Giáo viên nêu băn khoăn một số kiến thức trong sách giáo khoa Vật lí 10

04/03/2023 06:34
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phản ánh nhiều kiến thức trong sách giáo khoa Vật lí 10 - Chương trình mới chưa chuẩn, mong đội ngũ tác giả quan tâm giải đáp thắc mắc.

Thời gian qua, nhiều giáo viên trên cả nước phản ánh với thầy Mai Văn Túc - giáo viên môn Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - kiến thức trong sách giáo khoa Vật lí Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều chỗ chưa chính xác.

Cụ thể đó là hai bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo (Phạm Nguyễn Thành Vinh - Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Kết nối tri thức với cuộc sống (Vũ Văn Hùng -Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Thầy Mai Văn Túc cho biết, những phản ánh mà các thầy cô gửi đến thầy là hoàn toàn có cơ sở và một số câu hỏi đã được thầy trả lời.

Được sự đồng ý của thầy Túc, người viết xin liệt kê một số phản ánh của các thầy cô để đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa giải đáp thêm.

Năng lượng của xe là năng lượng gì?

Một giáo viên dạy Vật lí ở Sơn La có thắc mắc như sau: "Tôi xin phép hỏi tác giả sách giáo khoa, năng lượng của xe là năng lượng gì? Nhìn ảnh thì làm sao biết được xe đang chuyển động hay đứng yên?"

Hình ảnh trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Hình ảnh trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Thầy Mai Văn Túc cho biết, thắc mắc của giáo viên ở Sơn La là có cơ sở. Các tác giả sách giáo khoa cần xem lại câu hỏi.

Khái niệm "công" thiếu chính xác?

Một giáo viên dạy Vật lí ở Lào Cai có thắc mắc như sau: "Trong các sách giáo khoa mới, "công" được định nghĩa là tích của độ lớn lực tác dụng F, độ dịch chuyển và cosin của góc giữa véctơ lực tác dụng và véctơ độ dịch chuyển.

Nội dung trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Nội dung trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Tại sao một khái niệm đơn giản, dễ hiểu thế mà sao các sách giáo khoa lớp 10 - Chương trình mới, đều đặt vấn đề và giải quyết vấn đề rất dài dòng, thiếu chính xác và thiếu khoa học như thế ? Học sinh và giáo viên chúng tôi cứ loạn cả lên.

Nếu đã định nghĩa như thế sao còn phải nói các trường hợp đặc biệt của góc giữa véctơ lực tác dụng và véctơ độ dịch chuyển?

Nếu định nghĩa công cơ học như các sách giáo khoa thì đa số học sinh hiểu, nếu ta kéo một vật từ A đến B sau đó lại kéo từ B về A thì công thực hiện trong thời gian đó của lực ma sát sẽ bằng 0 vì độ dịch chuyển bằng 0, là đúng hay sai?".

Thầy Mai Văn Túc cho biết, thắc mắc của giáo viên ở Lào Cai là có cơ sở. Các tác giả sách giáo khoa cần xem lại câu hỏi.

Miếng socola chỉ có năng lượng 280 cal?

Một giáo viên dạy Vật lí ở Thái Bình có câu hỏi như sau: "Tại sao miếng socola chỉ có năng lượng 280 cal? Giả thiết socola kèm ảnh và khối lượng 60g dùng để làm gì?" (sách Chân trời sáng tạo).

Câu hỏi trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Câu hỏi trong sách Vật lí 10 - Chân trời sáng tạo. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

"Tôi cũng thấy sách giáo khoa viết như thế không đúng và cần viết rõ đó là dạng năng lượng gì. Biết đâu nó chuyển động và nó lại ở độ cao nào đó và hơn nữa năng lượng của nó còn được tính bằng công thức Einstein?", thầy Mai Văn Túc nêu quan điểm.

Động năng quả bóng chuyển hóa thành dạng năng lượng nào?

Một số giáo viên dạy Vật lí hỏi, trong ảnh đính kèm là một câu hỏi trong sách giáo khoa Vật lí 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sách giáo viên trả lời: "Ngay khi quả bóng chạm vào sàn nhà, động năng của quả bóng chuyển hóa thành năng lượng nhiệt và năng lượng âm", có đúng?

Bài tập trong sách Vật lí 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Bài tập trong sách Vật lí 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Thầy Mai Văn Túc có một số ý kiến sau: "Về câu hỏi, 'ngay khi quả bóng chạm vào sàn' nếu hiểu 'ngay khi' là vào một thời điểm thì khi đó năng lượng cơ học của quả bóng là động năng vĩ mô chứ không có sự chuyển hóa nào.

Nếu hiểu 'ngay khi quả bóng chạm vào sàn' là một khoảng thời gian sau khi quả bóng chạm sàn thì đây là một câu hỏi rất khó mà tôi đã đăng tải nhiều lần (trên trang Facebook cá nhân) nhưng không có câu trả lời đúng (kể cả các học sinh đạt Huy chương Vàng quốc tế cũng trả lời sai)."

Mối liên hệ giữa Wt với A của trường lực là công của ngoại lực F?

Một giáo viên dạy Vật lí ở Đà Nẵng thắc mắc như sau: "Sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nêu mối liên hệ giữa Wt với A của trường lực thế nhưng kết luận lại là công của ngoại lực F.

Nội dung trong sách Vật lí 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)Nội dung trong sách Vật lí 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

"Tôi thấy, thứ nhất, để nâng đều vật lên thì thực tế không làm được. Thứ hai, xây dựng thế năng phải xuất phát từ trường lực thế là P, lúc đó học sinh mới hiểu rõ bản chất thế năng", giáo viên này thắc mắc.

Sách phân tích chiều của N có đúng?

Một giáo viên dạy Vật lí ở Thừa Thiên Huế cho rằng, sách bài tập bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, phân tích chiều của N như hình vẽ dưới đây là sai.

Hình vẽ trong sách bài tập Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Hình vẽ trong sách bài tập Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: Mai Văn Túc)

Ý kiến thầy Mai Văn Túc: "Phản lực N có giá đi qua trục quay, lẽ ra không cần phải đưa vào biểu thức cân bằng momen, không cần biểu diễn. Đưa vào biểu thức và biểu diễn như hình vẽ gây ra lãng phí giấy mực và sai bản chất. N phải có hướng đi qua điểm đồng quy của hợp 2 lực song song P và P1 với lực căng T mới đúng".

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của giáo viên dạy Vật lí một số tỉnh thành trên cả nước. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên