hiểu, khai thác sẽ rất có ý nghĩa đối với từng bài học.
Hơn nữa, phần tác giả, tác phẩm thường là phần giáo viên sẽ khai thác đầu tiên khi tiếp cận với các tác phẩm văn học. Bởi, đây là nội dung cung cấp những thông tin ngắn gọn về tác giả, tác phẩm giúp cho học sinh hiểu tốt hơn về tác phẩm văn học mà bản thân đang tìm hiểu.
Thế nhưng, sách giáo khoa Ngữ văn 8 (Chân trời sáng tạo) do 2 tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi làm đồng chủ biên vẫn bố trí ảnh, tiểu sử tác giả ở cuối cùng bài học.
Trong khi, giữa bài này với bài kia lại kề nhau, khoảng cách cực nhỏ nên nhiều khi người đọc, người học cứ ngỡ tác giả ở trên là tác giả của văn bản ở phía dưới.
Cụ thể: ở sách Ngữ văn 8, tập II: trang 25 ảnh và tiểu sử nhà văn Đỗ Chu và ranh giới với văn bản Bố của Xi – Mông (SiMon) của Guy de Maupassant lại không có. Vì thế, nếu nhìn qua, chúng ta cứ ngỡ nhà văn Đỗ Chu là tác giả của tác phẩm Bố của Xi – Mông.
Ảnh chụp từ màn hình |
Đến trang 31, phần ảnh và tiểu sử của tác giả Guy đơ Mô-pát-xăng được đặt kề ngay với bài thơ Đảo Sơn Ca của tác giả Lê Cảnh Nhạc. Vì thế, một lần nữa cho thấy phần trình bày sách giáo khoa Ngữ văn 8 chưa thực sự phù hợp và khoa học.
Bức ảnh minh họa chưa thực sự phù hợp |
Trang 85, sách giáo khoa Ngữ văn 8 đặt ảnh và tiểu sử nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đầu trang và kề liền phía dưới là trích đoạn Đại Nam quốc sử ca của tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Nhìn qua, mọi người dễ nhầm tưởng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của Đại Nam quốc sử ca.
Ảnh chụp từ màn hình |
Điều tương tự cũng xảy ra ở trang 102 khi ảnh, tiểu sử nhà thơ Nguyễn Khuyến được bố trí ngay với bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Cách bố trí liền kề, không dễ để nhận ra ảnh, tiểu sử kế trên bài thơ không phải là tác giả bài thơ ở dưới…
Ảnh chụp từ màn hình |
Rõ ràng, việc sách giáo khoa Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tạo) tiếp tục bố trí ảnh, tiểu sử tác giả văn học này kề liền với tác phẩm khác như vậy chưa thực sự khoa học. Bởi, cách bố trí như vậy khó cho người dạy, người học và mới nhìn qua dễ gây hiểu lầm.
Sách Ngữ văn 8, tập II có 124 trang sách, chỉ có 5 chủ đề với khoảng 20 văn bản mà thôi. Trong đó, không phải văn bản nào cũng được tác giả sách giáo khoa giới thiệu về ảnh và tiểu sử tác giả văn bản. Vậy mà, có đến 4 tấm ảnh và tiểu sử tác giả đặt ở một vị trí chưa thực sự phù hợp.
Sách Ngữ văn lớp 11 cũng có những hạn chế tương tự
Đối với sách giáo khoa Ngữ văn 11, có 10 tác giả và chủ biên cuốn sách này là tác giả Nguyễn Thành Thi. Khi đọc sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, chúng tôi cũng thấy nhiều bức ảnh tác giả và phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm được bố trí ở cuối bài giống như các lớp 6,7,8,10 mà nhóm tác giả bộ Chân trời sáng tạo đã biên soạn.
Đối với sách Ngữ văn lớp 11 (tập I), trang 17 đã bố trí phần giới thiệu và ảnh tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường ở ngay đầu trang, kế dưới là văn bản Cõi lá của tác giả Đỗ Phấn. Trớ trêu, đến trang 19, ảnh và tiểu sử của tác giả Đỗ Phấn lại bố trí sát với bài thơ Chiều Xuân của tác giả Anh Thơ.
|
Trang 126, ảnh, tiểu sử của nhà soạn kịch Sếch-xpia (Anh) được bố trí phía trên bài thơ Chí khí anh hùng của nhà thơ Nguyễn Công Trứ.
Sang học kỳ II, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 cũng có một số ảnh tác giả này được bố trí sát với tác phẩm kia. Cụ thể: trang 16 thì tiểu sử và ảnh tác giả Bùi Hiển được bố trí liền kề với văn bản Muối của rừng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Ảnh chụp từ màn hình |
Trang 84, tiểu sử, ảnh tác giả Nguyễn Vỹ được bố trí phía trên văn bản Tôi đã học tập như thế nào của nhà văn M.Gorki (Nga). Nhưng, đến trang 90, khi giới thiệu tiểu sử và ảnh nhà văn M.Gorki lại liền kề với đoạn trích Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh…
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một số giáo viên được tác giả Nguyễn Đăng ghi. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.