Cô giáo tiếng Anh xin chuyển từ vùng thuận lợi về quê vì muốn "thắp lửa" cho HS

14/11/2024 06:34
Lệ Nguyễn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nghĩ tới huyện mình còn nhiều khó khăn, cô Ninh Thị Ngọc Sen đã xin chuyển công tác từ một ngôi trường có điều kiện thuận lợi để về giảng dạy tại quê nhà.

Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam công bố danh sách 60 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc sẽ tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Chương trình nhằm tôn vinh nỗ lực và đóng góp của các nhà giáo trong công tác giảng dạy ở những vùng khó khăn, đảo xa và cơ sở giáo dục đặc biệt.

Cô giáo Ninh Thị Ngọc Sen (sinh năm 1989), giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1 (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) vinh dự trở thành một trong 60 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay.

Khát khao cống hiến cho thôn làng

Là người con dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại một bản làng xa xôi, nghèo khó của huyện vùng cao Sơn Động, tuổi thơ cô Ninh Thị Ngọc Sen gắn liền với những ngày tháng làm nương rẫy, phụ giúp gia đình trên các triền núi cao.

Cô Sen tâm sự, bản thân cô vốn vẫn luôn tưởng rằng, cuộc sống của mình sẽ chỉ mãi quẩn quanh trong bản làng, cho đến khi ước mơ được nhen nhóm lên khi xuống thành phố và được theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang.

“Xuống thành phố học, lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn cuộc sống thành thị, những tòa nhà cao tầng cùng dòng xe hối hả. Tôi đã không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên, vốn còn nhiều khó khăn, ước mơ được đến trường đôi lúc vẫn nằm ngoài tầm với của những đứa trẻ miền núi.

Khi nghĩ về điều ấy, tôi quyết tâm sẽ học tập thật tốt, để trở thành cô giáo, trở thành “người truyền lửa”, chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao, góp một phần sức lực nhỏ bé để xây dựng quê hương” - nữ giáo viên nhớ lại.

cô.jpg
Cô Ninh Thị Ngọc Sen là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu sẽ tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Ảnh: NVCC.

Dù đặc biệt yêu thích tiếng Anh, nhưng việc học tập thời thơ ấu của cô gặp nhiều khó khăn, bởi tài liệu học tập còn khan hiếm. Sau tất cả, lấy niềm đam mê làm động lực để vượt qua trở ngại, nữ sinh vẫn cần mẫn ôn thi với lòng quyết tâm cao “phải đi học, phải trở thành cô giáo!”. Ước mơ ấy đã tiếp thêm sức mạnh và động lực để cô thi đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Sau khi tốt nghiệp, mặc dù được phân công giảng dạy tại một ngôi trường ở vùng thuận lợi, song, cô giáo trẻ vẫn mong mỏi được trở về vùng quê của mình.

“Mỗi khi nghĩ đến nơi mình sinh ra và lớn lên còn nhiều khó khăn, ước mơ được giảng dạy tại quê nhà lại thôi thúc tôi trở về. Tháng 3/2013, tôi xin chuyển công tác về Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1; tính tới nay, tôi đã gắn bó hơn 11 năm tại trường”, cô nhớ lại.

Chia sẻ về những vất vả khi mới bước chân vào nghề, nữ nhà giáo không thể quên khoảng thời gian đi dạy cách nhà hơn 10km đường dốc quanh co. Mỗi ngày, cô Sen vẫn đều đặn đến trường với một tâm thế vui vẻ, tràn đầy năng lượng tuổi trẻ.

Ước mơ được cống hiến cho quê hương là động lực giúp cô Ngọc Sen trở thành một nhà giáo. Ảnh: NVCC.

Ước mơ được cống hiến cho quê hương là động lực giúp cô Ngọc Sen trở thành một nhà giáo. Ảnh: NVCC.

Chưa có nhiều kinh nghiệm, lại thêm những trở ngại khi dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao, khiến cô giáo Ninh Thị Ngọc Sen gặp không ít khó khăn.

“Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tạo cảm giác gần gũi, động viên học sinh và tìm nhiều phương pháp để khơi dậy sự yêu thích, hứng thú của học sinh đối với môn học, giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Ở trường học, tiếng Anh vốn là môn được phần lớn học sinh nhận định là khó, đặc biệt với học sinh vùng cao của huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) - nơi đa số các em là người dân tộc thiểu số. Việc dạy ngoại ngữ cho học sinh vùng cao là một thách thức đặt ra cho nhiều thầy cô. Không ít học sinh sợ môn học này do thiếu môi trường giao tiếp, thiếu tình huống để vận dụng do đó dẫn đến nhận định sai lầm học tiếng Anh là xa rời thực tế”, cô Sen lý giải.

Mang ngoại ngữ đến gần hơn với học sinh vùng cao

Để khắc phục trở ngại về mặt tâm lý cho học sinh, cô giáo Ninh Thị Ngọc Sen thường xuyên động viên học trò rằng, biết tiếng Anh sẽ mang lại cơ hội việc làm rộng mở hơn.

Qua những kiến thức đã được tích lũy cùng kinh nghiệm thực tiễn, cô Sen tích cực tổ chức các hoạt động, dự án học tập như đóng kịch, thuyết trình hay làm video bằng tiếng Anh.

Tại Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1, cô thường xuyên tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường nhằm đa dạng hóa hình thức dạy và học, tăng sự hứng thú cho học trò.

Với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nữ nhà giáo đã nghiên cứu hướng đi để khai thác công nghệ một cách hiệu quả. Tính đến hiện tại, cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang công nhận về hiệu quả áp dụng, gồm: Ứng dụng “TFlat-Liveworksheets” nhằm nâng cao khả năng học từ vựng tiếng Anh cho học sinh; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong thiết kế các sản phẩm, tài liệu học tập tiếng Anh lớp 12 với ứng dụng Canva; Thiết kế một số hoạt động khởi động và dự án nhằm tạo môi trường sử dụng và phát triển kỹ năng nói tiếng Anh cho học sinh lớp 10 sách Global Success.

Cô Ngọc Sen tại lễ biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Ảnh: NVCC.
Cô Ngọc Sen tại lễ biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Ảnh: NVCC.

Suốt nhiều năm đứng lớp, cô Sen chia sẻ, bản thân luôn tâm niệm, người giáo viên nên vừa là thầy, vừa là bạn với học trò: “Tôi tin rằng, việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện, tin cậy là điều cần thiết để học sinh có thể chia sẻ những lo lắng và khát khao của mình. Điều này không chỉ giúp các em cảm thấy được lắng nghe, mà còn tạo điều kiện để xây dựng lòng tin và sự tôn trọng giữa thầy - trò.

Bên cạnh dạy kiến thức, cũng cần chú trọng vào giáo dục nhân cách. Tôi thường tổ chức các hoạt động, thảo luận nhóm, giúp học sinh học cách làm việc tôn trọng lẫn nhau và phát huy tinh thần hợp tác. Chính những trải nghiệm này sẽ góp phần hình thành phẩm chất tốt đẹp, giúp các em tự tin bước vào cuộc sống sau này.

Vai trò của người giáo viên chủ nhiệm cũng rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tôi thường hướng dẫn học trò tìm hiểu các ngành nghề, hướng các em đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân và xu hướng của xã hội. Tôi hy vọng rằng, với sự đồng hành của mình, học sinh của tôi sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội và có một tương lai tươi sáng”.

Bằng lòng nhiệt huyết với nghề, nữ nhà giáo đã truyền tình yêu với tiếng Anh tới nhiều học sinh của mình.

“Có một học trò cũ của tôi cách đây vài khóa từng rụt rè tâm sự với tôi rằng, em rất thích môn tiếng Anh, nhưng không tự tin do cảm thấy mình học không giỏi và hỏi tôi: “Liệu em có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh được không?”.

Tôi đã dùng chính những trải nghiệm của mình để chia sẻ, động viên em theo đuổi ước mơ. Với nỗ lực học tập, cô học trò ấy đã thi đỗ Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giờ đây, em ấy đã trở thành cô giáo, giảng dạy ở một trường phổ thông liên cấp tại tỉnh Bắc Giang” - niềm vui rạng rỡ như đong đầy trong ánh mắt đầy tự hào của nữ giáo viên khi nhắc đến học trò cũ.

Trong nhiều năm dạy học sinh khối 12, cô Ninh Thị Ngọc Sen đã dạy các lớp phụ đạo tiếng Anh miễn phí, kèm cặp cho học sinh có lực học yếu, góp phần nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường.

Là một trường vùng cao, việc có học sinh tham gia thi và đạt giải cấp tỉnh môn tiếng Anh là điều tương đối khó thực hiện với Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1. Vì vậy, cô Sen thường động viên học sinh trong suốt quá trình ôn luyện, thậm chí, tới tận nhà học trò để động viên tiếp tục tham gia ôn thi.

Với sự hướng dẫn tận tình, cô từng có 6 học trò đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, từ năm học 2018 đến 2024, trong đó có 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Được sự tín nhiệm của Ban giám hiệu cùng Tổ trưởng bộ môn, cô tiếp tục tham gia bồi dưỡng đội tuyển, góp phần nâng cao chất lượng học sinh của nhà trường.

Hơn 11 năm giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1, cô Ninh Thị Ngọc Sen luôn tự hào vì bản thân được học trò quý mến. Ảnh: NVCC.
Hơn 11 năm giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 1, cô Ninh Thị Ngọc Sen luôn tự hào vì bản thân được học trò quý mến. Ảnh: NVCC.

“Làm nghề giáo, không chỉ đòi hỏi kiến thức vững vàng mà còn là sự kiên nhẫn, tình yêu thương vô điều kiện dành cho học sinh. Dù con đường này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng mỗi nỗ lực, mỗi lời động viên chân thành từ giáo viên đều có thể để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng học trò. Đó cũng chính là phần thưởng vô giá cho những người làm nghề giáo”, cô Ninh Thị Ngọc Sen bày tỏ.

Lệ Nguyễn