Mô hình KOSEN rất hay nhưng tính khả thi ở Việt Nam thấp

01/07/2023 06:45
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chương trình KOSEN giảng dạy 5 năm, thường 2 năm đầu học xen kẽ các môn học ở THPT và một số ít các môn học kỹ thuật mang tính nhập môn và thực tập.

Vừa qua trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có đề cập đến mô hình đào tạo nghề của Nhật Bản theo kiểu 9+5 (học hết lớp 9 và học 5 năm nữa) hay còn gọi là mô hình KOSEN để có được bằng cao đẳng vừa là giải pháp thúc đẩy phân luồng và vừa là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trước thông tin mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)– một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp nêu về sự ra đời cũng như những đặc trưng cơ bản của mô hình KOSEN để độc giả có thêm góc nhìn.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh lý giải, KOSEN là viết tắt của từ tiếng Nhật "Koto-senmon-gakko" có nghĩa là cao đẳng công nghệ, trong đó "Koto" là viết tắt của trình độ cao và "Senmon" là viết tắt của chuyên ngành (kỹ thuật). Hầu hết mô hình KOSEN cung cấp các chương trình giáo dục kỹ thuật để lấy bằng cao đẳng.

Mô hình KOSEN lần đầu tiên được thành lập để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của ngành công nghiệp vào năm 1962 trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Nhật Bản. Hiện nay, khoảng 1% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở độ tuổi 15 vào KOSEN chuyển sang giáo dục sau trung học và bắt đầu học kỹ thuật trình độ cao đẳng.

Khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào KOSEN, chương trình giảng dạy của KOSEN về cơ bản bao gồm giáo dục trung học phổ thông và các môn học nhập môn này không chỉ cung cấp cho người học nền tảng việc học chuyên ngành kỹ thuật mà còn cho việc học tập và phát triển tư duy của đội ngũ nhân lực này.

Những đặc trưng của mô hình KOSEN của Nhật Bản

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thông tin, lĩnh vực đào tạo của KOSEN chủ yếu tập trung vào giáo dục kỹ thuật và tăng cường kỹ năng thực hành. Gần đây một số KOSEN mở rộng đào tạo sang cả các ngành thuộc kinh doanh. Chương trình giảng dạy kéo dài 5 năm đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (9 năm) tương đương tuổi là 15. Những người tốt nghiệp KOSEN có thể học các khóa nâng cao 2 năm để đào tạo chuyên sâu và đi sâu vào thực tế. Khóa học nâng cao này có thể tiếp nhận sinh viên đại học năm thứ 3 chuyển qua học [1].

Mô hình hệ thống giáo dục Nhật Bản và KOSEN (Nguồn: http://www.cdio.org/files/document/file/CDIO_Proceedings_2020_Aburatani.pdf)

Mô hình hệ thống giáo dục Nhật Bản và KOSEN (Nguồn: http://www.cdio.org/files/document/file/CDIO_Proceedings_2020_Aburatani.pdf)

Chương trình giảng dạy 5 năm thường hai năm đầu học xen kẽ các môn học ở trung học phổ thông và một số ít các môn học kỹ thuật mang tính nhập môn và thực tập. 3 năm sau thì các môn học kỹ thuật tăng dần, các môn học mang tính nền tảng cho học kỹ thuật sẽ gảm bớt [1].

KOSEN cung cấp giáo dục kỹ thuật thực tế và chuyên nghiệp dựa trên hệ thống tích hợp 5 năm. Hệ thống này giống như sự kết hợp giữa trường trung học phổ thông và sau trung học và được gọi là “khóa học chính quy”.

Sau khi tốt nghiệp khóa học chính quy, sinh viên có thể lấy bằng cao đẳng. KOSEN cũng có “Khóa học nâng cao” là khóa học bổ sung 2 năm sau khóa học thông thường và có thể lấy được bằng đại học (vì có thể chuyển sang học thạc sĩ sau khóa học).

Điểm nổi bật thực tập là một thành phần trung tâm của hệ thống giáo dục KOSEN. Quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở KOSEN với các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong khu vực cho phép sinh viên áp dụng kiến thức và kỹ năng của họ trong môi trường thực tế và xây dựng mối quan hệ với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Về cơ hội việc làm và khả năng liên thông theo báo cáo của NobutomoUehara [1] năm 2020 cho thấy khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp hệ 5 năm có việc làm, trong khi đó khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp hệ 5 năm có thể học tiếp 2 năm nâng cao con số này là 65% và 35% học tiếp thạc sĩ. (20% số còn lại sau tốt nghiệp có thể chuyển vào học năm thứ 3 đại học).

Việt Nam muốn áp dụng mô hình này gặp thách thức gì?

Mô hình KOSEN có thể nói rất giá trị để nghiên cứu tham khảo, thế giới cũng có nhiều nghiên cứu về mô hình này như [1], hoặc [2] có tiêu đề Nuôi dưỡng kỹ sư sáng tạo, thực hành và chuyên nghiệp: Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN) tại Nhật Bản - Asami Shimoda and Takayoshi Maki. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng tại Việt Nam thì Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng sẽ có một số thách thức.

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục Việt nam khác với bối cảnh của Nhật Bản, do vậy rất cần xem xét sự thích ứng của mô hình này với bối cảnh nền kinh tế, hạ tầng giáo dục và chất lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Việt Nam đối mặt với sự hạn chế về nguồn lực tài chính, con người và hạ tầng công nghệ hiện đại gồm các phòng thí nghiệm công nghệ và nhà xưởng.

Theo số liệu năm 2021, chi tiêu trung bình hàng năm cho mỗi sinh viên học tại các trường KOSEN được ước tính vào khoảng 2,5 đến 3 triệu yên (khoảng 23.000 đến 27.000 USD tức là khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm). Về đội ngũ giảng viên theo báo cáo [2] về trình độ giảng viên trong một trường KOSEN có đến 41% là giáo sư, 40% là phó giáo sư, 10% trợ lý giáo sư, còn lại là giảng viên.

Viện Công nghệ quốc gia KOSEN, Nhật Bản đặt ra tiêu chí tuyển giảng viên rất cao phải là người có bằng tiến sĩ, có vị trí nghề nghiệp là giáo sư hay phó giáo sư, giảng viên chính thức của một trường đại học, hoặc là người làm việc cho trường học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, viện khảo sát, hoặc tương tự và có thành tích học tập hoặc nghiên cứu, hoặc người làm việc cho nhà máy hoặc văn phòng tương tự và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ... Xem ra điều kiện này ở nước ta vô cùng thách thức.

Bên cạnh đó, việc hợp tác nhà trường và ngành công nghiệp hoặc với doanh nghiệp ở nước ta còn gặp khó khăn do cấu trúc nền kinh tế với tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn cộng với doanh nghiệp FDI phần nhiều là công nghiệp lắp ráp cao hơn với doanh nghiệp chế tạo kỹ thuật.

“Những vấn đề về thể chế vận hành tương tự như KOSEN gần như không thể, chính sách đảm bảo quản trị mô hình hiệu quả Việt Nam còn thiếu, đặc biệt cơ chế tài chính hỗ trợ từ Chính phủ rất lớn. Cuối cùng những vấn đề về văn hóa, nhận thức thói quen bị động của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cản trở rất lớn để áp dụng mô hình mới KOSEN”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Từ những đặc điểm và những thách thức với mô hình KOSEN vừa nêu, Tiến sĩ Hoang Ngọc Vinh cho rằng, việc coppy mô hình này và áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam khó khả thi xét trên phương diện chính sách, cơ chế, nguồn lực tài chính, đội ngũ và các yếu tố kinh tế, văn hóa, giáo dục khác.

Tuy nhiên, có thể vận dụng cách tiếp cận giảng dạy tích hợp giữa các môn học trung học phổ thông và các môn đại cương về kỹ thuật, thực hành cho học sinh có đầu vào tốt nghiệp trung học cơ sở, thiết kế chương trình khoa học, tuyển chọn đội ngũ tốt để đào tạo hệ 9+5.

Do học về giáo dục kỹ thuật đòi hỏi kiến thức về toán 2 năm đầu như Toán của trung học phổ thông thậm chí cao hơn mới có thể tiếp thu được kiến thức của giáo dục kỹ thuật ở trình độ sau trung học nên việc tuyển sinh khá chọn lọc. Những học sinh không thể theo được có thể phải bỏ học, con số này theo [3] lên đến trên 12%.

Trong khi phân luồng có nhiều giải pháp không phải cứ nhất nhất là theo mô hình KOSEN khi điều kiện của ta khó có thể tạo môi trường sinh thái tốt để áp dụng vào Việt Nam. Không phải cái hay của người ta sẽ có thể trở thành cái hay của mình, tương tự như khá nhiều quốc gia thất bại trong việc áp dụng mô hình đào tạo nghề kép của Đức.

Tài liệu tham khảo:

[1] Chương trình giảng dạy và việc thực hiện việc giáo dục kỹ thuật KOSEN tại KOSEN- KMTL, Thailand 2020. NobutomoUehara

[2] Nuôi dưỡng kỹ sư Sáng tạo, thực hành và chuyên nghiệp: Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN) tại Nhật Bản –2018. Asami Shimoda and Takayoshi Maki.

[3] KOSEN – giáo dục kỹ thuật 5 năm từ tuổi 15. 2007 Mituhiko Araki

Linh An