Mở "Phiên tòa giả định về xử lý vi phạm ATGT" để bổ sung kiến thức cho học sinh

13/11/2024 06:46
Quỳnh Nguyễn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để nâng cao nhận thức của học sinh trước những rủi ro có thể mắc phải khi đi xe máy tới trường, phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn. 

Những năm gần đây, mặc dù được các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng điều khiển các loại phương tiện tham giao thông khi chưa đủ tuổi, nhất là tình trạng học sinh đi xe máy đến trường khá phổ biến.

Hiện tượng này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với sự an toàn của xã hội.

Mối nguy hiểm cho bản thân các em và cho người đi đường

Thầy Trương Công Hữu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông, Đắk Lắk đánh giá: “Khi học sinh đi đến trường bằng xe máy có dung tích trên 50cm³, các em có thể sẽ dễ gặp phải tai nạn giao thông bởi xe máy có dung tích xi lanh lớn thường có tốc độ cao hơn, khối lượng cũng sẽ nặng hơn dẫn đến việc các em khó điều khiển được phương tiện giao thông mà mình sử dụng.

Thày hữu.jpg
Thầy Trương Công Hữu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông, Đắk Lắk (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, học sinh ở bậc trung học phổ thông vẫn chưa đủ 18 tuổi để thi bằng lái xe máy nên chưa trang bị đầy đủ những kiến thức khi tham gia giao thông như: nhận biết biển cảnh báo, các ký hiệu và luật an toàn giao thông… Do vậy, các em thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, một số em còn chạy hàng 2 hàng 3, qua đường sai quy tắc giao thông, thiếu quan sát,... rất dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm đến tính mạng của chính các em và gây ảnh hưởng tới an toàn của người đi đường.

Nếu tai nạn không may xảy ra, khiến các em phải nhập điều trị thì quá trình học tập trên lớp sẽ bị đứt quãng, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức và chuẩn bị cho các kì thi sau này. Nguy hiểm hơn là các em phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra tại nạn thương vong cho người đi đường.

Ngoài ra, nếu điều khiển xe máy trên 50cm3 mà chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật, các em sẽ bị công an xử phạt, tạo áp lực tài chính lên gia đình, đồng thời chịu các hình thức khiển trách, kỷ luật của nhà trường, ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập của bản thân và kết quả thi đua, khen thưởng của tập thể".

Thầy Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu phó Trường Trung học thông Nguyễn Du, Đồng Tháp cho biết: “Mặc dù nhà trường dùng nhiều biện pháp từ giáo dục, ký cam kết đến mời công an giao thông đến tuyên truyền, nhưng một số học sinh vẫn lén sử dụng xe máy sai quy định. Các em lách quy định bằng cách đi xe máy tới và gửi xe bên ngoài nhà trường. Điều này đã gây ra thách thức lớn đối với các trường trung học phổ thông trong việc kiểm soát số lượng học sinh sử dụng phương tiện giao thông đúng quy định”.

Lí giải về lí do số lượng học sinh trung học phổ thông điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật, thầy Nguyễn Thành Tâm chia sẻ: “Phần lớn các em học sinh chưa hiểu biết hết về pháp luật và chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng xe máy ở lứa tuổi học sinh. Các em này thường thiếu điều kiện đưa đón từ phía gia đình do bố mẹ đi làm ăn xa hoặc bố mẹ ly hôn, ở nhà với ông bà cao tuổi hoặc ở nhà người thân, dẫn đến việc không được người thân quan tâm, nhắc nhở thường xuyên về quy tắc an toàn giao thông. Ngoài ra, một số gia đình không có điều kiện để trang bị xe dưới 50cm3 nên để con em tự ý dùng xe của người lớn đi học.

Thầy Tâm.jpg
Thầy Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu phó Trường Trung học thông Nguyễn Du, Đồng Tháp (Ảnh: NVCC)

Một số em học sinh trung học phổ thông đang ở trong độ tuổi mới lớn, tâm lý có sự nổi loạn và muốn trải nghiệm cảm giác mới cũng như muốn thể hiện cái “tôi” với bạn bè nên bất chấp quy định đi xe máy tới trường.

Mặc dù nhà trường dùng nhiều biện pháp từ giáo dục, ký cam kết đến mời công an giao thông đến tuyên truyền, nhưng một số học sinh vẫn lén sử dụng xe máy sai quy định tới trường và gửi xe bên ngoài nhà trường. Đây cũng là thách thức lớn đối với công tác quản lý đối với các trường trung học phổ thông, đòi hỏi nhà trường càng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với phụ huynh học sinh cũng như giáo viên chủ nhiệm”.

Cần sự quan tâm sát sao từ phía phụ huynh lẫn nhà trường

Thầy Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ thêm: “ Để ngăn chặn việc học sinh đi xe không đúng quy định tới trường, ngay từ đầu năm học, trong buổi sinh hoạt tập trung đầu năm, nhà trường đã tuyên truyền đến tất cả học sinh biết về độ tuổi được điều khiển xe máy, cũng như độ tuổi đủ điều kiện thi giấy phép lái xe.

Trong tháng 9, tháng 10, là những tháng cao điểm thực hiện an toàn giao thông, nhà trường đã thống kê số lượng học sinh đi xe trên 50cm3 và mời đại diện công an giao thông thành phố đến tuyên truyền trực tiếp cho học sinh biết về các diễn biến phức tạp của trật tự an toàn giao thông, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đồng thời nhà trường tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh ký cam kết thực hiện an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô cũng tích cực thực hiện “cổng trường an toàn”. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người trực tiếp trao đổi với phụ huynh và yêu cầu phụ huynh học sinh rước con em đúng giờ, đậu xe nơi an toàn và cam kết chấp hành tốt luật an toàn giao thông cũng như không giao xe trên 50cm3 cho con khi chưa đủ điều kiện lái xe”.

Thầy Đặng Thành Lực, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Ninh Quới, Bạc Liêu cho biết thêm: “Từ đầu năm học 2024-2025, nhà trường đã triển khai các hoạt động liên quan đến công tác giáo dục an toàn giao thông như: tổ chức ra mắt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” cũng như phối hợp với đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông để nhằm nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, để khuyến khích các em chấp hành tốt luật an toàn giao thông và tự ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình, nhà trường đã phối hợp với Xã đoàn Ninh Quới A và các ngành có liên quan để tổ chức hướng dẫn lái xe an toàn, tặng mũ bảo hiểm cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Phiên tòa giả định về xử lý vi phạm an toàn giao thông" để tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 năm 2024. Đây là một hoạt động tốt, vừa tạo sự thích thú cho các em vừa bổ sung những kiến thức về Luật giao thông.

Vàng Hồng Vui tươi Trường học Banner.png
Phiên tòa giả định về xử lý vi phạm an toàn giao thông tại Trường Trung học Phổ thông Ninh Quới, Bạc Liêu (Ảnh: NVCC)

Nhà trường cũng hiểu rõ, việc kiểm soát các em học sinh đi xe máy tới trường cần sự chung tay của cả gia đình, ban giám hiệu và thầy cô giáo trong trường. Do đó, chúng tôi có tổ chức cho viên chức, người lao động, cha mẹ học sinh và học sinh ký cam kết: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nói chung, không điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện và không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời tiến hành cho các em đăng ký phương tiện đến trường, trong đó khai rõ các thông tin như: loại xe, dung tích xi lanh, biển số xe, tên chủ phương tiện… và quy định nơi gửi xe cho từng lớp để tiện cho việc theo dõi và kiểm tra”.

Thầy Trương Công Hữu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông, Đắk Lắk cho biết thêm: "Nhà trường phối hợp với công an huyện, công an tỉnh tổ chức các buổi thực hành mô phỏng tình huống giao thông trong khuôn viên trường, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm và áp dụng kiến thức.

Bên cạnh những hình thức phạt, khiển trách thì nhà trường cũng cần đưa ra những hình thức tuyên truyền để tránh tình huống xấu xảy ra khi các em điều khiển xe máy tới trường. Do đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng cách đăng tải những bài cảnh báo, video về an toàn giao thông trên trang mạng xã hội để nâng cao nhận thức học sinh.

trường thầy hữu.jpg
Buổi mô phỏng tình huống giao thông tại Trường Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông, Đắk Lắk (Ảnh: NVCC)

Sau các buổi tuyên truyền, học sinh có thể hiểu rõ hơn về các quy tắc giao thông và tầm quan trọng của việc tuân thủ chúng đồng thời học sinh có xu hướng thay đổi hành vi, như đi bộ đúng cách, sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc xe máy. Nhiều phụ huynh cũng tham gia vào các hoạt động này, tạo thành một môi trường giáo dục an toàn hơn cho trẻ em”.

Quỳnh Nguyễn