Học sinh THPT học thêm ngoài nhà trường môn nào nhiều nhất?

13/10/2024 08:10
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kết quả khảo sát từ 667 em lớp 10, 11, 12 cho thấy có 81,1% em tham gia học thêm ở ngoài nhà trường vì những lí do khác nhau.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông đang công tác một tỉnh ở phía Nam đã từng hướng dẫn học sinh thực hiện dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật (lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi) về thực trạng học sinh tham gia học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Số lượng mẫu nghiên cứu của nhóm có thể chưa đủ để mang tính đại diện. Tuy nhiên, những con số từ chính việc khảo sát của học sinh cũng cho thấy có nhiều điều cần suy nghĩ. Người viết xin chia sẻ một số kết quả chính từ dự án này để độc giả có thêm góc nhìn.

Kết quả khảo sát 667 học sinh lớp 10, 11, 12 cho thấy có 81,1% em tham gia học thêm ở ngoài nhà trường vì những lí do khác nhau.

học thêm.png
Kết quả khảo sát các môn học sinh thường tham gia học thêm. (Ảnh: Ánh Dương)

Khảo sát thực trạng học sinh tham gia học thêm ngoài nhà trường

1. Môn học thêm: 78% học sinh học thêm môn Toán; 54,01% môn Tiếng Anh; 47,59% môn Vật lí; 52,4% môn Hoá học; 8,56% các môn khác.

2. Mục đích học thêm: 57,75% học sinh tìm kiếm tri thức; 44,92% muốn đạt điểm cao; 3,2% để được gặp bạn vui chơi; 6,95% lí do khác.

3. Giáo viên dạy trên lớp trực tiếp dạy thêm: 23,65%. Trong số này có 32,28% giáo viên bộ môn có “gợi ý” học sinh đi học thêm.

4. Học sinh thường học thêm những môn tự nhiên: 46,52% học sinh cho biết chương trình khó; 28,5% không hiểu bài ở trên lớp.

5. Thời gian học thêm trong một tuần: 62,47% học sinh học thêm 12 tiếng; 26,39%: 16 tiếng; 7,88%: 24 tiếng; 3,26%: trên 36 tiếng.

6. Áp lực khi đi học thêm: 62,5% học sinh không còn thời gian vui chơi; 24,6% cảm thấy căng thẳng; 21,39% ảnh hưởng đến sức khoẻ; 19,28% mất dần các mối quan hệ; 6,74% ý kiến khác.

7. Chi phí học thêm (triệu đồng/tháng): 26,74% học sinh tốn trên 2 triệu đồng; 17,11% từ 1,5 đến 2 triệu đồng; 2,39% từ 1 đến 1,5 triệu đồng; 26,2% trên 500.000 đồng.

2.png
Kết quả khảo sát cho biết có 32,28% giáo viên bộ môn “gợi ý” học sinh đi học thêm. (Ảnh: Ánh Dương)

8. Việc học buổi 2 (học thêm) trong trường có cung cấp đủ kiến thức không: 37,43% học sinh cho biết có; 26,74%: có nhưng chưa đủ; 35,83%: không đủ.

9. Phụ huynh có khuyến khích/ ép buộc đi học thêm: 41,92% học sinh trả lời có.

10. Học sinh có tự học không: 35,29% học sinh biết cách tự học; 54,91% thỉnh thoảng; 10,7% không bao giờ.

11. Nguyên nhân học sinh không thể tự học: 64,7% học sinh thiếu phương pháp; 20,86% đã quen đi học thêm; 21,92% lười biếng.

12. Mức độ tiến bộ sau khi đi học thêm: 7% học sinh rất tiến bộ; 62% tiến bộ nhiều; 29% tiến bộ một chút; 2% không tiến bộ.

13. Đi học thêm nhiều khiến học sinh giảm khả năng tự học: 68% học sinh đồng tình.

Nguyên nhân chính khiến học sinh đi học thêm

Thực tế nhìn chung, việc giáo viên dạy thêm và học sinh đi học thêm không phải là điều xấu. Đó là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò, ra đời và tồn tại dựa trên nền tảng là quy luật cung – cầu.

Học sinh học khá, giỏi muốn học thêm để muốn nâng cao trình độ; học sinh có học lực trung bình, yếu thì có nhu cầu học thêm để bổ sung kiến thức, phục vụ tốt hơn cho việc học tập và thi cử.

Đa số học sinh học thêm các môn tự nhiên vì cho rằng kiến thức khó, không hiểu bài trên lớp.

Từ đó dẫn đến học sinh chỉ lo nghĩ ngay đến việc đi học thêm, thay vì ngồi suy nghĩ lại và chọn những phương pháp khác để giải quyết vấn đề của mình.

Hay học sinh chọn học thêm thường cho rằng việc tự học ở nhà thường sẽ không giỏi bằng việc đi học thêm.

Ở lớp học thêm, thầy cô dạy thêm thường cho nhiều đề, hướng dẫn các phương pháp làm bài, các kiến thức mới để giúp bản thân tiếp thu bài dễ hơn mà việc tự học ở nhà không thể mang lại được.

Tuy thời gian học ở trường khá nhiều (2 buổi/ngày) nhưng theo nhiều học sinh, việc học tại trường lại không đảm bảo hết các kiến thức nên phải tìm đến các lớp học thêm để bổ sung.

Ngoài ra cũng phải kể đến lý do từ phía giáo viên, khi một số giáo viên còn hạn chế về năng lực dẫn đến việc giảng dạy thiếu hiệu quả, học sinh không được đảm bảo về kiến thức để phục vụ cho việc kiểm tra và thi cử.

Tác động tiêu cực của việc học thêm quá nhiều

Lạm dụng học thêm sẽ khiến học sinh gặp những hậu quả khôn lường. Khi đã học thêm, học sinh dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, ỷ lại mà không cần xem lại bài để hiểu bài kĩ hơn, sâu hơn.

Thậm chí, một số học sinh còn không tập trung nghe giáo viên giảng bài, chọc phá bạn bè, không cho thầy cô giảng bài, ảnh hưởng chung đến lớp học.

3.png
Một số tác động tiêu cực của việc học sinh tham gia học thêm quá nhiều. (Ảnh: Ánh Dương)

Ngoài thời gian học trên trường, học sinh lại phải học thêm vào buổi tối, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Giờ học thêm chiếm hết thời gian vui chơi, giải trí, giao tiếp với gia đình, bạn bè khiến học sinh dễ bị căng thẳng, áp lực, tự kỉ,...

Đi học thêm nhiều, học sinh không có thời gian để ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý khiến cơ thể sẽ mệt mỏi, dễ rơi vào giấc ngủ li bì, quên học bài.

Cùng với đó, khối lượng kiến thức bậc phổ thông rất nhiều mà ở học thêm học sinh còn phải nhồi nhét thêm nhiều cái mới, trong khi bộ não con người chưa được tiếp thu và chắt lọc nội dung kịp dẫn đến chóng quên bài.

Bên cạnh đó, học thêm cũng kéo theo sự tác động về kinh tế, đặc biệt đối với những gia đình khó khăn. Chưa kể đến tình trạng hiện nay không ít học sinh xin tiền ba mẹ đi học thêm, nhưng lại dùng tiền đi chơi cùng bạn bè, dễ sa vào tệ nạn.

Tham gia học thêm, hầu hết kiến thức đến với học sinh một cách thụ động làm cho người học mất đi khả năng tự học, mất dần sự tư duy sáng tạo và ngày càng bị lệ thuộc vào các lớp học thêm.

Ngoài ra, học sinh học thêm quá nhiều khiến ba mẹ và con cái có khoảng cách lớn, khó chia sẻ, khó hiểu nhau. Từ đó khi nảy sinh những quan điểm trái chiều, xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên sẽ dẫn đến bất hoà.

Qua việc thực hiện dự án, học sinh mong rằng, các bậc phụ huynh và lãnh đạo nhà trường hãy cùng đồng hành, quan sát tình hình học tập của học sinh hiện nay.

Đồng thời, thầy cô giáo cần giúp học sinh có những phương pháp học tập hiệu quả, làm cho người học cảm thấy vui vẻ, thoải mái để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để nhà trường thực sự là nơi xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc cho tương lai tươi sáng của lớp trẻ sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương